Đưa các thiết bị điện và điện tử vào "chuẩn": Người tiêu dùng vẫn chưa được lợi
09/07/2010 16:21
LSO-Theo Thông tư số 21/2009/TT - BKHCN về việc ban hành và thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử (QCVN 4:2009/BKHCN), kể từ 1/6/2010, 6 loại thiết bị điện và điện tử từ số 1 đến số 6 trong danh mục chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy. Việc thắt chặt quản lý đối với các thiết bị này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, việc áp dụng Quy chuẩn đối với các thiết bị điện và điện tử nói trên vẫn còn nhiều khó khăn.Mỏi mắt tìm sản phẩm "hợp quy"Hơn 1 tháng sau khi QCVN 4:2009/BKHCN có hiệu lực, dạo qua các quầy hàng điện tử ở các chợ, siêu thị và trung tâm điện máy tại thành phố Lạng Sơn, điều chúng tôi ghi lại là chưa một sản phẩm nào thuộc 6 nhóm thiết bị điện và điện tử: dụng cụ đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun nước nóng và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các...
LSO-Theo Thông tư số 21/2009/TT – BKHCN về việc ban hành và thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử (QCVN 4:2009/BKHCN), kể từ 1/6/2010, 6 loại thiết bị điện và điện tử từ số 1 đến số 6 trong danh mục chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy. Việc thắt chặt quản lý đối với các thiết bị này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, việc áp dụng Quy chuẩn đối với các thiết bị điện và điện tử nói trên vẫn còn nhiều khó khăn.
Mỏi mắt tìm sản phẩm “hợp quy”
Hơn 1 tháng sau khi QCVN 4:2009/BKHCN có hiệu lực, dạo qua các quầy hàng điện tử ở các chợ, siêu thị và trung tâm điện máy tại thành phố Lạng Sơn, điều chúng tôi ghi lại là chưa một sản phẩm nào thuộc 6 nhóm thiết bị điện và điện tử: dụng cụ đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun nước nóng và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu khác, ấm đun nước, nồi cơm điện và quạt điện đang bày bán được gắn tem hợp quy (CR).
![]() |
Từ 1/6/2010, các thiết bị điện-điện tử như quạt điện, nồi cơm điện, dụng cụ đun nước nóng tức thời… phải được chứng nhận hợp quy |
Tại một quầy hàng điện-điện tử, tầng 1, chợ Đông Kinh, thắc mắc của chúng tôi về sự an toàn của nồi cơm điện, quạt phun sương được chị bán hàng trấn an và đảm bảo bằng … lời nói: Từ đầu mùa tới giờ chị đã bán hàng chục cái, có vấn đề gì đâu, an toàn hay không là do cách mình dùng (!?). Và cũng như chị, nhiều người bán hàng điện-điện tử cho biết họ có nghe nói về việc các sản phẩm điện-điện tử phải dán tem hợp quy, song chưa thấy ai xử lý nên vẫn cứ bán. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vẫn mua hàng mà không quan tâm tới việc sản phẩm có được chứng nhận hợp quy hay không. Anh Lý Văn Minh, một khách hàng cho biết: Anh vừa sắm cây quạt điện Midea-Trung Quốc, không thấy dán gì ngoài cái mác của nhà sản xuất nhưng thấy nhiều người dùng thì chắc nó cũng ổn. Trước đó, anh cũng đã tham khảo sản phẩm cùng loại của một số nhà sản xuất trong nước ở siêu thị và các cửa hàng, song cũng chưa thấy cái tem “quy chuẩn” mà người ta nói đâu cả.
Quản lý thiết bị điện-điện tử: còn khó khăn
Ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (TCĐLCL) về chứng nhận hợp quy đối với thiết bị điện và điện tử phù hợp với QCVN 4:2009/BKHCN, Chi cục TCĐLCL-Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã thông báo tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và yêu cầu thống kê số lượng 6 loại thiết bị điện-điện tử còn tồn gửi về Chi cục trước ngày 20/6/2010. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Đắc-Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL, do Lạng Sơn là tỉnh biên giới nên việc quản lý hàng hoá nhập khẩu, lưu thông (bao gồm sản phẩm điện-điện tử) gặp nhiều khó khăn, từ đó gây trở ngại cho các cơ quan quản lý trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, xử lý đối với hàng hoá nhập lậu. Cho đến nay, số liệu thống kê 6 loại thiết bị trên chưa có con số cụ thể và chính xác. Vì nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chưa có thông tin phản hồi, bên cạnh đó, một số hộ còn trốn tránh kê khai, bất hợp tác.
![]() |
Khách mua sản phẩm nồi cơm điện tại chợ Đông Kinh, TP Lạng Sơn
|
Chi cục TCĐLCL Lạng Sơn khẳng định: Sau khi kiểm kê 6 thiết bị điện và điện tử còn tồn đọng trước ngày 1/6 của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, đơn vị kinh doanh nào có bằng chứng, chứng minh lô hàng đó đã thực hiện kiểm tra chất lượng theo Quy định 50 của Thủ tướng Chính phủ và có nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 89 của Chính phủ thì Chi cục sẽ hướng dẫn đơn vị thực hiện gắn dấu hợp quy (CR). Ngược lại, nếu đơn vị sản xuất, kinh doanh không có bằng chứng, chứng minh đã thực hiện kiểm tra chất lượng sẽ phải thực hiện chứng nhận hợp quy cho lô hàng. Thời hạn hoàn thành các công việc trên là trước ngày 15/9/2010. Còn với hàng điện-điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không thực hiện ghi nhãn theo duy định, không đạt chất lượng sau chứng nhận hợp quy, Chi cục sẽ phối hợp với Quản lý thị trường, Công an… xử lý theo quy định.
Phải khẳng định rằng việc đưa các thiết bị điện-điện tử vào chuẩn là cần thiết, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập. Song, với những vướng mắc kể trên thì việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị điện-điện tử sẽ còn khó khăn tương tự như Quy chuẩn về an toàn đồ chơi trẻ em (đã có hiệu lực từ 15/4/2010).
Thúy Hường