Nắng nóng ở Bắc Bộ giảm nhưng tại Bắc Trung Bộ vẫn gay gắt
12/07/2010 09:22
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện nay, hiệu ứng phơn đã giảm, nắng nóng ở Bắc Bộ bớt gay gắt nhưng nhiệt độ cao nhất những ngày tới vẫn phổ biến 34-37 oC, một số nơi 38 oC; chiều tối và đêm sẽ xuất hiện mưa rào và dông cục bộ, trời dịu hơn với mức nhiệt độ phổ biến 24-28 oC. Ở Bắc Trung Bộ, nắng, nóng tiếp tục gay gắt và chưa có dấu hiệu suy giảm trong bốn, năm ngày tới, nhiệt độ cao nhất 36-39 oC, có nơi lên tới 41 oC. Trong ba, bốn ngày đầu tuần tới, Bắc Bộ có mưa rào, chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc, ở vùng đồng bằng trung du chỉ có mưa rào nhẹ và dông cục bộ vào chiều tối.Trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ từ tháng 7 đến tháng 10 tới tại các khu vực phổ biến ở mức cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong tháng 7, vẫn còn xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn năm 2009, đặc biệt ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và...
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, hiện nay, hiệu ứng phơn đã giảm, nắng nóng ở Bắc Bộ bớt gay gắt nhưng nhiệt độ cao nhất những ngày tới vẫn phổ biến 34-37 oC, một số nơi 38 oC; chiều tối và đêm sẽ xuất hiện mưa rào và dông cục bộ, trời dịu hơn với mức nhiệt độ phổ biến 24-28 oC. Ở Bắc Trung Bộ, nắng, nóng tiếp tục gay gắt và chưa có dấu hiệu suy giảm trong bốn, năm ngày tới, nhiệt độ cao nhất 36-39 oC, có nơi lên tới 41 oC. Trong ba, bốn ngày đầu tuần tới, Bắc Bộ có mưa rào, chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc, ở vùng đồng bằng trung du chỉ có mưa rào nhẹ và dông cục bộ vào chiều tối.
Trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ từ tháng 7 đến tháng 10 tới tại các khu vực phổ biến ở mức cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong tháng 7, vẫn còn xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn năm 2009, đặc biệt ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và dồn dập. Từ nay đến tháng 10 tới, lượng mưa tại hầu hết các vùng miền trên cả nước chỉ ở mức xấp xỉ TBNN. Tại Bắc Bộ, các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra tập trung trong cuối tháng 7 và tháng 8. Tình hình thiếu hụt mưa và khô hạn ở Trung Bộ vẫn còn tiếp tục đến hết tháng 8, từ tháng 9 sẽ được cải thiện dần. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, năm nay mưa tập trung vào nửa cuối mùa và có khả năng kết thúc muộn hơn so với bình thường. Cần đề phòng khả năng có mưa lớn vào các tháng 9, 10.
Huyện Sa Pa (Lào Cai) có 300 ha rau, gần 100 ha trồng hoa thiếu nước nghiêm trọng. Trên thị trường Lào Cai, do nguồn cung khan hiếm, giá rau, hoa tăng. Một số loại rau như cải xanh, rau dền, cà chua, rau gia vị… giá tăng gấp rưỡi so với mười ngày trước. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài đã làm toàn bộ diện tích lúa và rau màu của TP Lào Cai, huyện Bảo Thắng thiếu nước tưới. Ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo huy động tối đa máy bơm để phục vụ sản xuất, đối phó hạn cục bộ đang có nguy cơ lan rộng.
Nắng nóng kéo dài làm hàng nghìn ha lúa và rau màu ở tỉnh Hải Dương thiếu nước và hạn hán. Bên cạnh đó việc tiết giảm điện khiến nhiều trạm bơm trong tỉnh không thể bơm nước tưới dưỡng cho lúa mùa. Hiện nay, Điện lực Hải Dương đã đóng điện toàn bộ hệ thống trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm tưới ở các địa phương, chuẩn bị cắt giảm công suất điện của một số đơn vị sản xuất công nghiệp để ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm, chống hạn cho lúa và rau màu.
Hầu hết các hồ chứa nước tại Hà Tĩnh đến nay đã cạn kiệt. Các hồ đập vừa và nhỏ ở các huyện đều cạn. Trên sông Lam, nước biển có độ mặn cao tiếp tục lấn sâu. Toàn tỉnh đã có 12.318 ha thiếu nước, trong đó diện tích bị hạn nặng là 5.542 ha. Một số nơi như Vũ Quang, Hương Khê, Thạch Hà… người dân bắt đầu thiếu nước uống và sinh hoạt, có nơi, người dân phải mua nước với giá 75.000 đồng/m3… UBND tỉnh vừa chỉ đạo mua và lắp đặt thêm 186 máy bơm cơ động chống hạn và khoan thêm 57 giếng nước phục vụ nhân dân.
Hiện nay, nước sông Trà (Quảng Ngãi) đã xuống thấp kỷ lục trong vòng 40 năm qua, ảnh hưởng lớn đến hàng nghìn hộ chăn nuôi trâu, bò ven sông. Hằng ngày, các hộ dân dọc hai bên bờ sông phải rất khó khăn mới tìm được nguồn nước uống và tắm cho trâu, bò. Từ nhiều tháng qua, trên đảo Lý Sơn, nắng nóng kéo dài làm hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Hàng trăm giếng khơi bị nhiễm mặn hoặc khô kiệt. Huyện Lý Sơn đã xuất 40 triệu đồng từ nguồn quỹ dự phòng để mua hơn 260 m3 nước sinh hoạt trợ giúp nhân dân và đề xuất UBND tỉnh xây dựng các hồ chứa nước có dung tích khoảng 1 triệu m3 nước ở núi Thới Lới, xã An Hải với tổng kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng.
Theo Nhandan