Chủ nhật,  10/12/2023

Phóng viên báo tỉnh

LSO- Quyết định làm phóng viên Báo tỉnh Những ngày còn là sinh viên báo chí, tôi và biết bao bạn bè đều mơ ước và mong muốn ngày tốt nghiệp ra trường sẽ nhanh chóng tìm được một công việc tốt tại một toà báo lớn ở Hà Nội. Chính vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, chúng tôi đã năng nổ đi, tìm hiểu và viết bài cộng tác cho các toà báo mà mình nuôi hy vọng là sau này sẽ có một “chỗ đứng” ở đó. Tập huấn nghiệp vụ viết tin, chụp ảnh cho phóng viên Báo Lạng SơnTuy nhiên, sau 4 năm học, ngày nhận bằng tốt nghiệp tôi đã quyết định nộp đơn xin việc tại toà báo tỉnh. Rất nhiều bạn bè can ngăn, nói rằng về tỉnh làm gì có tương lai, học trường báo ra phải được làm việc trong môi trường báo chí lớn, nhiều cạnh tranh thì mới mong phát huy hết được những kiến thức đã học. Những điều bạn bè nói, khuyên bảo tôi không phải không đúng, tôi rất trân trọng và thực sự khi quyết định về quê tôi...

LSO- Quyết định làm phóng viên Báo tỉnh

Những ngày còn là sinh viên báo chí, tôi và biết bao bạn bè đều mơ ước và mong muốn ngày tốt nghiệp ra trường sẽ nhanh chóng tìm được một công việc tốt tại một toà báo lớn ở Hà Nội. Chính vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, chúng tôi đã năng nổ đi, tìm hiểu và viết bài cộng tác cho các toà báo mà mình nuôi hy vọng là sau này sẽ có một “chỗ đứng” ở đó.




Tập huấn nghiệp vụ viết tin, chụp ảnh cho phóng viên Báo Lạng Sơn

Tuy nhiên, sau 4 năm học, ngày nhận bằng tốt nghiệp tôi đã quyết định nộp đơn xin việc tại toà báo tỉnh. Rất nhiều bạn bè can ngăn, nói rằng về tỉnh làm gì có tương lai, học trường báo ra phải được làm việc trong môi trường báo chí lớn, nhiều cạnh tranh thì mới mong phát huy hết được những kiến thức đã học. Những điều bạn bè nói, khuyên bảo tôi không phải không đúng, tôi rất trân trọng và thực sự khi quyết định về quê tôi cũng cảm thấy hơi chạnh lòng, có cái gì đó như tiếc nuối và mất mát, giống như có rất nhiều cơ hội đã chợt vụt qua tay. Nhưng rồi, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình neo người, bố tôi đã mất sau một trận ốm khi tôi mới là sinh viên năm thứ hai. Nghĩ đến việc mẹ tôi một nách nuôi hai đứa con, trong khi đó một mình tôi lại bôn ba nơi Thủ đô xa xôi, không người thân, thuê nhà trọ, những khi khó khăn, ốm đau biết bấu víu vào đâu…Thế là tôi xách ba lô về. Rất nhiều bạn bè tôi quyết tâm bám trụ lại Hà Nội, kể cả làm những việc mà chẳng liên quan gì đến báo chí, chỉ những mong sẽ tìm được một cơ hội tốt cho tương lai nghề nghiệp của mình. Về làm việc tại báo tỉnh từ năm 2005, đến nay, tôi đã có 5 năm trải nghiệm trong nghề. Thời gian đó tuy chưa phải là nhiều song cũng là khoảng thời gian để tôi tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Và trong suốt thời gian đó, tôi cảm nhận được rằng, làm báo tỉnh không hẳn là không có tương lai như bạn bè vẫn nói, cũng không hẳn là kém phần cạnh tranh, thậm chí còn có những cái “oai” rất riêng mà nhiều khi các phóng viên “Báo nhớn” ở Hà Nội “phải nhờ cậy”.

Báo tỉnh – môi trường cạnh tranh không kém phần khốc liệt

Trong 5 năm tôi làm tại cơ quan báo tỉnh, đã chứng kiến rất nhiều cuộc cạnh tranh, đào thải rất khốc liệt. Bởi vì môi trường báo chí không chỉ là nơi để làm nghề mà còn đòi hỏi kỹ năng, năng khiếu, sự nhạy cảm, niềm đam mê và sức khỏe để có thể theo được nghề. Có rất nhiều người yêu thích nghề báo, muốn làm báo nhưng do không được đào tạo về nghề báo, lại thiếu sự nhạy bén chính trị, kỹ năng viết chưa đáp ứng được yêu cầu nên thực sự đã không theo đuổi được và đành xin chuyển công việc khác. Lại có phóng viên viết cũng được, nhạy bén chính trị cũng có, song lại thiếu sức khoẻ, thiếu sự đam mê nên cứ làm kiểu được chăng hay chớ cho đủ chỉ tiêu, phần vượt không đáng kể dẫn đến thu nhập thấp nên cũng đành từ bỏ nghề báo. Tâm sự với tôi, các phóng viên đó cho rằng: lúc đầu cứ nghĩ làm báo dễ, nhất là ở báo tỉnh, cũng chỉ quanh năm suốt tháng thông tin tuyên truyền về những sự việc, sự kiện trong tỉnh nhưng sau một thời gian làm mới thấy quá sức của mình. Hiện giờ các phóng viên ấy đều đã lựa chọn được cho mình một công việc phù hợp hơn và thực sự công việc đó khiến họ say mê và cống hiến được nhiều hơn so với khi làm báo.

Cái “oai” của phóng viên báo tỉnh

Phóng viên báo tỉnh với đặc thù của mình luôn là những người đi sâu, đi sát bám sát ngành, lĩnh vực và những địa bàn được phân công phụ trách. Chính vì vậy, mỗi một phóng viên ở báo tỉnh đều có sự am hiểu, sâu sắc nhất định về ngành, địa bàn. Khi phóng viên báo trung ương đến làm việc tại địa phương sẽ thường xuyên liên lạc với những phóng viên đã có mối quan hệ quen biết từ trước hoặc sẽ tiếp cận, làm quen với những phóng viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực mà họ đang quan tâm. Trong suốt thời gian làm báo của mình, tôi đã tận tình đưa nhiều bạn bè của mình ở các báo trung ương lên công tác tại Lạng Sơn đi viết những vấn đề mà họ quan tâm. Cung cấp thêm những thông tin cho bạn bè về đặc trưng, phong tục của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ngoài ra, thi thoảng tôi cũng viết một số bài theo lĩnh vực mình phụ trách gửi đăng các báo ngành liên quan. Sau khi hoàn thành công việc, bạn bè cảm ơn rối rít, lại còn bảo “mày trông oai quá” khiến tôi càng thấy tự hào. Trao đổi nghề nghiệp với bạn bè, giờ đây nhiều người bạn của tôi đã thay đổi cái nhìn với phóng viên báo tỉnh, không những vậy còn cho rằng làm phóng viên báo tỉnh như tôi quả là “sướng”. Theo họ thì tôi có biên chế ổn định, thu nhập ổn định lại sống gần gia đình, họ hàng, có khó khăn gì là được trợ giúp liền. Ngẫm ra tôi thấy cũng đúng. Chẳng thế mà nhiều bạn bè của tôi sau một thời gian “bôn ba” bám trụ ở Thủ đô cũng đã về tỉnh xin việc. Trong khi đó, những Báo tỉnh mà bạn bè tôi xin vào làm như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… xem ra còn có nhiều điều kiện tốt hơn cả Lạng Sơn.

Lời kết

Câu chuyện phóng viên báo tỉnh thực sự còn rất nhiều điều để nói, song ở đây, tựu trung lại, chỉ muốn gửi gắm một điều, đã làm báo thì ở môi trường nào người phóng viên cũng cần phải nỗ lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp báo chí chung. Phải khẳng định được mình trong nghề và say mê với nghề. Trong môi trường làm báo ở tỉnh, người phóng viên càng cần phải nắm vững chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh. Năng nổ đi cơ sở, đến và phản ánh cuộc sống của nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Phát hiện những vấn đề mới, thời sự để kịp thời thông tin cho độc giả. Bởi vậy, bản thân luôn tâm niệm rằng, những người cố gắng làm nghề bằng cái tâm, niềm say mê của người làm báo sẽ thực sự phát huy được hết khả năng của mình.


Thanh Huyền