Thứ bảy,  25/03/2023

Bạc Liêu giúp dân thoát nghèo

Bằng nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo, những năm qua, các cấp, ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân ở thị xã Bạc Liêu đã cùng chung tay giúp hàng nghìn hộ dân ở đây thoát nghèo, trong đó chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay đã có hàng trăm hộ dân vươn lên khá giả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 3%.Mô hình HTX nuôi nghêu Bí thư Thị ủy Bạc Liêu Dương Thành Trung cho chúng tôi biết: Nhằm giúp bà con, đặc biệt là những hộ Khmer nghèo ven biển có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, trong thời gian qua, thị xã đã thành lập HTX chuyên nuôi nghêu Thắng Lợi. Có thể nói, đây là mô hình hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất đáng khích lệ, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhiều hộ Khmer nơi đây. HTX hiện thu hút hơn 1.800 hộ Khmer, hầu hết là các hộ nghèo tại các xã, phường ven biển của thị...
Bằng nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo, những năm qua, các cấp, ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân ở thị xã Bạc Liêu đã cùng chung tay giúp hàng nghìn hộ dân ở đây thoát nghèo, trong đó chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay đã có hàng trăm hộ dân vươn lên khá giả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 3%.
Mô hình HTX nuôi nghêu

Bí thư Thị ủy Bạc Liêu Dương Thành Trung cho chúng tôi biết: Nhằm giúp bà con, đặc biệt là những hộ Khmer nghèo ven biển có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, trong thời gian qua, thị xã đã thành lập HTX chuyên nuôi nghêu Thắng Lợi. Có thể nói, đây là mô hình hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất đáng khích lệ, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhiều hộ Khmer nơi đây. HTX hiện thu hút hơn 1.800 hộ Khmer, hầu hết là các hộ nghèo tại các xã, phường ven biển của thị xã; trong đó, hơn 900 hộ Khmer nghèo, nhiều hộ không có nhà, ăn ở rất tạm bợ. Đây là những hộ Khmer từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đến sống ở ven biển của thị xã từ nhiều năm nay. Họ được xếp vào diện “bốn không”: Không nhà, không đất sản xuất, không hộ khẩu, con cái không học hành. Từ nhiều năm nay, bà con không có hộ khẩu nên chính quyền địa phương không thể cất nhà theo Chương trình 135, 134 (vì theo quy định những hộ được cất nhà thuộc chương trình này phải có hộ khẩu tại địa phương).

Trước tình hình đó, Thị ủy, UBND thị xã tiến hành quy hoạch khu đất ven biển, với diện tích hơn 90 ha để xây dựng thành khu dân cư, dựng nhà giúp những hộ Khmer không đất sản xuất, không nhà đến ở, mỗi căn nhà trị giá 45 đến 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, thị xã quan tâm chỉ đạo củng cố HTX Thắng Lợi đầu tư vốn, hỗ trợ kỹ thuật, phương tiện… giúp bà con nuôi nghêu hiệu quả.

Ông Lâm Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm HTX nuôi nghêu Thắng Lợi cho biết: “HTX được củng cố và chính thức đi vào hoạt động năm 2008. Ban đầu chỉ có 24 triệu đồng vốn, với hơn 150 xã viên. Sau hơn hai năm hoạt động, đến nay, HTX có vốn điều lệ hơn năm tỷ đồng, thu hút hơn 1.800 hộ dân tộc Khmer tham gia. Một trong những thành công nổi bật của HTX là không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp hàng trăm hộ Khmer ven biển xóa đói nghèo, nhất là góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên biển. Với diện tích khoanh nuôi nghêu gần 200 ha, từ năm 2008 đến nay, HTX đã tạo công ăn việc làm khá ổn định cho hơn 1.800 hộ xã viên, với thu nhập bình quân từ 50 nghìn đến 70 nghìn đồng/ngày. Bà con Khmer trong HTX rất an tâm, phấn khởi. Có được thu nhập ổn định và cuộc sống như hôm nay, Ban Chủ nhiệm và mỗi hộ xã viên HTX chúng tôi rất mừng, rất biết ơn cấp ủy, chính quyền địa phương…”.

Đỡ đầu hộ nghèo

Không chỉ quan tâm bà con Khmer ở các xã, phường ven biển, trong mấy năm qua, thị xã Bạc Liêu còn giúp nhiều hộ nghèo bằng những việc làm rất có ý nghĩa, được người dân khen ngợi. Điển hình như việc Thị ủy phân công cán bộ, đảng viên và vận động các doanh nghiệp trên địa bàn trực tiếp nhận “đỡ đầu” hộ nghèo, bằng cách giúp vốn, giúp phương tiện và kinh nghiệm làm ăn với phương châm “giúp cần câu và cả mồi câu”. Cách làm này năm năm qua đạt kết quả rất đáng mừng, làm cho cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp có trách nhiệm cao hơn đối với xã hội, cộng đồng, giúp đỡ hộ nghèo, tạo hình ảnh tốt đẹp, niềm tin yêu của người dân đối với Đảng, Nhà nước.

Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, thị xã Bạc Liêu đã có 853 cán bộ, đảng viên và 55 doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhận “đỡ đầu” 908 hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ là người dân tộc Khmer. Để cuộc vận động đạt kết quả cao, thị xã đã vận động, khuyến khích, biểu dương kịp thời cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp tiền mua sắm phương tiện sản xuất cho hộ nghèo, như: xe gắn máy (chạy đưa rước khách), xe bán nước mía, xe bán trái cây, thực phẩm, xuồng, máy nổ, khoan giếng nước, xây dựng chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ con giống, cây giống; ngoài ra, còn giúp vốn lưu động từ 3,5 đến 7 triệu đồng/hộ. Ngoài việc giúp tiền, kinh nghiệm làm ăn, các doanh nghiệp còn tiếp nhận lao động của các hộ nghèo vào làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; thu mua các sản phẩm của hộ nghèo làm ra… Bằng cách làm này, hơn hai năm qua, thị xã đã giúp gần 900 hộ nghèo có điều kiện làm ăn để thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Chị Thạch Thị Năm, người Khmer, ở ấp Giồng Giữa A (xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu), là một trong nhiều người nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các doanh nghiệp, từ một hộ nghèo nhất của xã, nay đã vươn lên có cuộc sống khá giả. Tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới sửa chữa khá khang trang, chị Thạch Thị Năm xúc động nói: “Gia đình tôi được thị xã hỗ trợ một chiếc xe bán nước mía và tiền mặt, trị giá 6,3 triệu đồng. Nhờ phương tiện này, gia đình tôi và nhiều hộ Khmer nghèo ở xã giờ không còn nghèo khó nữa…”.

Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay, thị xã Bạc Liêu có chính sánh ưu đãi và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là xây dựng nhà ở giá rẻ dành cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. Ở thị xã, hiện có Công ty CP đầu tư xây dựng Thiên Long đầu tư vốn xây dựng dự án khu dân cư có quy mô 43 ha tại khóm 3 và 4, phường 5, thị xã Bạc Liêu. Bước đầu, Công ty Xây dựng 218 căn nhà bán trả góp cho hộ nghèo, mỗi căn trị giá 180 triệu đồng (gồm tiền đất và tiền xây dựng nhà cấp 4). Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc công ty khẳng định: “218 căn nhà đã bán cho hộ nghèo với giá như trên, chúng tôi lãi không nhiều, nhưng vui vì đã góp phần giúp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo…”.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân, từ năm 2005 đến nay, thị xã Bạc Liêu đã xóa được hơn 1.500 hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ Khmer… Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thị xã chỉ còn hơn 3%. Mục tiêu của Thị ủy, UBND thị xã Bạc Liêu đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2010 đưa thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, quan tâm giúp đỡ hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%, để niềm vui thật sự về với mọi nhà…
Theo Nhandan