Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở Nghệ An
20/07/2010 08:56
Nghị quyết 30A của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến với các huyện đặc biệt khó khăn, chẳng khác cơn mưa rào trút xuống vùng đất hạn và triền miên oi bức.Ở tỉnh Nghệ An, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.Niềm vui lan tỏaĐôi mắt của ông Kha Văn Thành ánh lên niềm vui, như thể ông chưa từng trải qua những tháng ngày hắt hiu cơ cực. Nơi ông Thành ở, giờ không còn mái tranh tre dột nát mà đã là ngôi nhà mái đỏ, khang trang. Ông Thành xúc động nói: "Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã giúp mơ ước bao năm của gia đình thành hiện thực!". Chẳng riêng nhà ông Thành mà nhiều hộ nghèo ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng được hưởng niềm vui trong những ngôi nhà mới. Nguồn hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo, đặc biệt là Nghị...
Nghị quyết 30A của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến với các huyện đặc biệt khó khăn, chẳng khác cơn mưa rào trút xuống vùng đất hạn và triền miên oi bức.
Ở tỉnh Nghệ An, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Niềm vui lan tỏa
Đôi mắt của ông Kha Văn Thành ánh lên niềm vui, như thể ông chưa từng trải qua những tháng ngày hắt hiu cơ cực. Nơi ông Thành ở, giờ không còn mái tranh tre dột nát mà đã là ngôi nhà mái đỏ, khang trang. Ông Thành xúc động nói: “Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã giúp mơ ước bao năm của gia đình thành hiện thực!”. Chẳng riêng nhà ông Thành mà nhiều hộ nghèo ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng được hưởng niềm vui trong những ngôi nhà mới. Nguồn hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo, đặc biệt là Nghị quyết 30a được tỉnh Nghệ An tích cực triển khai đã và đang tạo ra sức bật mới, giúp nhiều gia đình vượt khó, vươn lên. “Mấy luống rau xanh, vài con lợn nái của nhà ông Thành hôm nay cũng bắt nguồn từ sự quan tâm đó”. – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang Hồ Viết Sơn cho biết. Anh Sơn lấy xe máy dẫn chúng tôi đi tiếp đến Sơn Hà, một trong những bản khó khăn nhất của xã…
Gặp chị Lộc Thị Tỳ, người bản Sơn Hà ở ngoài đồng, chị cho chúng tôi biết: Từ khi có đường giao thông (Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a), nhu cầu đi lại của bà con chẳng những được cải thiện mà việc vận chuyển nông sản hàng hóa cũng dễ dàng. Mấy hôm nay cả bản tấp nập hẳn lên, vì sau đợt nắng nóng kéo dài, người dân tranh thủ chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. Chiều xuống, ngay tại chuồng nuôi của gia đình, vợ chồng anh Sên Văn Tuấn cũng đang bận bịu với mấy gánh rau vừa hái về, người rửa, người băm để kịp cho hàng chục con lợn đang đòi ăn. Đồng chí Lô Văn Phòng, Bí thư Chi bộ bản, cho chúng tôi biết: Nhà anh Tuấn và nhiều gia đình nghèo khác ở đây, sau khi được hỗ trợ vốn làm nhà, cán bộ của xã, của huyện tiếp tục hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn ngân hàng để mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, nhiều hộ đã dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, và bớt đi tư tưởng ỷ lại, trông chờ. Người dân chủ động làm quen với cung cách làm ăn mới nên bước đầu có tích lũy. Nhiều hộ trả nợ ngân hàng. Không ít hộ tiếp tục vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Văn Hài cho biết: Chỉ tính từ đầu năm đến nay, huyện Tương Dương đã triển khai nhiều chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường giao thông ở bản Na Bè và bản Hợp Thành của xã Xá Lượng; dự án cấp điện ở bản Tùng Hương của xã Tam Quang, Tam Hợp; công trình cấp nước sinh hoạt cho các bản Khổi và Xoong Con, xã Tam Thái,… với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, huyện cũng được một số đơn vị như Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam,… chung tay góp sức. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên các cấp ủy đảng nhận thức ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn vai trò trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Nghị quyết 30a trên địa bàn, chủ động thực hiện các hạng mục công trình theo Đề án đã được duyệt. Bên cạnh đó, Tương Dương đã đột phá vào khâu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Công tác tuyên truyền về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây con, cách thu hoạch, bảo quản hoa màu sau thu hoạch được các hội, đoàn thể sáng tạo bằng nhiều hình thức sinh động. Cùng với phát triển nông nghiệp, Tương Dương chủ động phát triển kinh tế đồi rừng vốn là thế mạnh của địa phương với nhiều mô hình nhân rộng như trồng keo lá tràm, xoan, lát, xăng lẻ…
Phát huy vai trò cấp ủy
Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 30a, bình quân cả ba huyện của tỉnh Nghệ An là Quế Phong, Kỳ Sơn và Tương Dương giảm được 1.743 hộ nghèo, hỗ trợ 6.252/7.355 hộ nghèo làm nhà ở, đưa hơn 110 trí thức trẻ về công tác tại địa bàn các xã. Tuy nhiên, cũng như các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, thời tiết ở Tương Dương nắng nóng, khô hạn, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn phức tạp, trình độ dân trí còn thấp, chưa đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ,… nên hiệu quả của các chương trình, dự án chưa cao. Tốc độ giảm nghèo còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (Kỳ Sơn còn 53,35%, Quế Phong 48,01% và Tương Dương 53,53%). Theo đồng chí Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo tỉnh Nghệ An: Chính sách hỗ trợ thông qua khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng chưa phát huy hiệu quả. Vì thực tế phần lớn diện tích đất rừng ở ba huyện này đã được giao cho các nông, lâm trường quản lý, một số diện tích đất khác đã qua đấu thầu giao khoán cho các gia đình không thuộc diện nghèo nên nay không còn quỹ đất để giao cho các hộ nghèo nữa. Mặt khác, kinh phí đầu tư quy hoạch, đo đạc, chỉnh lý diện tích đất, rừng để giao cho các hộ nghèo nhận giao khoán chưa có. Vì thế các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn chưa phát huy được hiệu quả. Việc hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo so với mục tiêu cũng bị chậm tiến độ do chưa có sự thống nhất trong phân cấp quản lý ban hành quyết định.
Nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, đạt mục tiêu hạ tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện đặc biệt khó khăn xuống còn 40% vào cuối năm nay, các cấp ủy đảng ở Nghệ An lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tỉnh Nghệ An kiến nghị T.Ư nên phân cấp cho huyện việc quản lý thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo đảm sự chủ động trong việc phối hợp thực hiện giữa các cấp địa phương và doanh nghiệp. Mặt khác, Trung ương tiếp tục chỉ đạo và vận động các Tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ đã cam kết đối với các hạng mục công trình đầu tư hỗ trợ các huyện nghèo, bổ sung kế hoạch trợ giúp cho từng huyện trong thời gian tới.
Theo Nhandan