Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân diện thu hồi đất
21/07/2010 08:57
Thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được triển khai như: dự án điện năng, sản xuất thép, xây dựng cảng biển, khai thác quặng sắt, tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng, lọc hóa dầu, thủy lợi... Theo thống kê, tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 200 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI chiếm hơn 75%.Trong vùng các dự án gần mười nghìn hộ dân với 50 nghìn người, cùng hàng nghìn ha đất ở, đất nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng cùng với hàng nghìn hộ diện thu hồi đất phải chuyển đến nơi ở mới. Đây là cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Hà Tĩnh. Tại khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, các dự án nhiệt điện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; khu liên hợp thép, lọc hóa dầu, cảng biển nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa; các dự án thép của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC), Công ty Vạn Lợi và các khu thương mại, du lịch, dịch vụ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan (Trung...
Thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được triển khai như: dự án điện năng, sản xuất thép, xây dựng cảng biển, khai thác quặng sắt, tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng, lọc hóa dầu, thủy lợi… Theo thống kê, tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 200 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI chiếm hơn 75%.
Trong vùng các dự án gần mười nghìn hộ dân với 50 nghìn người, cùng hàng nghìn ha đất ở, đất nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng cùng với hàng nghìn hộ diện thu hồi đất phải chuyển đến nơi ở mới. Đây là cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Hà Tĩnh. Tại khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, các dự án nhiệt điện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; khu liên hợp thép, lọc hóa dầu, cảng biển nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa; các dự án thép của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC), Công ty Vạn Lợi và các khu thương mại, du lịch, dịch vụ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đang từng bước được triển khai. Trong KKT Vũng Áng có năm xã: Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh (Kỳ Anh) với gần 3.000 hộ phải di dời, đất nông nghiệp phải thu hồi gần 1.500 ha. Trong vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có sáu xã với 4.562 hộ, 20 nghìn người bị ảnh hưởng, diện tích đất ở, đất sản xuất phải thu hồi gần 3.000 ha. Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang tại huyện miền núi Vũ Quang có gần 1.000 hộ dân phải di dời khỏi khu vực lòng hồ và khu vực xây dựng các hạng mục công trình đầu mối .
Ngay từ giai đoạn thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư, lập dự án, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh xác định: ổn định và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình bị thu hồi đất là nhiệm vụ trọng tâm với nhiều khó khăn, phức tạp cần giải quyết đồng bộ khi triển khai các dự án. Tỉnh huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (TĐC). Bước đầu tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch các khu TĐC quy mô lớn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng và của từng huyện, xã. Quy hoạch xây dựng các khu TĐC bảo đảm cho người dân có cuộc sống ổn định lâu dài, tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm các điều kiện phát triển bền vững. Tại KKT Vũng Áng có năm khu TĐC với tổng diện tích đất ở, đất sản xuất là 2.200 ha, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có sáu khu TĐC và dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang có hai khu TĐC. Kinh phí xây dựng các khu TĐC tại huyện Kỳ Anh do T.Ư cấp. Ngoài ra, các cổ đông của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đầu tư xây dựng các khu TĐC riêng. Tại KKT Vũng Áng, Nhà nước đã đầu tư hơn hai nghìn tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, các khu TĐC ở huyện Kỳ Anh hệ thống, cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoàn chỉnh, đường giao thông được thảm nhựa, mặt đường rộng 12m cùng đường dây tải điện, hệ thống dẫn nước sinh hoạt đến từng gia đình và mặt bằng xây dựng nhà ở. Công ty cổ phần sắt Thạch Khê trong hai năm 2009 – 2010 đầu tư 500 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ TĐC. Chính sách, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ TĐC thỏa đáng, được người dân chấp thuận. Đến tháng 7, tại KKT Vũng Áng có hơn hai nghìn hộ gia đình được kiểm kê, áp giá đền bù tài sản, các hộ dân đã nhận tiền đền bù và đang tiến hành di dời đến khu TĐC. Tài sản trên đất của các hộ được tính sát với giá thị trường. Với mức đền bù di chuyển nhà ở, các hộ trong diện TĐC có thể xây dựng nhà mới to, đẹp hơn so với nhà cũ. Khu TĐC Kỳ Liên có gần 200 hộ dân đến xây nhà mái bằng, nhà hai tầng khang trang. Đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc các dự án của Tập đoàn Formosa, nhiệt điện đều là loại đất xấu, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa với năng suất không quá hai tấn/ha, nhưng được tính mức đền bù như loại đất màu mỡ tại huyện trọng điểm lúa trong tỉnh. Đối với những người làm nghề đánh bắt hải sản không có ruộng đất, khi chuyển đến nơi ở cách xa biển, tàu thuyền, ngư cụ không còn giá trị sử dụng gặp khó khăn trong đời sống, việc làm được tỉnh hỗ trợ 80% giá trị tài sản khi mới mua sắm, giúp các hộ ngư dân giảm bớt khó khăn. Các khu TĐC ở các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà, đất sản xuất nông nghiệp rất ít, khó khăn lớn đối với các hộ TĐC. Theo kết quả điều tra xã hội học và tính toán quy mô phát triển sau năm 2015 của các dự án có gần ba nghìn hộ nông nghiệp ở các khu TĐC tập trung và TĐC tại chỗ. Để giải quyết tình hình khó khăn trên, tỉnh Hà Tĩnh lập các dự án sản xuất rau màu, chăn nuôi tập trung bên cạnh các khu TĐC, dự kiến tạo việc làm cho 1.500 lao động, số lao động còn lại được đào tạo chuyển đổi nghề. Các trung tâm dạy nghề của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp huyện Kỳ Anh đã mở các lớp dạy nghề điện tử, điện lạnh, cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm, nề, mộc cho nhiều người trong vùng dự án. Các dự án về thương mại, du lịch, dịch vụ của các nhà đầu tư nước ngoài và TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Thanh niên trong các gia đình khi đi học nghề được hỗ trợ mỗi người năm triệu đồng, sau khi học xong được các chủ dự án và các DN của huyện Kỳ Anh ưu tiên tiếp nhận vào làm việc. Thực tế nhiều thanh niên trong vùng dự án chưa tốt nghiệp THPT, không đủ trình độ văn hóa để học các nghề luyện kim, lọc hóa dầu, xây dựng cảng… được hỗ trợ học bổ túc văn hóa để học các nghề lái xe, nề, gia công cơ khí, Phần lớn các gia đình bị ảnh hưởng của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đều di dời đến nơi ở mới theo phương thức xen ghép vào nhiều xã, thôn, xóm của các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Can Lộc và TP Hà Tĩnh. Tỉnh có chủ trương điều chỉnh lại ruộng đất ở các xã, đồng thời cấp đất chưa sử dụng cho họ, tạo điều kiện để các gia đình TĐC có đất sản xuất lương thực, chăn nuôi, giải quyết nhu cầu nhu yếu phẩm hằng ngày. Các khu TĐC thuộc dự án thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang đất rộng, người ít, hộ TĐC có điều kiện sản xuất nông, lâm nghiệp sau khi đến nơi ở mới. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh còn thực hiện nhiều biện pháp ổn định đời sống cho người bị mất đất như những người hết tuổi lao động, nam hơn 60 tuổi, nữ hơn 55 tuổi khi đến các khu TĐC được cấp mỗi người 15 kg gạo/tháng đến hết đời. Các khoản đóng góp của người nông dân được bãi bỏ, những hộ buôn bán, làm dịch vụ được miễn thuế, phí. Theo nguyện vọng của nhiều người khi đến các khu TĐC, tên làng, tên xóm nơi ở cũ được giữ nguyên. Cộng đồng đồng bào Thiên chúa giáo được xây dựng nhà thờ và hoạt động tín ngưỡng bình thường. Cấp ủy, chính quyền các xã nhiệt tình tiếp nhận người mới định cư, tạo mọi thuận lợi cho bà con hòa nhập cộng đồng. Trong quá trình di dời các hộ dân đến các khu TĐC, tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an giúp bà con vận chuyển tài sản, xây dựng nhà ở mới.
Tuy nhiên, trong những ngày mới đến các khu TĐC đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả; nhưng với sự quan tâm của chính quyền, những điều kiện cần thiết bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người đang từng bước được đáp ứng với trách nhiệm cao của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư.
Theo Nhandan