Quản lý VSATTP: Khâu "hậu kiểm" còn lỏng
15/07/2010 09:50
LSO-Đến hẹn lại lên, mỗi năm 4 lần: tết Dương lịch, tháng hành động vì chất lượng VSATTP, tết Trung thu và tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng lại tiến hành kiểm tra VSATTP tại các cơ sở chế biến sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Nhưng xem ra, sau kiểm tra mọi việc đâu lại vào đấy, những vi phạm cơ bản vẫn không thay đổi…, bởi sau vi phạm, phạt hành chính… khâu hậu kiểm vẫn còn buông lỏng.Những cơ sở này liệu có đảm bảo quy chế về VSATTP?Thực tế cho thấy, mặc dù thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành khá đều đặn, nhưng các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống vi phạm về quy chế VSATTP không hề giảm đi. Trong năm 2009 khi kiểm tra, không dưới 100 trường hợp vi phạm về quy chế VSATTP, và hết quý I năm 2010, trong 1.768 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn Lạng Sơn được thanh, kiểm tra có 173 cơ sở vi phạm VSATTP, chiếm gần 10%. Số...
LSO-Đến hẹn lại lên, mỗi năm 4 lần: tết Dương lịch, tháng hành động vì chất lượng VSATTP, tết Trung thu và tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng lại tiến hành kiểm tra VSATTP tại các cơ sở chế biến sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Nhưng xem ra, sau kiểm tra mọi việc đâu lại vào đấy, những vi phạm cơ bản vẫn không thay đổi…, bởi sau vi phạm, phạt hành chính… khâu hậu kiểm vẫn còn buông lỏng.
![]() |
Những cơ sở này liệu có đảm bảo quy chế về VSATTP? |
Thực tế cho thấy, mặc dù thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành khá đều đặn, nhưng các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống vi phạm về quy chế VSATTP không hề giảm đi. Trong năm 2009 khi kiểm tra, không dưới 100 trường hợp vi phạm về quy chế VSATTP, và hết quý I năm 2010, trong 1.768 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn Lạng Sơn được thanh, kiểm tra có 173 cơ sở vi phạm VSATTP, chiếm gần 10%. Số liệu này nói lên, việc rút kinh nghiệm của các cơ sở là không có, mặc dù ngành chức năng đã xử phạt hành chính, ngoài ra, hàng chục cơ sở trong số này còn phải áp dụng hình phạt bổ sung: đóng cửa, đình chỉ lưu hành sản phẩm, tiêu huỷ sản phẩm, khắc phục về nhãn mác… nhưng xem ra họ vẫn chưa “sợ”. Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh, hầu hết những vi phạm của các cơ sở này là điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đạt, khu vực sản xuất, chế biến không đáp ứng tiêu chuẩn “1 chiều”, không có chứng nhận đủ điều kiện VSATTP hoặc có nhưng đã hết hạn, người trực tiếp chế biến, sản xuất chưa được tập huấn kiến thức về VSATTP…
Có thế nói rằng, sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc thanh, kiểm tra tình hình VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… phần nào đã hạn chế được nguy cơ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, những kết quả đã kiểm tra mới chỉ là “mặt nổi của tảng băng chìm”, bởi các đợt kiểm tra theo định kỳ, thông lệ hàng năm đã được các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống nắm một cách “thuộc lòng”, do vậy họ có thể chủ động đối phó với các đợt kiểm tra và khi đoàn kiểm tra đi khỏi thì “việc ai người ấy làm”, các chủ cơ sở vẫn thờ ơ với việc sửa sai. Nhiều lần tham gia cùng đoàn thanh tra liên ngành VSATTP của tỉnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn trong các dịp cao điểm, điều chúng tôi ghi lại được là ý thức chấp hành các quy định về VSATTP của nhiều cơ sở còn kém. Ngoài vi phạm về các thủ tục hành chính, còn nổi lên tình trạng cơ sở sản xuất mất vệ sinh, nguyên liệu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng ngại hơn, một số cơ sở cố tình gian lận về nhãn mác hàng hoá, hạn sử dụng. Qua các đợt kiểm tra thì nhận thấy, đa số các cơ sở có sai phạm thì thường xuyên tái phạm, khi đoàn kiểm tra phát hiện và nhắc nhở thì họ đều hứa sửa đổi nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục vi phạm.
![]() |
Không đeo găng tay khi pha chế thức ăn chín là sai phạm |
Trên địa bàn Lạng Sơn hiện có 4.813 cơ sở thực phẩm, trong đó 375 cơ sở sản xuất, chế biến, 2.646 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 1.792 cơ sở dịch vụ ăn uống. Sự nở rộ của các cơ sở này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của nhân dân mà còn góp phần đáng kể vào sự phát triển thương mại, du lịch của địa phương. Nhưng kèm theo đó, nó cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý chất lượng VSATTP. Nguyên nhân của sự khó khăn này là do hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh quy mô và cách làm còn nhỏ lẻ, các chủ cơ sở nhỏ thường đặt nặng vấn đề lợi nhuận lên trên và “quên đi” trách nhiệm của mình trong vấn đề VSATTP. Bên cạnh đó, quy chế xử phạt còn nhiều bất cập, chẳng hạn như quy định xử phạt chung là tối đa 15 triệu đồng đối với 1 sản phẩm hàng hóa vi phạm chất lượng VSATTP, mức phạt này đối với các cơ sở ở thành phố, khu vực đô thị thì may ra còn được, chứ áp dụng cho các cơ sở ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì họ khó có thể đáp ứng, gặp trường hợp này, Đoàn kiểm tra chỉ còn cách là tịch thu sản phẩm không đạt chất lượng VSATTP và nhắc nhở rồi cho qua. Đối với những cơ sở lớn, mức phạt này chưa cao nên không đủ sức răn đe, nên nếu có tái phạm thì họ vẫn chấp nhận bị phạt. Ví dụ cụ thể nhất là quán bia hơi Sắc ở dưới chân cầu Kỳ Lừa, đã từng bị ngành chức năng phạt nặng, nhưng ngay tại thời điểm này, nếu tiến hành kiểm tra chắc chắn cơ sở kinh doanh này không đáp ứng đủ quy chuẩn về VSATTP.
Từ thực tế đó cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP mới dừng lại ở việc phát hiện, xử lý các vi phạm và tiến hành tiêu hủy những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Còn việc “hậu kiểm” nhằm quản lý chặt các nguồn thực phẩm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh vẫn chưa được làm một cách chặt chẽ.
Lưu Vũ