Thứ tư,  29/03/2023

Việc làm cho lao động nông thôn và giá trị gia tăng của sản phẩm nông lâm nghiệp

LSO-Dù chưa thạo tiếng Việt, song khi trao đổi với chúng tôi, anh Lý Bí Đông (người Trung Quốc) chủ Công ty chế biến gỗ Cửu Long (Hữu Lũng) tỏ ý rất tâm đắc với loại gỗ rừng trồng của Hữu Lũng và đức tính chịu khó của người dân địa phương. Anh nói rằng, từ đầu năm đến nay, do bị cúp điện thường xuyên, nên các xưởng chế biến gỗ hoạt động không theo giờ giấc quy định. Thông cảm với doanh nghiệp (DN), các công nhân tranh thủ khi có điện là đến làm ngay, vì vậy, công ty không bị lỡ hợp đồng giao sản phẩm.Nói chuyện với một số hộ trồng rừng ở Hữu Lũng, chúng tôi nghe họ phân tích tỷ mỷ cái lợi khi chính quyền huyện cho phép mở nhiều DN chế biến gỗ trên địa bàn. Họ nói rằng, những năm trước đây, các công ty than ở Quảng Ninh thường về thu mua gỗ bạch đàn về làm trụ mỏ; song do có công nghệ mới trong khai thác hầm lò, nên gỗ rừng trồng của nhiều địa phương cũng như Hữu Lũng trở ên ế ẩm, chỉ xuất bán...

LSO-Dù chưa thạo tiếng Việt, song khi trao đổi với chúng tôi, anh Lý Bí Đông (người Trung Quốc) chủ Công ty chế biến gỗ Cửu Long (Hữu Lũng) tỏ ý rất tâm đắc với loại gỗ rừng trồng của Hữu Lũng và đức tính chịu khó của người dân địa phương. Anh nói rằng, từ đầu năm đến nay, do bị cúp điện thường xuyên, nên các xưởng chế biến gỗ hoạt động không theo giờ giấc quy định. Thông cảm với doanh nghiệp (DN), các công nhân tranh thủ khi có điện là đến làm ngay, vì vậy, công ty không bị lỡ hợp đồng giao sản phẩm.
Nói chuyện với một số hộ trồng rừng ở Hữu Lũng, chúng tôi nghe họ phân tích tỷ mỷ cái lợi khi chính quyền huyện cho phép mở nhiều DN chế biến gỗ trên địa bàn. Họ nói rằng, những năm trước đây, các công ty than ở Quảng Ninh thường về thu mua gỗ bạch đàn về làm trụ mỏ; song do có công nghệ mới trong khai thác hầm lò, nên gỗ rừng trồng của nhiều địa phương cũng như Hữu Lũng trở ên ế ẩm, chỉ xuất bán “vặt” cho các đơn vị xây dựng, các đại lý vật liệu xây dựng với giá rẻ, số lượng hạn chế. Nay các công ty chế biến thu mua gỗ rừng trồng với đủ loại kích thước khác nhau. Loại đường kính từ 10-15 phân, dài 2,6m có giá 26 ngàn đồng; loại nhỏ hơn cũng có giá 22 ngàn đồng. Tuy giá bán chưa thật cao, nhưng bù lại bản thân họ hoặc con em họ có cơ hội được nhận việc làm tại các công ty này. Một thanh niên ở xã Sơn Hà còn nói với chúng tôi một cách rất “văn vẻ” “từ một cây gỗ xù xì, cong queo chỉ đáng làm…củi, qua máy móc và bàn tay con người, em cảm thấy nó hữu ích hơn. Đúng là công nghệ có thể làm thay đổi nhiều thứ”…
Thống kê chưa đầy đủ, trong hàng ngàn DN nhỏ trên địa bàn tỉnh, có hàng trăm DN đầu tư sơ chế gỗ rừng trồng, chủ yếu là xẻ ván gỗ thông, bóc bạch đàn, keo; nghiền, thái gỗ tạp…việc sơ chế gỗ rừng trồng là công đoạn đầu tiên cung cấp cho các nhà máy giấy, gỗ dán, gỗ ép, gỗ xuất khẩu. Nhiều DN còn mạnh dạn đầu tư “dài hơi từ A đến Z” trồng và chế biến gỗ. Sự xuất hiện của các DN này mang lại nhiều lợi ích, trước hết là đảm bảo “đầu ra” vững chắc cho cây gỗ rừng trồng, nên đã khuyến khích nông dân đầu tư khai phá đất trống đồi núi trọc, cải tạo rừng nghèo tự nhiên hiệu quả kinh tế thấp thành rừng sản xuất mang lại giá trị cao. Thứ hai, là giải quyết vấn đề lao động, việc làm và thu nhập- yếu tố quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Thứ ba, các DN này trực tiếp góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp vào ngân sách địa phương và tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhiều huyện coi sự có mặt của các DN là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (Khóa X) của Đảng.
Do tính chất thiết thực và lợi ích nhiều mặt của nó, các DN chế biến lâm sản nhanh chóng tạo được niềm tin của địa phương và là niềm hy vọng của người nông dân. Một người dân huyện Văn Lãng cho chúng tôi biết, trước đây, chỉ có mấy sào ruộng và cánh rừng tự nhiên thưa thớt, khi học xong THPT anh con trai lớn của gia đình tính đi làm công nhân tại Bình Dương với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Nay tính lại, cải tạo 4 ha rừng nghèo thành rừng trồng cây bạch đàn hom, tuy vất vả mất mấy tháng, song sau đó chỉ việc tỉa cành, phòng chống cháy rừng, 5 năm sau gia đình sẽ có tiền tỷ trong tay. Nhiều lao động trẻ ở Hữu Lũng thay vì “cậy cục” xin đi làm tại các khu công nghiệp xa, đã xin vào làm tại các xưởng chế biến gỗ, với mức lương 2 triệu đồng/tháng, tuy chưa thật cao, song trong điều kiện “cơm nhà, gần vợ” cũng là hấp dẫn.
Sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn bao gồm nhiều nội dung, song sự xuất hiện của các DN chế biến nông lâm sản có vai trò quan trọng vì tính nhanh nhạy và thiết thực của nó. Rất tiếc, cũng chỉ có các DN chế biến gỗ rừng trồng đăng ký và hoạt động có hiệu quả; và khi có quá nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này thì lại nảy sinh tình trạng “lợi bất cập hại”, rừng trồng bị khai thác quá mức như ở Đình Lập; lại thêm tình trạng trộm gỗ, gây mất trật tự tại địa phương. Nếu có các DN đầu tư chế biến các nông sản khác như sơ chế thuốc lá, thạch đen, chế biến ngô, đậu tương…thì người nông dân đâu có chịu cảnh bị ép cấp ép giá khi bán nguyên liệu thô như trường hợp cây thuốc lá ở Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn…hay cây thạch đen ở Tràng Định?
Tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông lâm nghiệp là hướng phát triển mang tính chiến lược ở tỉnh ta trong việc thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng tạo việc làm và thu nhập cho nông dân Lạng Sơn, xóa nghèo nhanh, phát triển bền vững và củng cố vững chắc khối liên minh công nông.

Trần Kim