Thứ tư,  06/12/2023

Quảng Bình nỗ lực phòng, chống cháy rừng

Chúng tôi đến huyện Quảng Trạch - huyện có diện tích rừng thông lớn nhất tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu về công tác phòng, chống cháy rừng. Toàn huyện có 34 nghìn 427 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó 16 nghìn 500 ha rừng trồng, chủ yếu thông nhựa.Bước vào mùa khô năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trực thường xuyên theo từng tiểu khu. Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Nguyễn Chí Lâm cho biết: "Trong các phương án phòng, chống cháy rừng, huyện coi trọng vai trò của lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ, bởi nếu phát hiện có khói lửa bốc lên thì họ có mặt kịp thời dập tắt ngay để tránh cháy lan ra diện rộng". Quảng Trạch làm được 77 km đường băng cản lửa, phát đốt thực bì trên diện tích gần 1.500 ha rừng thông. Lâm trường Quảng Trạch tổ chức thành từng nhóm công nhân để phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng kiểm lâm viên bảo vệ, canh lửa từng khu rừng cụ thể. Nhiều năm qua,...

Chúng tôi đến huyện Quảng Trạch – huyện có diện tích rừng thông lớn nhất tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu về công tác phòng, chống cháy rừng. Toàn huyện có 34 nghìn 427 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó 16 nghìn 500 ha rừng trồng, chủ yếu thông nhựa.


Bước vào mùa khô năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trực thường xuyên theo từng tiểu khu. Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Nguyễn Chí Lâm cho biết: “Trong các phương án phòng, chống cháy rừng, huyện coi trọng vai trò của lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ, bởi nếu phát hiện có khói lửa bốc lên thì họ có mặt kịp thời dập tắt ngay để tránh cháy lan ra diện rộng”. Quảng Trạch làm được 77 km đường băng cản lửa, phát đốt thực bì trên diện tích gần 1.500 ha rừng thông. Lâm trường Quảng Trạch tổ chức thành từng nhóm công nhân để phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng kiểm lâm viên bảo vệ, canh lửa từng khu rừng cụ thể. Nhiều năm qua, diện tích rừng thông do lâm trường quản lý đều được bảo vệ và khai thác tốt.


Trên cơ sở phân bố rừng trồng và rừng tự nhiên, huyện Lệ Thủy chia thành bốn vùng trọng điểm để thực hiện phương án phòng ngừa “giặc lửa”. Hạt kiểm lâm huyện phối hợp Phòng Tư pháp và chính quyền các địa phương tổ chức các hội nghị chuyên đề phòng, chống cháy rừng với sự tham gia của hàng nghìn người dân sống gần rừng. Hạt kiểm lâm huyện và UBND các xã ký cam kết với hơn 5.500 hộ gia đình về các nội dung bảo vệ rừng và không chứa chấp đối tượng phá rừng. Lệ Thủy sửa chữa hàng chục chòi canh, bố trí lực lượng canh gác thường xuyên, làm mới hơn 50 đường ranh cản lửa, phát đốt thực bì ở các khu rừng trồng có nguy cơ cháy cao. Toàn huyện có 67 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 20 nghìn ha rừng trồng, độ che phủ đạt 67%. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống và chữa cháy rừng, cho nên từ đầu năm đến nay ở Lệ Thủy chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.


Thời gian qua tỉnh Quảng Bình kiện toàn 112 ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời tiếp tục củng cố 569 tổ, đội quần chúng phòng, chống cháy rừng ở cơ sở với gần 5.300 lượt người tham gia, trong đó nòng cốt là lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, dân quân tự vệ ở địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh xây dựng mỗi thôn, bản có từ một đến hai tổ phòng, chống cháy rừng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND xã.


Để nhiệm vụ bảo vệ rừng được triển khai sâu rộng trong toàn dân, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về tận cơ sở, cộng đồng thôn, bản vùng ven rừng nhằm nâng cao ý thức người dân trước nạn cháy rừng luôn rình rập, đe dọa. Mặt khác, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp chặt chẽ Văn phòng thường trực phòng, chống cháy rừng Trung ương theo dõi qua vệ tinh và lưới tọa độ trên bản đồ thông báo các điểm phát lửa đến các đơn vị thường trực chữa cháy rừng của các huyện, thành phố và chủ rừng kiểm tra, xử lý kịp thời. Giám đốc Công ty lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình Nguyễn Xuân Cuồi cho biết: “Trước mùa khô, công ty đã huy động công nhân, cán bộ kỹ thuật thực hiện các biện pháp làm giảm nguồn vật liệu cháy như xử lý thực bì bằng biện pháp đốt trước có điều khiển, vệ sinh rừng… Theo đó, các đơn vị trong toàn công ty đã đốt trước có điều khiển gần 7.500 ha rừng ở những khu vực có nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng cao”.


Theo Giám đốc Công ty lâm, công nghiệp Long Đại Trần Đức Bá thì, các hộ công nhân và hộ dân trong khu vực rừng thông đều được trang bị các dụng cụ chống cháy rừng như: rựa, câu liêm, dùi dập lửa, xô xách nước. Qua kiểm tra cho thấy, ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Hai xã Trường Xuân và Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) thành lập được 14 tổ, đội chữa cháy rừng, trong đó xã đặc biệt khó khăn Trường Sơn có chín tổ với 100 đội viên. Các đội viên ngoài việc được trang bị dụng cụ chữa cháy còn được dự các lớp tập huấn về phòng, chống cháy rừng do lâm trường tổ chức. Trước đây, mỗi khi người dân tham gia chữa cháy rừng có yêu cầu chủ rừng bồi dưỡng một ít tiền thì nay hầu như không còn chuyện đó nữa. Tất cả người dân đều tự nguyện tích cực phòng, chống cháy rừng tại các lâm trường rừng thông. Mặt khác, công ty đã giao khoán cây cho từng hộ công nhân. Người nhận cây được khai thác hưởng lợi từ nhựa thông và có trách nhiệm bảo vệ rừng cây của mình. Nhờ cơ chế này nên việc bảo vệ các rừng trồng rất chu đáo, thường xuyên có người canh gác khu rừng.


Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống cháy rừng ở Quảng Bình vẫn còn những hạn chế. Đó là thiếu phương tiện chữa cháy rừng. Phần lớn khi xảy ra cháy rừng, cách làm phổ biến nhất là lấy… cành cây để dập lửa. Địa hình rừng núi hiểm trở, cho nên xe cứu hỏa rất khó tiếp cận mục tiêu để chữa cháy. Nhiều xã có diện tích rừng khá lớn nhưng phần lớn lao động trẻ đi làm ăn xa cho nên khó khăn trong việc huy động lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ khi xảy ra sự cố. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Nguyễn Viết Nhung nhận xét: “Công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng ở một số nơi còn chậm và thiếu chủ động, có lúc còn dựa hẳn vào ngành kiểm lâm và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Khi xảy ra cháy rừng, việc huy động lực lượng tại chỗ gặp nhiều khó khăn, phương tiện chữa cháy rừng chưa đáp ứng được nhiệm vụ khi xảy ra cháy rừng trên diện rộng”.


Trước diễn biến phức tạp và nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến về nạn cháy rừng, hướng dẫn các cấp, chủ rừng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy rừng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.


Theo Nhandan