Sóc Trăng phát triển chăn nuôi trang trại
21/07/2010 08:53
Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển mạnh về chăn nuôi trang trại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm gần đây, tỉnh từng bước mở rộng quy mô trang trại, hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đi đôi với nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.Tuy nhiên, để chăn nuôi trang trại phát triển ổn định, bền vững cần phải có những giải pháp mạnh và đồng bộ nhằm hạn chế rủi ro.Liên kết mở rộng chăn nuôi trang trạiTrưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Quách Văn Tây cho biết: Toàn tỉnh hiện có 181 trang trại chăn nuôi, tăng 14 lần so với năm 2001. Trong đó có 121 trang trại lợn, 25 trang trại bò (năm trang trại bò thịt, 20 trang trại bò sữa), 35 trang trại gia cầm. Qua đó đã góp phần giải quyết việc làm cho gần hai nghìn lao động, tăng thu nhập cho nông dân....
Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển mạnh về chăn nuôi trang trại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm gần đây, tỉnh từng bước mở rộng quy mô trang trại, hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đi đôi với nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, để chăn nuôi trang trại phát triển ổn định, bền vững cần phải có những giải pháp mạnh và đồng bộ nhằm hạn chế rủi ro.
Liên kết mở rộng chăn nuôi trang trại
Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Quách Văn Tây cho biết: Toàn tỉnh hiện có 181 trang trại chăn nuôi, tăng 14 lần so với năm 2001. Trong đó có 121 trang trại lợn, 25 trang trại bò (năm trang trại bò thịt, 20 trang trại bò sữa), 35 trang trại gia cầm. Qua đó đã góp phần giải quyết việc làm cho gần hai nghìn lao động, tăng thu nhập cho nông dân. Chất lượng con giống cũng từng bước được cải thiện và nâng cao theo hướng sử dụng con giống có năng suất cao, phẩm chất tốt.
Thời gian qua, mặc dù đàn gia súc, gia cầm của Sóc Trăng chịu tác động của dịch bệnh, nhưng tổng đàn nuôi vẫn tăng từ 5-8%/năm. Tính đến nay, đàn bò lai sind của tỉnh lên tới 20.038 con, chiếm 67,8% tổng đàn bò; đàn lợn ngoại, lợn lai 2, 3, 4 máu ngoại, chiếm khoảng 80% tổng đàn; đàn gà công nghiệp có gần 787 nghìn con, chiếm 50% tổng đàn gà của tỉnh; những giống vịt cao sản cũng được nuôi nhiều hơn và phát triển rộng khắp các trang trại địa phương. Phần lớn những trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như đầu tư đồng bộ về con giống, thức ăn công nghiệp chất lượng cao, chuồng trại, trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ bi-ô-ga hoặc ao nuôi cá, nên bảo đảm được vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh và tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Về huyện Châu Thành, chúng tôi đến nhà ông Phạm Văn Dư ở ấp Cống Đôi, xã Hồ Đắc Kiện, hiện đang liên kết với Công ty cổ phần CP – VN nuôi 90 nghìn con gà thịt, 60 nghìn con gà đẻ và 2.200 con lợn với mức lợi nhuận hằng năm gần bốn tỷ đồng. Ở huyện Châu Thành, hầu hết số hộ làm nông nghiệp đều phát triển thêm nghề chăn nuôi. Hộ gia đình nuôi vài trăm con lợn, hàng nghìn con gà không hiếm, nhưng nhiều như ông Dư chỉ có 43 hộ. Ông Dư kể: Lúc trước do thiếu đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mấy năm nay nhờ đồng vốn vay của Nhà nước tôi mạnh dạn thuê đất, đầu tư chuồng trại, thiết bị, con giống, phát triển chăn nuôi lợn, gà công nghiệp. Lúc đầu chỉ có vài trăm con rồi từng bước tăng dần lên và bây giờ thì liên kết với Công ty CP-VN theo hình thức gia công có quy mô lớn hàng trăm nghìn con. Anh Trần Thanh Đại, chủ một trang trại lớn ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách khẳng định: Chỉ những trang trại chăn nuôi công nghiệp hiện đại, an toàn dịch bệnh và biết hạch toán kinh tế kỹ lưỡng thì mới có lãi. Hiện nay, bình quân nuôi lợn thịt thu lãi từ 150.000 đến 200.000 đồng/con/lứa 4 tháng, lợn sinh sản từ 6-8 triệu đồng/nái/năm; gà thịt 3.000 – 5.000 đồng/con/lứa 2 tháng. Năm ngoái tôi nuôi 80 nghìn con gà thịt, 64 nghìn con gà đẻ và hơn 2.000 con lợn, thu được 3,5 tỷ đồng lợi nhuận. Nếu giá thị trường ổn định như hiện nay, bà con nông dân phấn khởi mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh Đại cho biết thêm, hiện anh đang liên kết với Công ty CP-VN xây thêm một trang trại nuôi gà ở xã An Ninh, huyện Châu Thành có quy mô 60 nghìn con. Theo anh, thực hiện mô hình liên kết này rất có lợi. Chủ trang trại chỉ cần đầu tư chuồng trại, trang thiết bị và nhân công theo quy định của doanh nghiệp, còn doanh nghiệp sẽ đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bình quân mỗi trại nuôi gà thịt 15 nghìn con/đợt, thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng sau 10 tuần; còn đối với lợn, mức lãi cho 1.000 con là 150 – 250 triệu đồng/đợt sau 5 tháng thả nuôi. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định mà còn giúp đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật di truyền về giống, thức ăn, thú y, xử lý nước thải vào sản xuất, giúp kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cũng với hình thức này, anh Nguyễn Thái Tòng ở xã Đại Hải đã đầu tư mở rộng 5 ha đất xây dựng chuồng trại với quy mô 50 nghìn con gà thịt, 80 nghìn con gà đẻ, lợi nhuận mỗi năm khoảng 2,7 tỷ đồng. Hiện anh xây dựng thêm một trang trại nuôi 2.200 lợn thịt, 200 nái sinh sản.
Giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững
Ngành chăn nuôi ở Sóc Trăng trong những năm qua tuy đạt được một số kết quả đáng mừng, nhiều chủ trang trại có mức lợi nhuận cao, song người chăn nuôi vẫn không khỏi lo lắng vì thị trường nguyên liệu và sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh; dịch bệnh rình rập, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được kiểm soát tốt. Mặc dù xu hướng mở rộng quy mô chăn nuôi đang tăng dần, nhưng phần lớn thiếu sự đầu tư, nên quy mô trang trại còn nhỏ, trong khi các địa phương lại thiếu quy hoạch tổng thể dẫn đến phát triển manh mún, gây khó khăn cho việc trợ giúp của Nhà nước. Tính liên kết trong phát triển kinh tế trang trại chưa cao, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý, kể cả thông tin dự báo thị trường của các chủ trang trại còn hạn chế; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái nên thường bị ép giá gây thua thiệt cho người chăn nuôi. Thời gian, thủ tục giao đất, cho thuê đất của địa phương còn nhiều khó khăn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của các trang trại. Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng của các trang trại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cho vay vốn ngắn hạn chưa phù hợp chu kỳ nuôi. Các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về thuốc thú y, con giống, thức ăn chăn nuôi cũng như công tác giám sát dịch bệnh còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, là những thách thức làm ảnh hưởng hiệu quả của ngành chăn nuôi.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Trương Thanh Bình cho biết: Để sớm khắc phục những mặt hạn chế và hỗ trợ người chăn nuôi có thêm điều kiện mở rộng quy mô, phát triển sản xuất đạt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành lên mức 7 – 8%/giai đoạn 2010 – 2015, ngoài việc chuyển dịch từ phương thức nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang xây dựng, phát triển các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, thì cần đổi mới cơ cấu giống, đây là khâu quan trọng có vai trò quyết định. Trong đó, tăng tỷ lệ bò lai Zebu lên 80% tổng đàn, đàn lợn ngoại chiếm hơn 95% tổng đàn vào năm 2015; 100% hệ thống cơ sở giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; kiểm soát, khống chế các loại dịch bệnh. Nhằm thực hiện tốt mục tiêu này, phải có nhiều giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, như: công bố quy hoạch chăn nuôi để kêu gọi đầu tư; tổ chức thông tin tuyên truyền quy trình kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi; hoàn thiện hệ thống sản xuất giống hiện đại và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi đáp ứng nhu cầu con giống, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác dự báo về các yếu tố có ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường các sản phẩm chăn nuôi… Vấn đề quan trọng nữa là cần củng cố và khuyến khích các hình thức liên kết chăn nuôi gia công, hợp đồng giữa các trang trại với các gia trại, trang trại nhỏ tạo điều kiện thành lập hợp tác xã, hiệp hội chăn nuôi. Tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm trên cơ sở khuyến khích các lò giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi ký kết, thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người chăn nuôi. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về kinh tế trang trại, tạo điều kiện cho các trang trại phát huy, huy động tiềm năng đất đai, nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế trang trại. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các chủ trang trại về kỹ thuật cũng như nghiệp vụ quản lý kinh tế, thu hút lao động có trình độ chuyên môn giỏi, giúp trang trại sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả. Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung phải có phương án xử lý chất thải; các trang trại chăn nuôi hiện đang nằm trong khu dân cư sớm có kế hoạch di dời đến những nơi đã được quy hoạch để bảo đảm an toàn sinh học. Ngành nông nghiệp đề xuất tỉnh ban hành chính sách, cơ chế để các trang trại được thụ hưởng các chính sách đầu tư, cũng như kiến nghị thống nhất cơ chế tín dụng giúp trang trại tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Làm được như vậy sẽ tạo đà cho ngành chăn nuôi Sóc Trăng phát triển bền vững.
Theo Nhandan