Hòa Bình giúp các gia đình chính sách xóa đói, giảm nghèo
27/07/2010 08:40
Tỉnh Hòa Bình có gần 17 nghìn hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách và người có công (gọi chung là gia đình chính sách). Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng cùng với sự nỗ lực của bản thân, những gia đình chính sách ở tỉnh này vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.Đến nay, tỉnh Hòa Bình cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm cho các gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên và an toàn về nhà ở.Năm 1986, sau khi học xong lớp 12 bậc THPT, anh Đinh Gia Tải tạm biệt quê hương xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy lên đường nhập ngũ và được biên chế vào một đơn vị chủ lực có nhiệm vụ bảo vệ các tuyến biên cương của Tổ quốc. Trong một lần làm nhiệm vụ anh bị thương khá nặng (hạng 1/4) phải đưa về tuyến sau điều trị. Được người thân trong gia đình động viên nên năm 1988, anh Tải quyết định xin về điều dưỡng tại gia đình. Cảm mến người...
Tỉnh Hòa Bình có gần 17 nghìn hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách và người có công (gọi chung là gia đình chính sách). Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng cùng với sự nỗ lực của bản thân, những gia đình chính sách ở tỉnh này vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Đến nay, tỉnh Hòa Bình cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm cho các gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên và an toàn về nhà ở.
Năm 1986, sau khi học xong lớp 12 bậc THPT, anh Đinh Gia Tải tạm biệt quê hương xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy lên đường nhập ngũ và được biên chế vào một đơn vị chủ lực có nhiệm vụ bảo vệ các tuyến biên cương của Tổ quốc. Trong một lần làm nhiệm vụ anh bị thương khá nặng (hạng 1/4) phải đưa về tuyến sau điều trị. Được người thân trong gia đình động viên nên năm 1988, anh Tải quyết định xin về điều dưỡng tại gia đình. Cảm mến người thương binh trẻ mới về làng, cô thôn nữ Nguyễn Thị Hoa đã đem lòng yêu anh. Một năm sau họ làm lễ cưới thật giản dị nhưng ấm áp nghĩa tình. Những ngày đầu tạo dựng cuộc sống gia đình, anh Tải tham gia hợp tác xã (HTX) thương binh huyện Yên Thủy, được ưu tiên vay vốn để mở một quầy bán tạp hóa nhỏ. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn nhưng anh chị vẫn cần mẫn lao động, góp nhặt từng đồng tiền lãi nhỏ nhoi để gây dựng “cơ nghiệp”. Sau một thời gian mở quán có chút lưng vốn, vợ chồng anh xây chuồng nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Cả khu vườn rộng khoảng 3.000 m2, anh chị trồng khoai lang làm thức ăn cho lợn. Số tiền lãi thu được từ quán hàng dùng để mua cám coi như “bỏ ống tiết kiệm”. Anh chị gây được bốn con lợn nái để lấy giống nuôi theo vòng “khép kín”. Trong chuồng của anh bao giờ cũng có từ 30 đến 40 con lợn thịt cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Qua hơn 20 năm bền bỉ lao động, đến nay gia đình anh Tải đã có cơ sở sản xuất kinh doanh trị giá nửa tỷ đồng bao gồm một xưởng làm gạch ép không nung, sản xuất 400 nghìn viên/năm; hai máy xay xát; một đàn lợn hơn 30 con lợn thịt và lợn nái. Năm 2004, anh Đinh Gia Tải được Đảng bộ xã Yên Lạc bồi dưỡng kết nạp Đảng. Hiện, anh là Bí thư chi bộ, Chủ tịch công đoàn cơ sở của HTX thương binh huyện Yên Thủy. HTX có gần 60 thành viên đều là thương binh, sản xuất kinh doanh đa ngành từ chăn nuôi, vận tải đến cho thuê bến bãi, cho nên bảo đảm đủ việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động khoảng hai triệu đồng/ người/tháng.
Những ngày ở Hòa Bình, chúng tôi còn gặp nhiều gia đình chính sách đã vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Đó là thương binh hạng 4/4 Nguyễn Viết Nga (64 tuổi đời và 40 năm tuổi Đảng) ở thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc đang “sở hữu” gần một ha đồi rừng keo và cây ăn quả cùng Công ty TNHH Hùng Nga tạo việc làm cho 10 lao động là con của các cựu chiến binh trong khu vực. Mới đây, ông Nga còn đầu tư hơn 100 triệu đồng để nuôi nhím. Các con của ông bà đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung học nghề và có việc làm ổn định, trong đó có hai người là đảng viên. Sẽ là thiếu sót nếu không đến với gia đình có hai bố con đều là thương binh ở xã Đông Lai, huyện Tân Lạc. Đó là bác Vũ Quang Duy (79 tuổi, thương binh hạng 3/4) và con trai là Vũ Hữu Chính (52 tuổi, thương binh hạng 3/4). Được chính quyền xã ưu tiên cấp đất ở ven đường lớn, gia đình bác mở quầy bán tạp hóa, làm dịch vụ xay xát và chăn nuôi. Trong chuồng thường xuyên có từ 20 đến 30 con lợn thịt. Hằng năm xuất chuồng khoảng vài, ba tấn (có năm cao nhất lên tới năm tấn) thịt lợn hơi, thu lãi 40 đến 50 triệu đồng. Theo anh Chính, mức trợ cấp thương tật của hai cha con gần 3 triệu đồng/tháng cũng đủ chi tiêu trong gia đình, còn tiền lãi thu được từ làm dịch vụ, chăn nuôi chủ yếu để tích lũy, làm vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do vậy chỉ sau gần mười năm “xoay trần” với công việc, đến nay hai cha con người thương binh này đã có trong tay một cơ ngơi trị giá gần một tỷ đồng. Bác Vũ Quang Duy còn là đảng viên có tuổi đảng cao nhất (44 năm tuổi đảng) ở Đảng bộ xã Đông Lai, luôn được mọi người tin yêu, quý trọng.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB – XH) tỉnh Hòa Bình Nguyễn Đức Cường, tỉnh có gần 17 nghìn hộ gia đình chính sách, với khoảng 21 nghìn người chiếm hơn 2,7% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và giúp đỡ của cộng đồng cùng với nỗ lực của bản thân, những gia đình chính sách ở Hòa Bình đã vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Đến nay, tỉnh Hòa Bình cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm cho các gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên và an toàn về nhà ở. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, các địa phương trong tỉnh đều ưu tiên cấp đất rừng thuộc loại tốt, đất thổ cư ven đường lớn hoặc ở khu vực trung tâm thuận tiện cho các gia đình chính sách phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Nhờ đó có rất nhiều gia đình chính sách đang vươn lên khá, giàu. Ngành LĐ – TB và XH Hòa Bình còn luôn quan tâm giải quyết kịp thời chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các con gia đình chính sách khi đi học văn hóa hoặc học nghề, coi đây là giải pháp giúp gia đình chính sách xóa đói, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, chỉ trong ba năm (2007 – 2010) đã giải quyết chế độ hơn 2.800 lượt con gia đình chính sách đi học với tổng số tiền gần mười tỷ đồng. Là tỉnh nghèo nên Hòa Bình rất coi trọng việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, lồng ghép phong trào này với các Chương trình 135, 134 huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng chăm lo cho các gia đình chính sách; trong đó đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn. Kết quả, trong ba năm, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa, nâng cấp gần 600 Nhà tình nghĩa; tặng gần 1.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa; sửa chữa nghĩa trang, nhà bia ghi danh liệt sĩ với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng đều do các lực lượng trong xã hội tự nguyện đóng góp. Bên cạnh đó, bà con trong thôn bản còn giúp đỡ hàng trăm nghìn ngày công, hàng chục nghìn con giống để các gia đình chính sách khó khăn có thêm điều kiện sản xuất. Tuy là huyện nhỏ mới thành lập nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Cao Phong đã xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa được gần 700 triệu đồng. Theo đó tất cả các đối tượng chính sách ở huyện đều được tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ tiền để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, được khám và cấp thuốc chữa bệnh miễn phí. Phong trào đền ơn đáp nghĩa ở Cao Phong được mọi lực lượng xã hội trên địa bàn tham gia với nhiều cách làm thiết thực.
Theo Trưởng phòng LĐ – TB và XH huyện Cao Phong Đinh Quang Duẩn, ở cấp xã hiện vẫn chưa có cán bộ chuyên trách cho nên việc chăm lo cho các gia đình chính sách còn có những hạn chế nhất định. Nhất là ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, năng lực cán bộ có hạn phải kiêm nhiệm nhiều việc cho nên hiệu quả công tác chưa cao, trong đó có nhiệm vụ chăm lo cho các gia đình chính sách. Thực tế này cho thấy, việc bổ sung cho cấp cơ sở một cán bộ chuyên trách về LĐ – TB và XH là rất cần thiết để các hoạt động trên lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Nhandan