Ðào tạo nghề ở Thừa Thiên – Huế
13/07/2010 08:54
Hệ thống đào tạo nghề ở tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển khá mạnh, song lực lượng lao động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.Đội ngũ giáo viên, cơ sở hạ tầng, kinh phí đầu tư cho công tác dạy nghề vẫn ở chừng mực nhất định. Một chiến lược dài hơi nhằm đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 70% vào năm 2020 đã được tỉnh thông qua, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật caoNông thôn Thừa Thiên - Huế hiện chiếm hơn ba phần tư diện tích đất tự nhiên và hơn 70% số dân toàn tỉnh. Lực lượng lao động sản xuất chủ yếu ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; phần lớn dựa vào kinh nghiệm, thói quen. Những năm gần đây, không ít hộ sản xuất nông nghiệp, sau khi bàn giao đất cho chủ đầu tư cũng chưa chuyển đổi được nghề nghiệp. Lao động trẻ thường gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ. Họ chỉ lao...
Hệ thống đào tạo nghề ở tỉnh Thừa Thiên – Huế phát triển khá mạnh, song lực lượng lao động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Đội ngũ giáo viên, cơ sở hạ tầng, kinh phí đầu tư cho công tác dạy nghề vẫn ở chừng mực nhất định. Một chiến lược dài hơi nhằm đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 70% vào năm 2020 đã được tỉnh thông qua, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao
Nông thôn Thừa Thiên – Huế hiện chiếm hơn ba phần tư diện tích đất tự nhiên và hơn 70% số dân toàn tỉnh. Lực lượng lao động sản xuất chủ yếu ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; phần lớn dựa vào kinh nghiệm, thói quen. Những năm gần đây, không ít hộ sản xuất nông nghiệp, sau khi bàn giao đất cho chủ đầu tư cũng chưa chuyển đổi được nghề nghiệp. Lao động trẻ thường gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ. Họ chỉ lao động trong một khoảng thời gian nhất định như gieo cấy, trừ cỏ, thu hoạch, hoặc chăm sóc các loại cây ăn quả, cây công nghiệp…
Theo số liệu điều tra, lao động trong khu vực nông nghiệp và nông thôn ở Thừa Thiên – Huế những năm gần đây chỉ có hơn 13% đã qua đào tạo nghề. Cứ 1.000 lao động ở nông thôn thì mới có 6 đến 8% số người được đào tạo kỹ thuật về nông, lâm, ngư nghiệp; 79% số lao động thuần nông không có chuyên môn kỹ thuật. Hơn 80% số người trong độ tuổi lao động ở các hộ phi nông nghiệp không qua đào tạo. Chất lượng của lực lượng lao động trẻ ở nông thôn rất thấp. Họ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cha ông, của bản thân mà ít am hiểu kiến thức chuyên môn. Do phần lớn lao động không được đào tạo nghề, cho nên ngành nghề ở khu vực nông thôn chậm phát triển, năng suất lao động thấp, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động chưa cao. Tiềm năng về đất đai, sức lao động chưa được khai thác có hiệu quả, dẫn đến đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn; mức thu nhập của lao động khu vực nông thôn còn chênh lệch quá xa so với lao động khu vực thành thị.
Thực tế mười năm qua (2001-2010), công tác dạy nghề của Thừa Thiên – Huế có chuyển biến tích cực. Hệ thống đào tạo nghề của tỉnh tăng về quy mô và chất lượng. Tổng số lao động đã qua đào tạo là hơn 140 nghìn người. Trong đó, có khoảng 70% số học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định. Ước tính đến cuối năm 2010, sẽ có 40% số lao động qua đào tạo nghề. Không thể phủ nhận số lượng đào tạo nghề tăng nhưng hệ thống đào tạo chưa phát triển tương ứng. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Công Tuyên cho biết: Gần đây, có một số trung tâm dạy nghề được nâng cấp thành trường trung cấp nghề nhưng năng lực hoạt động rất thấp khi ở trong cảnh “bình mới, rượu cũ”. Bởi lẽ, các trường được nâng cấp về tên gọi nhưng thực chất chương trình đào tạo chủ yếu là nghề sơ cấp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa phát triển tương ứng. Ngay giữa trường trung cấp nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp cũng đã có sự chênh lệch lớn về điều kiện hoạt động. Trong khi trường trung cấp chuyên nghiệp được đầu tư chuẩn hóa về nhiều mặt thì nhiều trường trung cấp nghề chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những bất cập đó là cơ cấu đào tạo trình độ giữa các cấp nghề. Sơ cấp nghề và tương đương chiếm hơn 84%; trong khi trung cấp nghề và tương đương chỉ 14%, còn cao đẳng nghề lại quá ít, chỉ có 1,79%. Các nhà quản lý lao động đã tính toán, trong mười năm tới, Thừa Thiên – Huế phải tăng đào tạo nghề có trình độ cao đẳng lên đến 9,5 lần và phải giảm 39% đào tạo nghề sơ cấp mới bắt kịp xu hướng phát triển nguồn nhân lực có tay nghề trên toàn quốc.
Hiện nay, công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh với trình độ cao, lành nghề, đủ về số lượng lẫn chất lượng để phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cả các khu công nghiệp, khu kinh tế và xuất khẩu lao động. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những cản trở đó là đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng và chưa đạt chuẩn. Dẫu đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng từ 210 lên 753 giáo viên, trong đó có 71 giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; 489 có trình độ đại học, cao đẳng; 614 giáo viên đạt chuẩn, tuy nhiên, số giáo viên có trình độ cao chủ yếu tập trung vào các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có dạy nghề của trung ương và địa phương. Riêng giáo viên của các trường, trung tâm có dạy nghề vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là các trung tâm dạy nghề cấp huyện chưa có giáo viên cơ hữu. Có trung tâm chỉ có ba giáo viên cho nên rất khó trong công tác giảng dạy và chiêu sinh.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Kiếm đánh giá: Quy mô đào tạo nghề còn nhỏ và cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý. Chất lượng dạy nghề còn thấp. Chính sách khuyến khích và phát triển công tác dạy nghề của tỉnh còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ sở dạy nghề công lập lại thiếu năng động, chưa huy động các nguồn lực khác đầu tư cho dạy nghề mà chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước.
Cần có sự đột phá
Dự báo quy mô số dân trong độ tuổi lao động Thừa Thiên – Huế vào năm 2015 là hơn 680 nghìn người và hơn 760 nghìn người trong năm 2020. Kế hoạch phát triển kinh tế và nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh là: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 12-13% cho các thời kỳ sau năm 2010 và năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD. Như vậy, mỗi năm cần đào tạo nghề cho khoảng 20 nghìn lao động. Mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn này là chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ -công nghiệp – nông nghiệp. Nhu cầu đào tạo nghề cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trong giai đoạn 2011-2020 là 48.500 lao động và bổ sung lực lượng lao động ở các khu công nghiệp trong tỉnh trong giai đoạn 2011 – 2020 lên 45 nghìn lao động.
Theo đề án phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư đào tạo nghề có tính chuyên nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phù hợp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cùng với việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và các sản phẩm làng nghề, đòi hỏi đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật có trình độ cao, nhất là trong phát triển dịch vụ và du lịch. Ngành công nghệ tự động hóa và cơ điện tử cũng sẽ được đầu tư thích đáng khi định hướng sẽ phổ cập công nghệ CAD/CAM cho các máy công cụ trong các ngành cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, nhằm tạo ra các sản phẩm có độ tinh xảo, sử dụng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, những công nghệ tự động cũng sẽ được áp dụng trong ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, việc đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cho ngành tự động hóa của tỉnh đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể.
Dạy nghề cơ khí, điện tử trong thời gian tới cũng là nghề mũi nhọn khi phải đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề vận hành được các máy tự động, ứng dụng phần mềm chuyên dùng trong lắp ráp các linh kiện, trong chế biến nông – lâm – hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng cơ khí, kim khí. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần những lao động nắm bắt các quy trình nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, hình thành các khu nuôi tạo con giống thủy sản, đặc sản có giá trị cao, hướng đến chuyên nghiệp trong đánh bắt xa bờ. Đối với ngành khai thác, chế biến thủy sản, hải sản là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế biển. Dạy nghề trong ngành này sẽ đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ, thiết bị xử lý, phân loại và bảo quản nhiên liệu; công nghệ bảo quản sản phẩm trong thời gian lưu kho và vận chuyển giao hàng, bảo đảm chất lượng xuất khẩu.
Với dự báo nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xác định: Phải có sự đột phá từ dạy nghề theo năng lực đào tạo sẵn có của cơ sở dạy nghề sang dạy nghề theo nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu đa dạng của xã hội. Đổi mới dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và đồng bộ, cho nên, kinh phí đầu tư cho công tác dạy nghề cũng sẽ được huy động tổng lực. Trong mười năm qua (2001-2010), tổng kinh phí đầu tư cho đào tạo nghề chỉ đạt hơn 256 tỷ đồng thì kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2011-2020 ước tính khoảng 442 tỷ đồng. Mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tỉnh cũng phải đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Hệ thống dạy nghề theo hướng tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo chuyên sâu. Phấn đấu đưa từ một đến ba trường trở thành trường trọng điểm quốc gia; nâng cấp một trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề và phát triển thêm mười cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, tỉnh cần bổ sung 1.255 giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng, trong đó có 620 giáo viên cơ hữu phục vụ cho các trường, trung tâm dạy nghề công lập; phấn đấu có 95% số giáo viên dạy nghề đạt chuẩn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao, một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt giải pháp dạy nghề của tỉnh giai đoạn 2011-2020 là tăng cường đầu tư, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án tài trợ để huy động nguồn lực cho đào tạo nghề. Tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề và các cơ sở dạy nghề cũng phải thực hiện cơ chế tự chủ. Một số chính sách sẽ được xây dựng như: thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các cơ sở đào tạo nghề và chính sách ưu đãi giáo viên dạy nghề; khuyến khích doanh nghiệp và người lao động tham gia vào công tác đào tạo nghề. Mở rộng, đào tạo liên thông, liên kết, đa dạng hóa các loại hình đào tạo gắn với tuyên truyền cho gia đình và học sinh về công tác dạy nghề; phân luồng học sinh phổ thông, định hướng cho các em vào học các trường nghề phù hợp với năng lực.
Theo Nhandan