Hiệu quả của quỹ xóa nghèo "vì đồng đội"
14/07/2010 14:21
LSO-Nguồn quỹ xóa nghèo vì đồng đội do các hội viên CCB thành phố đóng góp đã tạo cơ hội cho những hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn biết cách sử dụng đồng vốn vay để chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững. Đây là một mô hình mang lại hiệu quả thiết thực mà Hội CCB thành phố đang tích cực thực hiện.Theo số liệu thống kê của Hội CCB thành phố, hiện nay trên địa bàn có 3.116 hội viên CCB, sinh hoạt ở 103 chi, tổ hội. Trong đó, có 4 gia đình hội viên nghèo và 10 hộ cận nghèo. Từ năm 2005, thực hiện sự chỉ đạo của Hội CCB Việt Nam tỉnh Lạng Sơn và Hội CCB thành phố Lạng Sơn về việc vận động mỗi hội viên CCB đóng góp từ 150.000 -200.000 đồng để xây dựng quỹ xóa nghèo vì đồng đội. Đến nay, các hội viên CCB thành phố đã đóng góp được 570 triệu đồng. Với số tiền này, các chi hội cơ sở đã điều chỉnh luân phiên cho 70 hội viên vay không tính lãi để giúp các hội viên chống tái nghèo và xóa...
LSO-Nguồn quỹ xóa nghèo vì đồng đội do các hội viên CCB thành phố đóng góp đã tạo cơ hội cho những hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn biết cách sử dụng đồng vốn vay để chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững. Đây là một mô hình mang lại hiệu quả thiết thực mà Hội CCB thành phố đang tích cực thực hiện.
Theo số liệu thống kê của Hội CCB thành phố, hiện nay trên địa bàn có 3.116 hội viên CCB, sinh hoạt ở 103 chi, tổ hội. Trong đó, có 4 gia đình hội viên nghèo và 10 hộ cận nghèo. Từ năm 2005, thực hiện sự chỉ đạo của Hội CCB Việt Nam tỉnh Lạng Sơn và Hội CCB thành phố Lạng Sơn về việc vận động mỗi hội viên CCB đóng góp từ 150.000 -200.000 đồng để xây dựng quỹ xóa nghèo vì đồng đội. Đến nay, các hội viên CCB thành phố đã đóng góp được 570 triệu đồng. Với số tiền này, các chi hội cơ sở đã điều chỉnh luân phiên cho 70 hội viên vay không tính lãi để giúp các hội viên chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững. Từ khi triển khai đến khi thực hiện cho vay, các lãnh đạo hội và chủ tịch hội CCB 8 xã, phường đã định hướng cho mỗi hội viên vay từ 5 – 10 triệu đồng để sử dụng vào việc trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi lợn, gà, mở các dịch vụ kinh doanh nhỏ… phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình.
Gia đình hội viên CCB Hà Văn Thịnh, khối 7, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn là hộ gia đình làm kinh tế giỏi. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết: năm 1972 anh Thịnh vào quân ngũ và trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Đến năm 1979, xuất ngũ về địa phương với hai bàn tay trắng, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm sản xuất. Với bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ và quyết tâm chiến thắng đói nghèo, không ngại khó khăn gian khổ, anh Thịnh đã tận dụng những điều kiện đất sẵn có của gia đình, được Hội CCB cho vay thêm 5 triệu đồng từ quỹ xóa nghèo vì đồng đội để mạnh dạn đầu tư vào mua giống cây bạch đàn, keo tai tượng trồng trên 2,8 ha đất đồi và nuôi 2 lứa gà Ác mỗi năm. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư mở cửa hàng buôn bán nhỏ tại gia đình., Đến nay, đời sống kinh tế của gia đình anh Thịnh đã ổn định, bình quân mỗi năm cho thu nhập 50 – 60 triệu đồng từ chăn nuôi và kinh doanh nhỏ. Gia đình anh đã xây được căn nhà 3 tầng kiên cố và có đầy đủ vật dụng tiện nghi trong sinh hoạt.
Đến với mô hình vườn đồi của anh Hoàng Ngọ với diện tích trên 1,2 ha tại khu Trung Cấp, xã Mai Pha, là hội viên Hội CCB khối 7, phường Hoàng Văn Thụ, ít ai ngờ được anh từng là chiến sĩ kỹ thuật trong quân ngũ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với tiềm năng đất đai sẵn có của gia đình, năm 2001, được vay vốn quỹ xóa nghèo vì đồng đội, anh Ngọ đầu tư vào trồng các loại cây ăn quả như: vải, hồng, nhãn, xoài, trám trắng… Đến năm 2009 đã cho thu hoạch, bên cạnh trồng các loại cây ăn quả, anh còn trồng xen kẽ 1.000 cây Hồng để cung cấp gỗ làm bột giấy và trên 100 cây hồi đã cho thu hoạch. Năm 2005, anh được nghỉ hưu theo chế độ nhà nước, anh càng tích cực phát triển kinh tế cho gia đình. Với những nỗ lực của bản thân và gia đình anh Ngọ, trong tương lai không xa mô hình vườn đồi hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao.
Ông Chu Anh Minh, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Lạng Sơn cho biết: việc cho hội viên CCB vay vốn từ quỹ “xóa nghèo vì đồng đội” do các hội viên CCB đóng góp đã mang lại hiệu quả thiết thực do thời gian cho vay hợp lý lại không tính lãi. Tuy nhiên, nguồn vốn vay vẫn còn ít, số lượng vay chưa nhiều, trong khi đó tỉ lệ hội viên CCB nghèo và cận nghèo cần vay vốn để phát triển sản xuất còn cao. Song, đáng ghi nhận là sự nhiệt tình trong việc vận động của các hội viên nói riêng, các cấp hội CCB nói chung để ủng hộ cho quỹ. Đây là một mô hình nhỏ nhưng đem lại hiệu quả lâu dài, giúp hội viên chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững; điều quan trọng là tạo cho những người lính năm xưa củng cố thêm tình đồng chí, đồng đội trong thời bình, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thanh Hòa