Thứ tư,  29/03/2023

Về hiện thực trong phim truyện truyền hình chính luận

Phản ánh hiện thực và phản ánh như thế nào đang là một vấn đề cần được phân tích thấu đáo để từ đó trực tiếp góp phần tạo nên bước phát triển mới của văn học - nghệ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật điện ảnh Việt Nam nói riêng. Qua trải nghiệm công việc tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, nhà văn - nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến trình bày một số suy nghĩ của ông về vấn đề này. Hiện thực là cốt lõi trong mọi vấn đề phản ánh của văn học - nghệ thuật. Với phim truyện truyền hình chính luận (tạm coi những phim truyện truyền hình đề cập trực tiếp đến những vấn đề xã hội thuộc dòng phim chính luận để phân biệt với dòng phim giải trí thuần túy), hiện thực được thể hiện dưới nhiều cách nhìn. Có thể là phê phán quyết liệt nhằm vào một số vật cản xã hội, có thể là sự khoan dung bằng phân tích nhiều chiều với những lầm lỗi một thời, có thể chỉ là "lát cắt" nhỏ vào một vài khía cạnh cuộc sống,...

Phản ánh hiện thực và phản ánh như thế nào đang là một vấn đề cần được phân tích thấu đáo để từ đó trực tiếp góp phần tạo nên bước phát triển mới của văn học – nghệ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật điện ảnh Việt Nam nói riêng. Qua trải nghiệm công việc tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, nhà văn – nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến trình bày một số suy nghĩ của ông về vấn đề này.

Hiện thực là cốt lõi trong mọi vấn đề phản ánh của văn học – nghệ thuật. Với phim truyện truyền hình chính luận (tạm coi những phim truyện truyền hình đề cập trực tiếp đến những vấn đề xã hội thuộc dòng phim chính luận để phân biệt với dòng phim giải trí thuần túy), hiện thực được thể hiện dưới nhiều cách nhìn. Có thể là phê phán quyết liệt nhằm vào một số vật cản xã hội, có thể là sự khoan dung bằng phân tích nhiều chiều với những lầm lỗi một thời, có thể chỉ là “lát cắt” nhỏ vào một vài khía cạnh cuộc sống, nhưng đôi khi lại là hành trình xuyên qua cả một chặng thời gian dằng dặc với bao nhiêu biến thiên thời cuộc.

Ngay từ ngày đầu sơ khởi của phim truyện truyền hình, các nhà làm phim đã chú trọng khai thác chất chính luận bằng những phim về đề tài hậu chiến. Giai đoạn này (những năm 80 và đầu 90), phim truyền hình chỉ xuất hiện bằng những tập đơn lẻ, nếu là phim bộ cũng chỉ trên dưới mười tập. Phần lớn các phim đề cập đến mảng hiện thực trải nghiệm chiến tranh, là mảng hiện thực trong giai đoạn tái thiết đất nước. Phải bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước trở đi, khi phim truyện truyền hình có bước phát triển mạnh về loại thể với những phim bộ dài tập thì nội dung của nó được thể hiện khá phong phú, đi vào nhiều lĩnh vực đời sống. Từ đây, bắt đầu hình thành khái niệm phim chính luận, là những tác phẩm đi vào các vấn đề gai góc của cuộc sống. Đặc biệt là các phim tìm tòi những góc khuất, những mảng hiện thực của cả quá khứ lẫn hiện tại từng gây tranh luận (thậm chí là sóng gió) như hợp tác hoá nông nghiệp, khoán hộ ở nông thôn, là những vấn đề nổi cộm ở thành thị trong cả cơ chế điều hành lẫn đời sống con người.

Có thể nói, với những đặc điểm của một đất nước nông nghiệp là chủ yếu, phim truyện về nông thôn chiếm một thời lượng đáng kể và được các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm. Đề tài nông thôn là một đề tài dễ sản xuất về hình thức. Bối cảnh nông thôn Việt Nam bao đời nay gần như nguyên vẹn, vẫn là ruộng đồng bát ngát, là quần tụ những xóm làng, là luỹ tre, ao cá, là đồi chè nương dâu… Con người cũng vậy, vẫn là những người nông dân một nắng hai sương, chân chỉ hạt bột, cày cấy sinh sống trên đất đai cha ông để lại. Tuy nhiên đã có những thay đổi căn bản. Sự phát triển của đất nước kéo theo sự đi lên và tạo ra những thay đổi cả về diện mạo làng quê lẫn phương cách sinh sống của những người nông dân. Thay dần vào nhà tranh mái ngói là sắt thép bê-tông của nhà tầng, là một số thói sống của đô thị len lách vào mỗi ngõ nhỏ, xóm vắng; là sự xâm lấn của thành thị vào nông thôn, thường được gọi bằng những mỹ từ, như “đô thị hóa”. Một nông thôn có thể nói là hỗn độn trong cuộc chuyển mình. Bởi vậy, những vấn đề nông thôn đặc biệt thu hút những sáng tạo nghệ thuật, nhất là điện ảnh và truyền hình. Tuy nhiên, đề tài nông thôn với nội dung phong phú nhiều góc cạnh lại cực kỳ khó khăn trong thể hiện nội dung. Để tạo ra được một tác phẩm đề tài nông thôn hấp dẫn cuốn hút được khán giả là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi đội ngũ tác giả ngoài nhãn quan nghệ thuật phải có một tầm nhìn khái quát sâu rộng và ý thức chính trị, ý thức công dân thường trực bên cạnh tài năng và điều kiện vật chất. Những vấn đề lớn của đất nước thường nằm chính ở nông thôn. Bài học về hợp tác hóa, về khoán hộ, về đất đai trong thời kỳ công nghiệp hóa, trong nền kinh tế thị trường, luôn luôn nóng hổi bất chấp thời gian. Tái hiện bức tranh bộn bề này của hiện thực đời sống xã hội vào tác phẩm là cả một câu chuyện không đơn giản.

Một nguyên tắc cơ bản của sáng tạo nghệ thuật là hư cấu. Hiện thực trong tác phẩm truyền hình chính luận theo tôi là “hiện thực ảo” – hiện thực được tái tạo trên cái nền của sự thật lịch sử được thể hiện qua lăng kính nghệ thuật. Khi viết kịch bản Chuyện làng Nhô – năm 1994, tôi chỉ nghĩ đó là một câu chuyện có thật và cá biệt xảy ra ở một vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Bản thân câu chuyện đã được tiểu thuyết hóa (Kẻ ám sát cánh đồng – Nhà văn Nguyễn Quang Thiều), và đến lượt tôi được kịch bản hóa. Sự hấp dẫn nằm chính ở nét cá biệt của câu chuyện này. . Ở thời điểm ấy, kịch bản tạo ra sự ngần ngại ngay cả trong nội bộ những người làm phim và khi phim ra đời lại tạo nên một số dư luận trái chiều. Thật sự thì, vấn đề của phim đặt ra tương đối mới mẻ dù không mang tính điển hình nhưng vẫn tạo ra hiệu ứng xã hội nhất định. Hiện thực trong phim Chuyện làng Nhô có lẽ là một thí dụ sống động cho thứ hiện thực tái tạo – “hiện thực ảo” trong phim truyện truyền hình chính luận. Ảo, vì đó là hư cấu. Ảo, vì không có một làng Nhô thật trong đời sống nhưng sự lay động của nó lại hoàn toàn có thật vì tác động từ chính cái nền của hiện thực đời sống.

Rõ ràng hiện thực trong phim truyện truyền hình chính luận là hiện thực tái tạo đã được chắt lọc và chiêm nghiệm. Nhưng để nhận được sự cảm thông là không phải đơn giản. Đây chính là một khó khăn không nhỏ cho các tác giả làm phim. Một thí dụ khác, khi phim Đất và người mà tôi là đồng biên kịch đưa trình duyệt gặp nhiều sự e ngại. Đây là kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, một cuốn tiểu thuyết khá nổi tiếng ở vào thời điểm ấy, với những vấn đề lớn của nông thôn. Sự đói nghèo, sự dốt nát ấu trĩ của một bộ phận quyền lực thông qua sự phân hoá thống trị của dòng họ trong đời sống làng xã đã kéo đến những thảm cảnh khôn lường cho làng Giếng Chùa trong tiểu thuyết. Khi làm phim, chúng tôi đã thay đổi cái “phông” nghèo đói ảm đạm ấy bằng một không khí khác, nhưng vẫn lấy vấn đề quyền lực, dòng họ làm căn bản. Sở dĩ có sự thay đổi này là vì sau đổi mới, đời sống nông thôn Việt Nam đã khác trước nhiều, cái đói nghèo không còn là vấn đề trọng yếu nữa. So với tiểu thuyết, phim có nhiều tích cực hơn, nhưng sự e ngại đã khiến phim lâm vào nguy cơ đổ bể. Lúc đó, chúng tôi mạnh dạn nhờ cơ quan chức năng thẩm định kịch bản. Được biết các chuyên viên đọc thẩm định và kết luận kịch bản không đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước dù trong đó có không ít những mảng đời sống mang sắc màu tối. Sau đó Đất và người được đưa vào sản xuất và phát sóng thuận lợi. Đưa ra thí dụ này để thấy sự ủng hộ của cấp thẩm quyền là vô cùng quan trọng, có tác dụng trực tiếp đối với sự ra đời của những tác phẩm chính luận. Một loạt phim sau này như Ma làng, Gió làng Kình, Hương đất, Chạy án, Luật đời… đã được phát sóng trong sự đồng thuận của cơ quan thẩm quyền và nhóm tác giả. Đây đều là những phim có ít nhiều tiếng vang và tác dụng.

Khác với mảng phim nông thôn, những phim khác về thành phố, về xã hội hiện đại lại rất khó trong thể hiện và tổ chức sản xuất. Đô thị hiện đại phát triển hằng ngày, trong khi chúng ta không có phim trường, thì bù lại đây là mảng hiện thực màu mỡ để các nhà làm phim khai thác. Một hiện thực ngổn ngang với bao nhiêu trăn trở nhưng trên thực tế, chúng ta chưa làm được nhiều phim về đề tài này. Đa số các phim chỉ khai thác loanh quanh, theo kiểu trong nhà, ngoài phố. Hạn chế của bối cảnh, của nhận thức, của quan niệm, của điều kiện làm phim đã khiến các phim hoặc khai thác hời hợt hoặc chưa đụng đến được những vấn đề lớn bức thiết của hiện thực xã hội. Có thể thấy, hiện thực trong dòng phim chính luận đa phần đều lấy cái nền “hiện thực lịch sử” đã có độ lùi thời gian, nói cách khác là đã được lịch sử kiểm chứng để tạo dựng hiện thực nghệ thuật. Ở mảng phim thành thị, điều này là rõ nhất. Ngõ lỗ thủng có độ lùi thời gian trở lại hiện thực thời bao cấp. Trong Luật đời là một thời kỳ dài vắt qua nhiều thế hệ. Khác với nông thôn, ở thành thị có nhiều biến chuyển và tác động trực tiếp đến cuộc sống. Mảng phim về thành thị hạn chế nhiều so với mảng phim nông thôn chính ở đặc điểm này. Các tác giả khó tiếp cận với những vấn đề lớn của xã hội, dù có nhiều điều bức xúc cần được giải quyết, thế nên dù có khá nhiều phim về đề tài rộng lớn này, nhưng rất ít phim tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả. Lý giải điều này theo tôi có nhiều lý do. Đội ngũ sáng tác chưa thật sự đủ cả tài năng lẫn tri thức để tạo ra được những tác phẩm đủ tầm. Điều kiện sản xuất chưa đủ cả về kinh phí lẫn phương tiện và trình độ kỹ thuật.

Còn có thể dễ nhận thấy đang có rất nhiều “vùng trống” của hiện thực cần được đưa vào tác phẩm. Như phim về tài chiến tranh đang dần vắng bóng. Quá khứ oanh liệt của dân tộc qua những cuộc chiến tranh giữ nước cần phải được gìn giữ không để mai một và không có cách gìn giữ nào tốt hơn, trân trọng hơn là tái tạo nó thông qua những tác phẩm nghệ thuật, nhất là điện ảnh và truyền hình. Rồi phim về thiếu nhi và giáo dục cũng rất ít, đó là chưa kể đến dòng phim lịch sử ngợi ca vẻ đẹp của con người, làng quê, đất nước lâu nay ít được chú ý. Nhân nói đến dòng phim này, tôi muốn nhấn mạnh đến cố gắng của tập thể Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam đã chủ động sản xuất phim Bí thư tỉnh ủy, lấy hình bóng nguyên mẫu nhân vật lịch sử Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, người có công khai sinh ra khoán hộ – tiền đề dẫn đến khoán 10, làm thay đổi nông thôn Việt Nam.
Theo Nhandan