Mưa lớn, Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng
14/07/2010 09:57
Cơn mưa lớn trên diện rộng vào sáng 13-7 làm nhiều đường phố Hà Nội ngập sâu trong nước. Ngập úng, tắc đường, cây đổ... là tình cảnh người dân Thủ đô phải chịu đựng sau cơn mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay.Phố ngập, đường tắcTừ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút sáng 13-7, tại Hà Nội, trời mưa tầm tã. Theo số liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, lượng mưa đo được tại khu vực trung tâm thành phố là 159,9 mm, tại Láng là 120 mm, tại quận Long Biên là 102 mm. Cơn mưa lớn vào đầu giờ đi làm buổi sáng đã gây ngập úng, tắc đường nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường phố, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân Thủ đô.Sau khi mưa to khoảng một tiếng rưỡi, nước mưa không tiêu thoát kịp, dâng lên trên các đường phố, gây ngập úng sâu đến nửa mét nước, tại 23 khu vực trong nội thành, gồm: ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu; Lê Duẩn (trước cửa ga Hà Nội); Hai Bà Trưng - Hàng Bài; Thái Thịnh, Thái Hà,...
Cơn mưa lớn trên diện rộng vào sáng 13-7 làm nhiều đường phố Hà Nội ngập sâu trong nước. Ngập úng, tắc đường, cây đổ… là tình cảnh người dân Thủ đô phải chịu đựng sau cơn mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Phố ngập, đường tắc
Từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút sáng 13-7, tại Hà Nội, trời mưa tầm tã. Theo số liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, lượng mưa đo được tại khu vực trung tâm thành phố là 159,9 mm, tại Láng là 120 mm, tại quận Long Biên là 102 mm. Cơn mưa lớn vào đầu giờ đi làm buổi sáng đã gây ngập úng, tắc đường nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường phố, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân Thủ đô.
Sau khi mưa to khoảng một tiếng rưỡi, nước mưa không tiêu thoát kịp, dâng lên trên các đường phố, gây ngập úng sâu đến nửa mét nước, tại 23 khu vực trong nội thành, gồm: ngã tư Lý Thường Kiệt – Phan Bội Châu; Lê Duẩn (trước cửa ga Hà Nội); Hai Bà Trưng – Hàng Bài; Thái Thịnh, Thái Hà, ngã tư Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương; ngã tư Trần Hưng Đạo – Phan Chu Trinh; Ngọc Khánh; Đội Cấn; ngã năm Bà Triệu – Nguyễn Du; ngã ba Nguyễn Công Trứ – Ngô Thì Nhậm; ngã tư Hàng Chuối – Phạm Đình Hổ; Nguyễn Trãi; Lĩnh Nam; Trương Định; Giải Phóng; Tam Trinh; Khâm Thiên; Nguyễn Khuyến; Nguyễn Lương Bằng; Lê Trọng Tấn; Huỳnh Thúc Kháng – Láng Hạ; Quốc Tử Giám; Trường Chinh. Các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Vĩnh Hồ, nước ngập ngang đùi người lớn, như những ốc đảo giữa mênh mông nước. Trên phố Thái Thịnh, đoạn gần tòa nhà Hà Thành Plaza, nước ngập ngang yên xe máy. Nhiều người dân nhà mặt phố đưa các vật dụng ra để chắn, ngăn nước tràn vào nhà, nhưng không chống đỡ được những “trận sóng” mỗi khi ô-tô đi qua. Tại tuyến phố Thái Hà, Trần Duy Hưng… mưa to, đường ngập khiến nhiều phương tiện bị chết máy phải “nằm” lại giữa phố. Mỗi lần các xe ô-tô phóng qua “biển nước”, nhiều xe máy bị sóng đánh ngã dúi dụi. Sau khoảng 45 phút mưa to, hầm chui nút giao thông Kim Liên bắt đầu bị ngập nước, đến khoảng 8 giờ 30 phút, đoạn trũng nhất trong hầm ngập sâu tới 1,2 m. Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã tạm thời cấm các phương tiện qua lại hầm. Đến 10 giờ 30 phút, mặc dù mưa đã tạnh, nhưng trong hầm, nhiều đoạn nước vẫn ngập 0,5 m.
Ngoài các điểm ngập sâu, còn xuất hiện hàng chục điểm ngập vừa, từ 20 đến 30 cm nước tại các phố Thanh Nhàn, Võ Thị Sáu, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, ngã tư Ngô Quyền giao cắt với các phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Khu vực phố cổ mọi khi thoát nước rất tốt, mà lần này cũng chịu cảnh ngập lụt. Phố Cầu Gỗ, Đinh Liệt, Hàng Chiếu… hằng ngày buôn bán sầm uất, nhưng sáng 13-7 phố biến thành sông, mọi hoạt động kinh doanh đình trệ. Tại khu vực quận Long Biên, các phố Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm cũng mênh mông nước, không biết đâu là lòng đường, đâu là vỉa hè. Phần lớn xe máy không thể tìm đường tránh, cố đi qua quãng đường ngập đều bị chết máy. Lực lượng lau, chùi bu-gi xe máy lại bội thu, giá dịch vụ này là 20 nghìn đồng/lần và không có chuyện mặc cả. Các xe ô-tô bốn chỗ, gầm thấp vừa đi vừa tát nước ra ngoài. Trận mưa cũng khiến đường 70 từ Bưu điện Hà Đông, qua làng lụa Vạn Phúc tới xã Đại Mỗ ngập khá sâu. Đoạn đường xấu này có nhiều “ổ gà”, “ổ voi” cho nên mưa to tạo thành những hố sâu “bẫy” người qua đường.
Tắc đường xảy ra cả ở tuyến đường bị ngập và những tuyến không ngập. Tuyến đường Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong sáng 13-7. Anh Trường Sơn, nhà ở phố Quan Nhân, làm việc tại một cơ quan ở quận Hoàn Kiếm, hằng ngày chỉ đi mất 30 phút, nhưng sáng hôm qua anh ra khỏi nhà từ 7 giờ 30 phút nhưng đến 11 giờ 45 phút mới đến cơ quan, vì mất ba giờ tắc đường ở phố Nguyễn Lương Bằng. Đây là trục đường huyết mạch, mật độ giao thông lớn, nhưng đang thi công dự án hạ ngầm đường dây nổi kết hợp chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật cho nên cả lòng đường và hè đường phía bên trái đường (hướng từ Hà Nội vào Hà Đông) đều bị đào xới, thu hẹp đường dành cho giao thông. Các công nhân thoát nước làm hàng rào ngăn các phương tiện không đi vào khu vực này. Phần đường còn lại nước ngập sâu chỉ có xe ô-tô buýt mới đi qua được. Hai luồng xe máy, xe đạp ngược chiều nhau chen chúc trên hè phía bên phải. Nhiều lúc các phương tiện bị tắc cứng. Tại các tuyến đường như Láng Hạ, Khâm Thiên, Giảng Võ – Đê La Thành, Kim Mã – Liễu Giai, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi… giao thông tắc nghẽn vì hàng nghìn phương tiện bị ùn ứ. Nhiều phương tiện thấy ngập, quay đầu xe khiến đường đã tắc lại càng tắc thêm. Khu vực trung tâm thành phố giao thông cũng căng thẳng không kém. Trên tuyến phố Bà Triệu, Hàng Bài, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… ô-tô xếp bốn, năm hàng, nối đuôi nhau nhích từng mét một. Xe máy leo lên vỉa hè, nhưng đi lại rất khó khăn, vì đang thi công dở dang. Úng ngập, tắc đường đã làm nhiều học sinh, nhiều công chức đến trường học, công sở muộn.
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, trong sáng 13-7, hơn 1.500 cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã có mặt tại hiện trường để vận hành các cửa phai, đập điều tiết, khơi thông dòng chảy, cảnh báo an toàn trên các tuyến mương sông hở, phối hợp cảnh sát giao thông hướng dẫn giao thông. Công nhân phối hợp lực lượng thi công mương, hồ phá đập quây thi công trên các công trường này để thoát nước nhanh. Các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, 2, Phúc Đồng, Cầu Chui… được vận hành 100% công suất để đưa nước ra sông Hồng, sông Nhuệ, sông Cầu Bây nhưng do lượng mưa quá lớn, cho nên, đến 12 giờ 30 phút, các điểm úng ngập mới cơ bản rút hết nước, giao thông trở lại bình thường.
Trận mưa sáng 13-7 là trận mưa lớn nhất từ đầu mùa mưa đến nay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập theo Công ty Thoát nước Hà Nội là do lượng mưa lớn, trong thời gian ngắn. Trong khi một số công trình thi công không tuân thủ đúng thỏa thuận dẫn dòng, làm hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước như dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây, đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng, đường dẫn cầu Thanh Trì… Các dự án cải tạo chỉnh trang hè rãnh, hạ ngầm kỹ thuật các tuyến phố trong quá trình thi công đã làm hư hỏng nhiều công trình thoát nước, gây ra úng ngập cục bộ. Một số đơn vị trong quá trình thi công để bùn đất, phế thải trùm lấp miệng hố ga thu nước, làm giảm khả năng thu nước khi mưa. Nhiều hồ nội thành đang được thi công cải tạo, chưa phát huy được việc điều hòa nước mưa khi mưa to… Trong khi đó dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 mới triển khai, chưa có gói thầu nào hoàn thành, cho nên chưa phát huy hiệu quả trong mùa mưa năm nay… Theo dự báo, thời tiết năm nay diễn biến bất thường, mưa bão nhiều. Người dân Thủ đô mong thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình thoát nước, dự án chỉnh trang đô thị đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, để hạn chế tình trạng úng ngập, tắc đường mỗi khi xảy ra mưa lớn, nhất là khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần.
14 chuyến bay bị ảnh hưởng
Trận mưa đã làm cho 12 chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Nội Bài bị chậm chuyến và hai chuyến bay không thể hạ cánh xuống sân bay này.
Trưởng phòng Giám sát an toàn hàng không Cảng vụ hàng không miền bắc Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, do trời mưa to, cho nên đã có 12 chuyến bay không thể cất cánh đúng giờ. Chặng bay trong nước có hai chuyến bay của hãng hàng không Jestar Pacific từ Hà Nội đi Đà Nẵng và Cam Ranh chậm giờ khởi hành hơn một giờ; hai chuyến bay của Vietnam Airlines: từ Hà Nội đi Đồng Hới chậm 1 giờ 33 phút, từ Hà Nội đi Điện Biên chậm 55 phút. Đối với chặng bay quốc tế có ba chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Đài bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Băng-cốc (Thái-lan) và Xin-ga-po chậm từ 30 phút đến một giờ. Ngoài ra, còn có một số chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài cũng bị chậm như chuyến bay HS519 của Hãng hàng không Hongkong Airlines từ Hà Nội đi Hồng Công chậm 53 phút; chuyến bay CS372 của Hãng hàng không China Southern Airlines từ Hà Nội đi Quảng Châu (Trung Quốc) chậm 45 phút; chuyến bay FD 3701
(Thái-lan) từ Hà Nội đi Băng-cốc chậm 1 giờ 28 phút; chuyến bay AK 871 của Hãng hàng không Air Asia từ Hà Nội đi Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) chậm 50 phút; chuyến bay SU 542 của Aeroflot Russian Airlines chậm 52 phút.
Mưa to kèm dông cũng đã làm hai chuyến bay khởi hành từ Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội không thể hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Chuyến bay VN306 từ Đà Nẵng đã phải quay trở lại sân bay Đà Nẵng, còn chuyến bay BL790 từ TP Hồ Chí Minh phải hạ cánh xuống sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Cắt điện khẩn cấp nhiều khu vực
Theo Trung tâm Điều độ – Thông tin thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), để bảo đảm an toàn cho tính mạng người dân trong lúc mưa bão, từ 8 giờ 30 phút, Trung tâm đã tiến hành cắt điện khẩn cấp 16 lộ đường dây trung thế cấp điện cho 534 trạm biến áp phân phối và hạ thế trên địa bàn. Sau khi nước rút, các đơn vị điện lực tiến hành kiểm tra an toàn điện và đã lần lượt đóng điện trở lại cho khách hàng. Tính đến tối cùng ngày, trên địa bàn Hà Nội chỉ còn duy nhất một trạm biến áp của Khu nhà ở và dịch vụ công cộng phường Xuân La chưa được đóng điện trở lại. Nguyên nhân là do máy biến áp khách hàng bố trí dưới tầng hầm nên đã bị ngập nước sâu. Sau khi khách hàng bơm thoát nước, lau sấy khô, Công ty Điện lực Tây Hồ sẽ kiểm tra nếu bảo đảm an toàn điện mới tiến hành đóng điện.
Theo các công ty điện lực, đợt mưa lớn gây ngập lụt sáng 13-7 đã xảy ra ba tai nạn điện gây chết người. Một trường hợp là chị Nghiêm Thị Xuân Mai, 21 tuổi là sinh viên một trường Cao đẳng ở Hà Nội đang sinh sống tại ngõ 158 Ngọc Hà, Ba Đình. Do mưa ngập gây hở ổ điện trong nhà nên đã dẫn đến cái chết thương tâm của chị Mai. Hai trường hợp khác là hai nhân viên nữ của một cửa hàng kinh doanh gas tại số 67 Trương Định, Hai Bà Trưng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa nước ngập, ô-tô đi qua làm sóng nước gây đổ bình gas kéo theo ổ điện rơi xuống nước. Trong lúc kéo bình gas bị đổ lên hai chị đã bị điện giật chết. Qua sự việc trên, EVN Hà Nội khuyến cáo người dân khi mưa bão, cần tách nguồn điện, dây dẫn ra xa khu vực ẩm ướt và tiến hành cắt nguồn điện khi thấy không bảo đảm an toàn điện.
Theo Nhandan