Thứ tư,  22/03/2023

Ghi chép tháng bảy

LSO-Tháng bảy đến với ánh nắng trời và gió núi, đến trong không khí náo nức kỷ niệm ngày thành lập nghành Kiểm sát nhân dân (KSND), gợi cho chúng tôi- những kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Lạng Sơn, những người tham gia công tác khám nghiệm ban đầu những vụ án hình sự, chợt nghĩ đến những tháng ngày và những nẻo đường đã qua với những nghĩ suy đáng tự hào.Chúng tôi là ai? Làm gì? Đối với cán bộ trong ngành và lực lượng điều tra thì dễ hiểu, họ có thể nói rõ đấy là hoạt động nghiệp vụ mang tính pháp lý của Viện KSND bảo đảm cho việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của cơ quan điều tra được thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhằm phát hiện dấu vết, vật chứng của tội phạm và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án. Nhưng đối với những người khác thì khó có thể biết hết về chúng tôi. Bởi, từ xưa đến nay, người ta thường nói, viết nhiều về những phiên toà uy nghiêm, ở đó có những phán quyết,...

LSO-Tháng bảy đến với ánh nắng trời và gió núi, đến trong không khí náo nức kỷ niệm ngày thành lập nghành Kiểm sát nhân dân (KSND), gợi cho chúng tôi- những kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Lạng Sơn, những người tham gia công tác khám nghiệm ban đầu những vụ án hình sự, chợt nghĩ đến những tháng ngày và những nẻo đường đã qua với những nghĩ suy đáng tự hào.
Chúng tôi là ai? Làm gì? Đối với cán bộ trong ngành và lực lượng điều tra thì dễ hiểu, họ có thể nói rõ đấy là hoạt động nghiệp vụ mang tính pháp lý của Viện KSND bảo đảm cho việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của cơ quan điều tra được thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhằm phát hiện dấu vết, vật chứng của tội phạm và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án. Nhưng đối với những người khác thì khó có thể biết hết về chúng tôi. Bởi, từ xưa đến nay, người ta thường nói, viết nhiều về những phiên toà uy nghiêm, ở đó có những phán quyết, chứ ít ai nói, ít người biết về chúng tôi. Chúng tôi là những người Nùng, người Tày, người Kinh; có người là dân Lạng Sơn gốc, có người từ miền xuôi lên; có người rời ghế nhà trường là vào thẳng ngành; có người đã từng khoác áo lính nếm đủ mùi sốt rét Trường Sơn. Nhưng bao giờ cũng vậy, có vụ việc là lên đường. Có người hỏi, các anh được trang bị những gì? Phải nói có một thời chúng tôi được cấp hai chiếc “Va li dự thẩm” của Liên Xô nhưng đó là thời xa xưa rồi. Giờ đây chúng tôi tác nghiệp dựa hoàn toàn vào những phương tiện của kỹ thuật hình sự Công an tỉnh (mà cùng còn thô sơ và lạc hậu lắm) cùng bảo hộ là một bộ quần áo đi mưa và một chiếc khẩu trang. Hội đồng khám nghiệm là những kiểm sát viên, điều tra viên- những sỹ quan kỹ thuật hình sự của Công an tỉnh và bác sỹ pháp y. Ngoại trừ những người lính trận, khó ai có thể có những sự gắn bó trong công việc như chúng tôi: Cùng đi trên một chiếc xe ô tô, leo qua những con đường “xấu khủng khiếp” để đến hiện trường vụ án; cùng ăn, cùng ở với dân. Chúng tôi từng chia nhau từng gói mì tôm, đắp chung những chiếc chăn trong nhà dân ở những góc rừng… Tôi nhớ như in có lần đến khám nghiệm ở miền núi đá khô hạn, từng người trong đoàn nhường nhau lần lượt cúi xuống một hốc nước nhỏ, dùng lá cây gấp lại múc nước uống. Có lẽ vì những “cái chung” đó chứ không phải những điều gì cao siêu, to tát khác đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả thiếu thốn, khó khăn gian khổ, thậm chí nguy hiểm để làm tốt những công việc ban đầu, những yêu cầu ban đầu của các vụ án hình sự; bảo đảm cho những kẻ phạm tội đều bị phát hiện kịp thời, bảo đảm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử sau đó.

Đoàn thanh tra liên ngành VSATTP của tỉnh kiểm tra thủ tục hành chính về VSATTP ở Trường Tiểu học Vĩnh Trại

Ảnh: Thúy Hường

Cả Lạng Sơn là núi rừng trùng điệp, có 11 huyện, thành phố; trong đó có những huyện cách nhau hơn 150 kilômét. Những địa bàn mà chúng tôi phải đi khám nghiệm đa phần là xa xôi, hiểm trở, đi lại khó khăn, ở đó ô tô, xe máy không thể đến tận hiện trường, nên cắt rừng đi bộ là chuyện thường. Có lần để đến một bản người Dao thuộc xã Quý Hoà huyện Bình Gia, từ điểm xe ô tô đỗ chúng tôi cuốc bộ cả đi và về mất 2 ngày 1 đêm.
Cái ăn, cái uống bây giờ đã trở thành những điều quá bình thường, nhưng chúng tôi xin được nói một chút về nó. Những lần đi khám nghiệm, khi thì được ăn no, khi thì phải nhịn đói từ sáng đến tối, điều này ai đã tham gia công tác khám nghiệm ở địa bàn rừng núi thì không lấy gì làm lạ. Có người trêu chúng tôi là “bọn chuyên đi ăn cơm đám ma”, cũng phải. Vì không it lần do ở trên núi nên sau cuộc khám nghiệm, UBND xã bố trí ăn cơm ngay gần xác chết hôi thối vừa khám nghiệm xong. Hôi thối thật nhưng không ăn thì sức đâu mà xuống núi. Rồi biết bao vụ khám nghiệm mà bên những cái chết thối rữa đầy ròi bọ, ngay cả người nhà của nạn nhân còn không dám dứng gần, vậy mà các điều tra viên, kiểm sát viên, bác sỹ pháp y phải xem xét, hội ý nhiều lần để có những quyết định đúng đắn trong khám nghiệm. Với đồng bào, chúng tôi phải cảm ơn họ nhiều lắm. Chính họ là những người phát hiện tử thi và hiện trường, họ cũng là người báo tin, người dẫn đường cho chúng tôi. Có lần, khi vừa xuống xe ô tô để đến hiện trường thì có một cậu bé khoảng 12 đến 13 tuổi từ bìa rừng chạy đến nói với chúng tôi, các bác trong uỷ ban xã đã ở trong hiện trường cả rồi, cháu có nhiệm vụ dẫn đường đến đó. Và thế là cậu ta cứ thoăn thoắt đi trước, từ trưa đến chiều tà thì đến hiện trường. Có người trong đoàn chúng tôi đưa vào bàn tay đen sì nhựa cây của cậu bé mười ngàn đồng nhưng cậu ta kiên quyết không cầm, mà cứ đứng đợi chúng tôi uống hết chai nước khoáng thì lặng lẽ nhặt lấy vỏ, rồi lại đưa chúng tôi quay trở ra. Còn những cán bộ xã, nơi có hiện trường vụ án xảy ra, họ là những người vô cùng quan trọng. Bởi không có họ công việc của chúng tôi chắc chắn không thể tiến hành suôn sẻ được. Để báo tin, họ có thể cắt rừng đi cả đêm, rồi lại về ngay để tiếp tục tổ chức bảo vệ hiện trường và tử thi, chuẩn bị nơi ăn nghỉ cho đoàn khám nghiệm, rồi rất nhiều công việc khác nữa như nắm tin tức ban đầu, làm phiên dịch…

Tháng bảy nào cũng bộn bề công việc, giở lại những trang sổ ghi kết quả khám nghiệm, năm nào cũng non trăm vụ việc. Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi luôn tự hào là những người đầu tiên trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã góp phần trong việc thu thập dấu vết, vật chứng, tìm ra nguyên nhân của những cái chết không bình thường; để từ đó có đủ điều kiện và căn cứ để có thể đưa ra các quyết định: khởi tố điều tra, bắt, khám xét, xét hỏi và truy tố kẻ phạm tội ra toà. Nhìn những lớp cán bộ trẻ mới vào nghề kiểm sát điều tra hôm nay hăm hở, tự tin, chúng tôi chợt thấy mái đầu của mình cũng đã có sợi bạc. Tháng ngày trôi qua, một tháng bảy nữa lại tới, những định hướng cải cách tư pháp của Đảng như ngọn gió xuân thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong chúng tôi. Những kiểm sát viên làm công tác kiểm sát khám nghiệm ban đầu vẫn lớp lớp thay nhau lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ, vì trật tự trị an, vì công lý, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trịnh Ngọc Chính