Hạn hán nặng ở Nghệ An
22/06/2010 09:50
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, tính đến trung tuần tháng 6, do nguồn nước thiếu hụt, toàn tỉnh có 12.689 trong số 55.000 ha kế hoạch lúa hè thu chưa gieo cấy.Lớn nhất là huyện Nghi Lộc phải chuyển 3.000 ha lúa hè thu sang sản xuất vụ mùa, huyện Đô Lương vẫn còn 1.450 ha ở các xã Lam Sơn, Trù Sơn, Hiến Sơn... chưa gieo cấy được và huyện Yên Thành cũng phải chuyển 1.300 ha lúa hè thu sang vụ mùa...Toàn tỉnh hiện có 277 hồ cạn nước. Quan trắc 50 hồ do các doanh nghiệp quản lý, đến ngày 14-6 có 15 hồ cạn nước, 22 hồ mức nước còn nhỏ hơn 50% dung tích thiết kế, 13 hồ mức nước còn 50 đến 70% dung tích thiết kế. Đối với 600 hồ nhỏ địa phương quản lý, hiện có gần 50% số hồ cạn, chỉ đạt 15 đến 30% so với dung tích thiết kế. Tình hình thiếu nước, khô hạn đã xảy ra trên diện rộng, Trong khi đó, nguồn điện lại thường xuyên bị cắt cho nên ảnh hưởng rất lớn đến việc bơm...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, tính đến trung tuần tháng 6, do nguồn nước thiếu hụt, toàn tỉnh có 12.689 trong số 55.000 ha kế hoạch lúa hè thu chưa gieo cấy.
Lớn nhất là huyện Nghi Lộc phải chuyển 3.000 ha lúa hè thu sang sản xuất vụ mùa, huyện Đô Lương vẫn còn 1.450 ha ở các xã Lam Sơn, Trù Sơn, Hiến Sơn… chưa gieo cấy được và huyện Yên Thành cũng phải chuyển 1.300 ha lúa hè thu sang vụ mùa…
Toàn tỉnh hiện có 277 hồ cạn nước. Quan trắc 50 hồ do các doanh nghiệp quản lý, đến ngày 14-6 có 15 hồ cạn nước, 22 hồ mức nước còn nhỏ hơn 50% dung tích thiết kế, 13 hồ mức nước còn 50 đến 70% dung tích thiết kế. Đối với 600 hồ nhỏ địa phương quản lý, hiện có gần 50% số hồ cạn, chỉ đạt 15 đến 30% so với dung tích thiết kế. Tình hình thiếu nước, khô hạn đã xảy ra trên diện rộng, Trong khi đó, nguồn điện lại thường xuyên bị cắt cho nên ảnh hưởng rất lớn đến việc bơm tưới. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương rà soát, đánh giá lại khả năng nguồn nước để xây dựng phương án bố trí cây trồng vụ hè thu phù hợp điều kiện cụ thể, có phương án chuyển sang sản xuất vụ mùa và chuyển đổi cây trồng hợp lý.
Ngành nông nghiệp đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước các hồ chứa, phân phối nước hợp lý, hiệu quả, có lịch tưới cụ thể và tổ chức tưới luân phiên, tiết kiệm. Các công ty thủy lợi phối hợp chặt chẽ các địa phương, tiếp tục chỉ đạo tưới luân phiên, dồn ép nước để bảo đảm nước cho vùng cuối kênh, vùng hạn ưu tiên cấp nước trước, vùng thiếu nước bơm cấp nước sau, tuyệt đối không để xảy ra hạn vùng gần công trình đầu mối, vùng nguồn nước thuận lợi. Đối với vùng hồ đập, phải tính toán cụ thể lượng nước, số lần tưới để trên cơ sở đó điều hành tưới bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng phát triển, hết sức tiết kiệm, dành nước cho thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông.
Các trạm bơm lấy nước ở sông Lam, sông Cấm, kênh Gai, kênh Hoàng Cần, sông Vinh… cần thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trên các kênh dẫn và tại bể hút các trạm bơm trước và trong khi vận hành.
Hiện nay, việc cấp điện cho các trạm bơm tưới không ổn định, điện cấp nhỏ giọt và thời gian cấp điện quá ngắn, bị cắt nhiều lần trong ngày cũng làm cho việc bơm tưới phục vụ sản xuất hết sức khó khăn, nhất là đối với các trạm bơm vùng có cột nước cao ở Anh Sơn, Thanh Chương và các trạm bơm tưới có kênh tưới dài ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương. Phản ánh từ các huyện cho biết, nhiều khi đang vận hành bơm, nước chưa kịp đến mặt ruộng thì lại mất điện, vừa không tưới được, vừa lãng phí điện. Mặc dù tỉnh đã có chỉ đạo về việc ưu tiên cấp điện cho sản xuất, nhưng do sự phối hợp không đồng bộ giữa ngành điện và ngành nông nghiệp khiến nông dân thiếu nước để sản xuất hè thu.
Để bảo đảm điện và nước cho sản xuất, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã cùng chi cục thủy lợi tổ chức rà soát, đánh giá, cân đối nguồn nước để bố trí diện tích sản xuất hè thu bảo đảm đủ nước cho lúa từ cấy đến trổ bông. Trên cơ sở đó xác định lại cơ cấu các loại cây trồng phù hợp trong kế hoạch sản xuất hè thu, vụ mùa ở địa phương, tuyệt đối không để xảy ra lúa bị hạn, dân phải bỏ hoang ruộng đất. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ cùng các địa phương kiểm tra, đánh giá diễn biến hạn hán, cập nhật, báo cáo UBND tỉnh bảy ngày một lần; đồng thời tham mưu các giải pháp công trình, phi công trình để chống hạn kịp thời.
Theo Nhandan