Nhiều người "tiền mất, tật mang" do đo thị lực sai số
28/07/2010 08:39
Cận thị, viễn thị và loạn thị là 3 tật liên quan đến khúc xạ ở mắt, nhiều người mắc phải. Đi đo thị lực và sắm cho mình chiếc kính thuốc là biện pháp mà phần đông những người bị tật về mắt lựa chọn. Tuy nhiên, do quy trình, kỹ thuật đo thị lực ở nhiều cơ sở kính thuốc không đảm bảo chất lượng nên không ít người sau khi khám mắt “tiền mất, tật mang”.
Hơn 1 năm qua, anh Nguyễn Trường Giang ở thôn Hồng Phong, xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đưa con trai đi khám mắt nhiều lần tại 3 bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến Trung ương. Cùng kết luận con anh bị loạn thị nhưng 3 bệnh viện nơi anh Giang đưa con đến khám lại có những kết quả đo thị lực khác nhau, mặc dù trước khi vào khám mắt, con anh được nghỉ ngơi 30 phút trong phòng yên tĩnh theo đúng khuyến cáo.
Anh Nguyễn Trường Giang cho biết: “Tôi cho cháu đi khám tại bệnh viện Tiền Hải thì mắt phải của cháu là 9/10, mắt trái là 1/10. Khi lên bệnh viện đa khoa Thái Bình thì mắt phải là 10/10, mắt trái là 2/10. Nhưng lên đến bệnh viện Mắt Trung ương thì mắt phải là 9/10, mắt trái là 2/10. Tất cả chỉ dẫn được thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sỹ, hiện tại cháu đang đeo kính là do bác sỹ bệnh viện mắt Trung ương cho số đo”
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thì việc một người có nhiều kết quả đo thị lực khác nhau còn do chất lượng máy đo không đảm bảo.
Mới đây Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Đo lường Việt Nam kiểm tra tại 3 cửa hàng kính thuốc trên phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phát hiện 9/10 máy đo thị lực có sai số vượt quá 4 lần tiêu chuẩn cho phép.
Ông Trần Văn Vinh nói: “Máy đo thị lực cho phép sai số cộng trừ 0,25 đi-ốp. Và khi kiểm tra phát hiện nó sai cộng trừ 1 đi-ốp. Máy đo này chỉ là để đo áng chừng thôi, sau đó bác sỹ yêu cầu bệnh nhân đứng ở một khoảng xa nhất định để đọc chữ, sau đó mới xác định độ cận thị, viễn thị là bao nhiêu, chứ không phải là dựa vào máy mà kết luận mắt bị cận thị hay viễn thị ngay.”
Do máy đo thị lực không thể cho kết quả chính xác nên việc kết luận độ khúc xạ của người bị cận, viễn hay loạn thị còn phụ thuộc vào các bước kiểm tra của bác sỹ. Chính vì vậy mà một trong những quy định bắt buộc để cấp phép cho các cơ sở kính thuốc tư nhân là phải có một bác sỹ chuyên khoa mắt. Tuy nhiên, không ít cơ sở lách luật bằng cách: thuê một bác sỹ đứng tên trong giấy phép hành nghề, sau đó “làm tất, ăn cả”.
Vấn đề là ở chỗ: do không có chuyên môn nên việc đo và kiểm tra thị lực ở những cơ sở kiểu này dựa hoàn toàn vào máy đo thị lực. Hậu quả là nhiều người không bị tật về mắt cũng phải đeo kính thuốc hoặc có tật về mắt nhưng phải đeo kính sai số.
Để giải quyết những bất cập xung quanh việc xác định độ khúc xạ của mắt, đòi hỏi cơ quan quản lý thị trường thu hồi và xử lý những cơ sở cố tình sử dụng máy đo thị lực có sai số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; đồng thời ngành y tế chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ sở y tế, nhất là những cơ sở hành nghề y tư nhân