Hôm nay, bão ConSon đi vào Biển Ðông
14/07/2010 10:05
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 13-7, vị trí tâm bão CONSON ở vào khoảng 14,6 độ vĩ bắc; 122,3 độ kinh đông, cách đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 80 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và còn có khả năng mạnh thêm. Như vậy khoảng sáng sớm 14-7, vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực phía đông Biển Đông. Đến 19 giờ ngày 14-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ vĩ bắc; 117,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100...
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 13-7, vị trí tâm bão CONSON ở vào khoảng 14,6 độ vĩ bắc; 122,3 độ kinh đông, cách đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 80 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và còn có khả năng mạnh thêm. Như vậy khoảng sáng sớm 14-7, vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực phía đông Biển Đông. Đến 19 giờ ngày 14-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ vĩ bắc; 117,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300 km.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 19 giờ ngày 15-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ vĩ bắc; 113,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300 km.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km. Đến 19 giờ ngày 16-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc, 111,6 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 150 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa Biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Vào hồi 18 giờ ngày 13-7, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBT.Ư), Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN) đã điện: Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải.
Nội dung công điện như sau: Cơn bão CONSON lúc 13 giờ ngày 13-7 ở vị trí khoảng 14,4 độ vĩ bắc, 123,5 độ kinh đông (phía đông Phi-li-pin), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 12, 13 và có khả năng mạnh lên. Dự kiến sáng 14-7, bão sẽ vào Biển Đông và sẽ gây nguy hiểm cho tàu, thuyền trên biển. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh.
Để chủ động đối phó với bão, Ban Chỉ đạo PCLBT.Ư và UBQG TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành:
Tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Đặc biệt thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi hiện có nhiều tàu thuyền đang hoạt động trong vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa, cần phải khẩn trương hướng dẫn số tàu thuyền này thoát khỏi vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là khu vực đông bắc Biển Đông được xác định: phía bắc vĩ tuyến 12,0 và phía đông kinh tuyến 113,0.
Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.
Bố trí trực ban 24/24h và thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão CONSON để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về Ban chỉ đạo PCLBT.Ư và UBQGTKCN.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, đêm 12 và sáng 13-7, các tỉnh thuộc Bắc Bộ có mưa rào và dông trên diện rộng. Lượng mưa phổ biến ở các địa phương từ 30 đến 50 mm, riêng khu vực đồng bằng và trung du từ 50 đến 100 mm. Cụ thể ở một số điểm như Hà Đông 82 mm, Thái Nguyên 50 mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 69 mm, Tam Đảo 77 mm, Hà Giang 120 mm. Hôm nay (14-7) các tỉnh thuộc Bắc Bộ còn mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Các tỉnh Trung Bộ cũng cơ bản chấm dứt đợt nắng nóng trên diện rộng. Ngoài ra, do cơn bão CONSON đi vào Biển Đông, các tỉnh thuộc Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa, mưa vừa ở nhiều nơi, một số nơi mưa to.
Ngày 13-7, Bộ Y tế có Công điện khẩn số 4631/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên,
các đơn vị trực thuộc về việc chủ động đối phó diễn biến phức tạp của cơn bão CONSON, triển khai công tác PCLB và TKCN năm 2010; báo cáo số lượng cơ số thuốc, hóa chất dự trữ tại địa phương, đơn vị và có báo cáo nhanh kết quả triển khai công tác đối phó mưa, bão về Thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN Bộ Y tế.
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương cho UBND quận Bình Thạnh tiến hành thực hiện đầu tư gia cố cấp bách đoạn bờ bao sông Sài Gòn (từ rạch Cây Bàng đến rạch Cầu Sắt, tổ 29 khu phố 3, phường 28), với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng, lấy kinh phí từ Quỹ Phòng, chống lụt bão thành phố. Công tác gia cố bờ bao này nhằm bảo đảm ổn định và an toàn trong mùa mưa lũ năm 2010.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh, trước diễn biến phức tạp của cơn bão CONSON nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn thủy sản thường xuyên thông báo và hướng dẫn cho hơn 1.800 thuyền trưởng, chủ tàu, thuyền lớn, nhỏ đang hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão CONSON để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Chi cục Quản lý chất lượng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và huyện Cần Giờ cũng kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền này, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các sự cố.
Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiến cứu nạn thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc, bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố, chủ động theo dõi và triển khai thực hiện các biện pháp đề phòng ứng phó với bão CONSON.
Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bắc Cạn, toàn tỉnh có 125 hộ dân đang sinh sống tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Chủ động đối phó bão CONSON có thể gây mưa lớn trên địa bàn, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng các địa phương về các điểm có nguy cơ sạt lở để nắm chắc tình hình, khuyến cáo các hộ dân khi có mưa trên 70 mm chủ động di chuyển đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Tỉnh đã chuyển toàn bộ nhà bạt, áo phao đến các địa phương để sử dụng khi cần thiết. Ủy ban MTTQ tỉnh
Cà Mau đang vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí di dời khẩn cấp hơn 4.500 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm đến các cụm tuyến dân cư an toàn. Trong đó huyện Trần Văn Thời có đến 1.880 hộ, huyện Phú Tân gần 1.000 hộ. Tỉnh đã quy hoạch những hộ dân cần được di dời khẩn cấp vào 17 cụm dân cư tập trung ven biển với tổng kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng, trước mắt ưu tiên cho khu vực xung yếu.
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có tám hồ đập lớn, sức chứa hơn
150 triệu m3 nước, tưới cho khoảng 31 nghìn ha đất nông nghiệp, nhưng cả tám hồ hiện đã cạn kiệt. Các công ty thủy nông đã lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến tại tất cả những nơi có nguồn nước và bơm dầu cấp nước cho các hồ thuộc vùng Lập Thạch và Tam Dương để cứu lúa. UBND tỉnh sẽ cấp kinh phí bổ sung thêm máy bơm dầu và hỗ trợ một phần nhiên liệu cho các công ty thủy nông bảo đảm sản xuất vụ mùa.
UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) chỉ đạo chính quyền địa phương ở các xã bị hạn tận dụng nguồn nước hiện có trong các ao hồ, tiến hành nạo vét, cải tạo, vệ sinh các ao hồ để giải quyết nước sinh hoạt, ổn định đời sống hơn 3.500 hộ dân nơi đây. Huyện trích hơn 100 triệu đồng hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt cho người dân trong những ngày nắng hạn.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa họp với các địa phương, sở, ngành liên quan triển khai công tác phòng, chống hạn cho vụ hè thu. Toàn tỉnh hiện có gần 6.000 ha cây trồng bị hạn nặng, hơn 20 nghìn người dân thiếu nước sinh hoạt và hàng chục nghìn gia súc thiếu nước uống. UBND tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 20 tỷ đồng, trích hơn 3,3 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương chống hạn.
UBND huyện Đác Hà
(Kon Tum) vừa chỉ đạo cho lập kho gạo dự trữ ngay tại những thôn, bản, đề phòng tình trạng bị lũ cô lập trong mùa mưa, bão năm nay. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được sáu kho gạo dự trữ tại sáu thôn với diện tích tối thiểu 20m2/kho, mỗi kho được cấp từ 4 đến 5 tấn gạo. Cùng với việc lập kho gạo dự trữ, Ban chỉ huy PCLB các cấp cũng tuyên truyền, vận động các hộ dân dự trữ lương thực, thuốc men và đồ dùng thiết yếu, đề phòng thiên tai.
Do nắng hạn kéo dài, tỉnh Bến Tre còn hơn 3.100 ha lúa hè thu chưa xuống giống được, trong khi lịch thời vụ đã hết. Ngoài ra, hạn cũng làm 1.400 ha lúa bị sâu, bệnh phá hại. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có văn bản hướng dẫn nông dân chuyển diện tích đất không cấy lúa hè thu được sang vụ mùa sớm.
Tại núi Trường Lệ thuộc địa bàn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vừa xảy ra cháy rừng, thiệt hại hơn mười ha rừng thông. Huyện Hoằng Hóa đã huy động lực lượng khoanh vùng dập lửa. Trước đó, tại khu vực các xã Mai Lâm, Trúc Lâm của huyện Tĩnh Gia cũng xảy ra cháy rừng thông, thiêu rụi mười ha. UBND tỉnh vừa chỉ đạo chính quyền các huyện tăng cường phòng, chống và tổ chức diễn tập chữa cháy rừng trên địa bàn.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chiều 13-7, tại Hà Nội, Cục Thú y cho biết: Trong tuần qua, toàn quốc vẫn ổn định không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng. Hiện chỉ còn tỉnh Thái Nguyên có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Dịch tai xanh trên lợn cơ bản được khống chế. Đã có 12 tỉnh công bố hết dịch tai xanh nhưng tuần vừa qua lại có thêm hai tỉnh Sóc Trăng và Quảng Trị lại xuất hiện dịch. Đến nay, cả nước còn 108 xã, phường của sáu tỉnh có dịch tai xanh.
Theo Nhandan