Thứ bảy,  03/06/2023

Gia đình – những thách thức trong hội nhập và phát triển

LSO-Xây dựng và phát triển gia đình thời kỳ CNH - HĐH đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nước. Bước vào quá trình hội nhập và phát triển, kinh tế - xã hội nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên về mặt xã hội đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong đó có gia đình - tế bào của xã hội. Nhằm tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, ngày 4/4/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày gia đình Việt Nam. Tiếp đó, ngày 21/02/2005 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị 49 - CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước với mục tiêu là xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.Xuất cây giống bạch đàn ở HTX Na Hoa, Hữu Lũng - Ảnh: Hoà LộcQua 5 năm triển...

LSO-Xây dựng và phát triển gia đình thời kỳ CNH – HĐH đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nước. Bước vào quá trình hội nhập và phát triển, kinh tế – xã hội nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên về mặt xã hội đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong đó có gia đình – tế bào của xã hội.
Nhằm tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, ngày 4/4/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày gia đình Việt Nam. Tiếp đó, ngày 21/02/2005 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị 49 – CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước với mục tiêu là xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Xuất cây giống bạch đàn ở HTX Na Hoa, Hữu Lũng – Ảnh: Hoà Lộc
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bước đầu đạt hiệu quả đáng mừng. Đời sống của các hộ gia đình ngày càng được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa với thế giới hiện nay, chúng ta đang phải chấp nhận những biến đổi sâu sắc về cấu trúc và chức năng của gia đình. Bên cạnh những thành quả do kinh tế thị trường mang lại, nhiều khó khăn thách thức đang tồn tại, gây ra sự bất ổn cho gia đình và xã hội, các giá trị chuẩn mực văn hóa của cộng đồng dần bị biến đổi, lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ, tư tưởng tự do cá nhân hình thành… Đây đang là nguy cơ làm mai một, xói mòn nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình. Những đổi thay từ quá trình đô thị hóa đã làm giảm đáng kể số lượng gia đình mở rộng, kiểu gia đình hạt nhân ngày càng gia tăng. Hiện chưa có một cuộc thống kê nào về số lượng gia đình hạt nhân trên địa bàn tỉnh, kể cả số hộ gia đình đơn thân hoặc gia đình truyền thống gồm các thế hệ tam – tứ đại đồng đường trong tỉnh còn có được bao nhiêu, song thực tế tại các khu vực đô thị loại hình gia đình hạt nhân xuất hiện ngày càng nhiều và đang là xu thế tất yếu.
Thực tế xã hội cũng đã và đang xuất hiện nhiều kiểu sống mới, sống hiện đại đối lập với lối sống truyền thống và trở thành vấn đề xã hội nan giải như: sống chung không kết hôn, không muốn sinh con, sống thử, sống độc thân hoặc kết hôn đồng tính mà hậu quả của nó đã để lại nhiều tiêu cực đối với việc ổn định thiết chế gia đình.
Việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ rất quan trọng của gia đình và xã hội. Gần đây, tệ nạn xã hội đối với trẻ em đã và đang thâm nhập vào gia đình và tội phạm trẻ em có nguyên nhân từ gia đình tăng nhanh. Trong khi đó, những biến động về các mặt kinh tế – xã hội cùng với lối sống công nghiệp khiến cho các thành viên trong gia đình ngày càng có ít thời gian bên nhau. Vai trò làm cha mẹ trong cuộc sống hiện đại cũng đang có biểu hiện suy giảm ở nhiều gia đình vì những lo toan trong việc làm kinh tế mà ít chú ý đến việc giáo dục nhân cách cũng như sự trưởng thành của con cái. Đời sống ngày càng được cải thiện, tuổi thọ con người ngày càng cao song tình trạng con cái bỏ rơi cha mẹ diễn ra ngày càng nhiều, trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ già ngày nay phần nào mờ nhạt dần. Nhiều người cao tuổi hiện đang sống trong tâm trạng là “người thừa” trước con cháu. Tình trạng này dẫn đến mâu thuẫn giữa các thế hệ khá gay gắt và sẽ còn tiếp tục phát triển, làm cho gia đình khó trở nên yên ấm.
Tất cả những vấn đề nêu trên đang đặt gia đình trước một thách thức lớn nhất trong những năm đầu thế kỷ XXI là cùng với việc tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, nhưng đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Nga Sơn