Huyện Ba Bể khắc phục hậu quả lũ quét
02/08/2010 14:12
Rạng sáng 31-7, trên địa bàn xã huyện Ba Bể bất ngờ xảy ra một trận mưa lớn, tạo lũ quét với cường độ mạnh gây thiệt hại lớn đối với sản xuất và đời sống của nhân dân hai xã Mỹ Phương và Chu Hương...Đồng chí Sầm Văn Kinh, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch xã Mỹ Phương cho biết, từ một giờ sáng 31-7, trên địa bàn xã bất ngờ xảy ra một trận mưa rất lớn, kéo dài năm tiếng đồng hồ, gây lũ quét với cường độ rất mạnh trên các dòng suối Khuổi Siến và Nà Ngàn. Lũ quét tràn qua, vùi lấp cánh đồng lúa mùa mới cấy của xã Mỹ Phương và Chu Hương.Bà Nguyễn Thị Thu, 75 tuổi có nhà ở gần suối Chu Hương, thôn Pù Mắt, xã Chu Hương kể: "Nước suối lên rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn nước đã dâng cao ngập tường nhà tôi hơn một mét. Dòng nước đỏ quạch, kéo theo bùn đất, rác rưởi, cây que, có cả những cây cổ thụ lớn cũng bị cuốn trôi. Cả gia đình không ai kịp chạy, tôi phải đứng trên giường, hai tay...
Rạng sáng 31-7, trên địa bàn xã huyện Ba Bể bất ngờ xảy ra một trận mưa lớn, tạo lũ quét với cường độ mạnh gây thiệt hại lớn đối với sản xuất và đời sống của nhân dân hai xã Mỹ Phương và Chu Hương…
Đồng chí Sầm Văn Kinh, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch xã Mỹ Phương cho biết, từ một giờ sáng 31-7, trên địa bàn xã bất ngờ xảy ra một trận mưa rất lớn, kéo dài năm tiếng đồng hồ, gây lũ quét với cường độ rất mạnh trên các dòng suối Khuổi Siến và Nà Ngàn. Lũ quét tràn qua, vùi lấp cánh đồng lúa mùa mới cấy của xã Mỹ Phương và Chu Hương.
Bà Nguyễn Thị Thu, 75 tuổi có nhà ở gần suối Chu Hương, thôn Pù Mắt, xã Chu Hương kể: “Nước suối lên rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn nước đã dâng cao ngập tường nhà tôi hơn một mét. Dòng nước đỏ quạch, kéo theo bùn đất, rác rưởi, cây que, có cả những cây cổ thụ lớn cũng bị cuốn trôi. Cả gia đình không ai kịp chạy, tôi phải đứng trên giường, hai tay bám vào cửa sổ nhà”. “Đây là trận lũ quét lớn nhất từ năm 1960 trở lại đây”- bà Thu cho biết thêm. Rất may là phía trên nhà bà Thu có vài bụi tre, nếu không nhà bà đã bị lũ cuốn đi.
Trận mưa lũ này đã gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất và đời sống của nhân dân. Hai xã Chu Hương và Mỹ Phương có 10 gia đình bị sạt lở, ngập nước, tài sản bị lũ cuốn trôi. Cơ sở sản xuất miến Nhất Thiện của anh Nguyễn Văn Thiện ở thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương bị lũ cuốn trôi 10 tấn bột miến, 500 phên phơi miến, sáu xe cải tiến, một số đồ dùng gia đình, ước thiệt hại 130 triệu đồng. Gia đình anh Triệu Thành Quảng ở thôn Thạch Ngõa 2 bị lũ cuốn đi tám con lợn, giường, tủ và toàn bộ lương thực, đồ dùng gia đình. Cơ sở chế biến gỗ của anh Hoàng Văn Tinh ở thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương bị trôi toàn bộ gỗ và dụng cụ làm mộc. Cơ ngơi mới tạo dựng của cặp vợ chồng trẻ Hoàng Văn Tuệ ở thôn Nà Phầy, xã Mỹ Phương bị trôi toàn bộ, anh Tuệ trở nên trắng tay.
Tuyến đường 258 từ thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) vào huyện Ba Bể đang thi công nâng cấp bị lở, gây tắc đường nhiều đoạn. Đường dây điện hạ thế 0,4 KV chạy dọc tuyến đường 258 có 14 cây cột điện bị đổ, làm mất điện toàn bộ xã Mỹ Phương. Thông tin liên lạc từ xã Mỹ Phương ra bên ngoài bị cắt đứt.
Đồng chí Sầm Văn Kinh nói: Xã chúng tôi có 271 ha lúa mùa vừa cấy xong một, hai hôm nay. Trận lũ này làm cho 70% diện tích bị ảnh hưởng, trong đó toàn bộ diện tích lúa mới cấy ở ven hai con suối bị vùi lấp hoàn toàn, đất cát bồi lấp sâu 20 cm đến 70 cm nên không có khả năng khắc phục để canh tác. Chủ tịch UBND xã Chu Hương, Hoàng Văn Danh cho hay: Mặc dù trên địa bàn xã mưa không lớn, nhưng lũ quét dọc hai con suối trên Mỹ Phương đổ về cũng gây lũ quét với cường độ mạnh cho xã chúng tôi. Chu Hương có 222 ha lúa mới cấy thì bị ảnh hưởng đến 80%, trong đó có khoảng 30% diện tích bị “xóa sổ”. Đặc biệt là cánh đồng Chu Hương tập trung toàn bộ đất canh tác của toàn xã, trận lũ quét lịch sử này đã hình thành một dòng suối mới chạy dọc cánh đồng phá hủy hàng chục ha đất ruộng của nhân dân. Bên cạnh đó, lũ còn cuốn trôi năm công trình thủy lợi trên địa bàn.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bắc Cạn và huyện Ba Bể đã cử đoàn cán bộ về hai xã Chu Hương và Mỹ Phương thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm giảm thiệt hại thấp nhất đối với sản xuất và đời sống. Phát huy tinh thần bốn tại chỗ, hai xã Mỹ Phương và Chu Hương đã chỉ đạo thanh niên, dân quân đến các gia đình bị sạt lở, ngập nước di chuyển tài sản, đào bới đất đá sạt lở để tìm kiếm tài sản, lương thực bị vùi lấp, sửa chữa lại nhà cửa. Xã Chu Hương đã trích ngân sách dự phòng hỗ trợ năm trăm nghìn đồng/hộ bị thiệt hại nặng. Đến chiều ngày 31-7, cuộc sống của các hộ bị thiệt hại đã cơ bản ổn định trở lại. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất đối với diện tích lúa bị vùi lấp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, vì nông dân không còn mạ, lịch thời vụ đã hết, bây giờ mới gieo mạ thì quá muộn so với thời vụ nên khả năng sẽ không có thu hoạch. Vì vậy, tỉnh Bắc Cạn đang xem xét để hỗ trợ loại giống cây trồng phù hợp cho nông dân khôi phục sản xuất, tránh thiếu đói vào cuối năm.
Trưa ngày 31-7, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bắc Cạn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền huyện Ba Bể đã tổ chức một cuộc họp tại trụ sở xã Chu Hương để bàn biện pháp khắc phục hậu quả lũ quét. Thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh chỉ đạo hai xã thống kê đầy đủ thiệt hại đối với sản xuất và đời sống của nhân dân, vận động nông dân khẩn trương xuống đồng để vuốt lại diện tích lúa bị lũ đi qua; san gạt diện tích bị đất đá vùi lấp để canh tác trở lại, thống kê cụ thể diện tích phải cấy lại, cấy giống gì, số lượng bao nhiêu để tỉnh có biện pháp hỗ trợ về giống giúp nhân dân khôi phục sản xuất. Đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo huyện Ba Bể khắc phục ngay các công trình thủy lợi bị lũ cuốn trôi, vùi lấp để không gây khó khăn cho sản xuất; sửa chữa để cấp điện trở lại cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo Nhandan