Nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 34/CP
15/07/2010 10:00
LSO-Từ ngày 20/5/2010, cả nước đã thực hiện việc xử lý vi phạm trên linh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 34/CP. Sau gần 2 tháng thực hiện, vấn đề ATGT đã đạt được một số thành quả nhất định, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn.“Cái khó” ló trong thực tếNghị định 34 được xem là “đủ sức” răn đe người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định về trật tự ATGT (do mức xử phạt tăng cao). Từ đó, người vi phạm về trật tự ATGT tự điều chỉnh hành vi của mình, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn. Theo đánh giá của Phòng CSGT Công an tỉnh, sau một tháng thực hiện Nghị định 34, đơn vị đã xử phạt gần 3.000 trường hợp, giảm hơn so với các tháng liền kề, tước giấy phép lái xe 72 trường hợp. Đây là điều đáng mừng vì Nghị định đã được áp dụng một cách hiệu quả trong cuộc sống, cũng như áp chế được hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện khi tham gia...
LSO-Từ ngày 20/5/2010, cả nước đã thực hiện việc xử lý vi phạm trên linh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 34/CP. Sau gần 2 tháng thực hiện, vấn đề ATGT đã đạt được một số thành quả nhất định, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn.
“Cái khó” ló trong thực tế
Nghị định 34 được xem là “đủ sức” răn đe người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định về trật tự ATGT (do mức xử phạt tăng cao). Từ đó, người vi phạm về trật tự ATGT tự điều chỉnh hành vi của mình, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn. Theo đánh giá của Phòng CSGT Công an tỉnh, sau một tháng thực hiện Nghị định 34, đơn vị đã xử phạt gần 3.000 trường hợp, giảm hơn so với các tháng liền kề, tước giấy phép lái xe 72 trường hợp. Đây là điều đáng mừng vì Nghị định đã được áp dụng một cách hiệu quả trong cuộc sống, cũng như áp chế được hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện đã có không ít vấn đề nảy sinh gây khó khăn cho cả người thi hành công vụ lẫn người tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh, từ khi thực hiện Nghị định 34 đến nay, tuy số vụ vi phạm giảm, nhưng số vụ tai nạn giao thông vẫn tăng so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn, làm chết 5 người, bị thương 12 người, so với cùng kỳ năm 2009, số vụ tăng 5, số người bị chết tăng 1, số người bị thương tăng 5. Đa số các vụ tai nạn, vi phạm xảy ra ở địa bàn nông thôn, đây là những địa bàn ít được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Đây là khó khăn đầu tiên mà lực lượng CSGT gặp phải, tăng mức xử phạt mới mục đích là để răn đe, từ đó người vi phạm tự điều chỉnh hành vi của mình, nhưng nếu khâu tuyên truyền không tốt thì Nghị định 34 sẽ không phát huy hết tác dụng. Cái khó thứ hai mà lực lượng chức năng gặp phải là về máy đo nồng độ cồn. Đối với các huyện, thiết bị này đang thiếu, không những vậy, người điều khiển phương tiện giao thông – nhất là các lái xe ô tô thường không hợp tác với lực lượng chức năng. Trong khi đó, nếu buộc họ chấp hành theo yêu cầu thì phải mất nhiều thời gian. Có không ít lái xe cho rằng, họ từ chối đo là vì chỉ có vài cái máy đo nồng độ cồn nhưng nhiều người “thử” vào sẽ không đảm bảo sức khỏe vì sợ lây bệnh qua đường hô hấp?.
![]() |
Tai nạn giao thông thời gian qua vẫn chưa giảm |
Cái khó nữa là theo quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm, thế nhưng khi phụ huynh ra đường mấy ai mang theo giấy khai sinh của con em mình. Vì thế, lực lượng CSGT chỉ còn cách nhìn người rồi đoán tuổi để buộc dừng xe kiểm tra mà thôi. Thực tế, có nhiều trường hợp, CSGT biết chắc là trẻ trên 6 tuổi nhưng đành chịu, vì nếu làm rõ tuổi các em thì chỉ có cách kéo dài thời gian dừng lại đợi phụ huynh về nhà lấy giấy khai sinh. Thật là khó!
Vấn đề là ở ý thức người dân
Nghị định 34 ra đời đã giúp nhiều bộ phận người tham gia giao thông tự điều chỉnh hành vi của mình, nhưng hiện nay, sau một thời gian thực hiện vẫn còn không ít người dân vẫn chưa tự ý thức về chính hành vi của mình. Minh chứng cụ thể nhất, trên các trục đường liên xã vẫn còn rất nhiều bà con khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Khi hỏi thì họ trả lời: không có công an thì đội mũ bảo hiểm làm gì, đội vào tổ nóng đầu mà thôi. Đó là vùng nông thôn, khi việc tuyên truyền về luật giao thông đường bộ còn chưa nhiều và chưa đến hết được với bà con, nhưng ngay tại khu vực thành phố – nơi dân trí cao nhưng hiện vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên bất chấp cảnh sát giao thông tuần tra trên đường vẫn ngang nhiên không đội mũ bảo hiểm, khi thấy tín hiệu dừng xe thì phóng nhanh, lạng lách, đánh võng nhằm chạy thoát lực lượng chức năng. Không chỉ vậy, tình trạng các đối tượng thanh niên đèo 2-3 người lạng lách, đánh võng ở một số tuyến đường của thành phố gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác vẫn diễn ra thường xuyên. Hiện tượng xe chở quá tải, làm rơi vãi vật liệu ra đường, xe đón, trả khách tuỳ tiện…cũng chưa được xử lý triệt để. Đó là những nguyên nhân chính gây mất ATGT và làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: mức xử phạt theo Nghị định 34 hầu hết đã tăng, nhưng đối với một số lỗi thường gặp mức phạt vẫn còn nhẹ. Vi dụ như: Nghị định 34 quy định việc vượt đèn đỏ, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông thì bị phạt tối đa là 200 nghìn đồng nhưng lại không quy định việc giam giữ xe 30 ngày như NĐ 146. Như vậy mức răn đe chưa hẳn đã cao. Trong khi lỗi vượt đèn đỏ lại rất thường gặp, và việc lạng lách đánh võng trên đường là quá coi thường pháp luật cần phải xử lý nghiêm khắc thì người vi phạm mới điều chỉnh được hành vi của mình.
Nghị định 34/CP của Chính phủ tưởng đã có tính răn đe mạnh đối với các hành vi vi phạm, song thực tế cho thấy, trật tự ATGT vẫn đang diễn biến phức tạp, tình hình tai nạn giao thông chưa giảm, đòi hỏi sự sát sao hơn nữa trong việc đưa luật vào cuộc sống từ phía các ngành chức năng. Và hơn hết, để giảm thiểu tai nạn giao thông thì ý thức người dân phải được nâng cao hơn nữa.
Trí Dũng