Thứ năm,  30/03/2023

BHXH Lạng Sơn với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

LSO-Phát huy những kết quả đã đạt được sau 10 năm hoạt động của BHYT tỉnh, khi sáp nhập BHYT vào BHXH, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, số thu BHYT luôn đạt và vượt chỉ tiêu với số đối tượng tham gia ngày càng tăng và mở rộng đến người dân ở mọi thành phần kinh tế, mọi lứa tuổi. Đặc biệt là từ khi thực hiện Luật BHYT với việc quy định thực hiện BHYT bắt buộc theo lộ trình từ nay đến năm 2014 đối với các nhóm đối tượng, một số nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT… đã góp phần đẩy nhanh diện “phủ sóng” BHYT. Đến hết tháng 6/2010, Lạng Sơn đã có trên 570.000 người có thẻ BHYT, chiếm khoảng 76% dân số của toàn tỉnh. Từ thực tiễn, có thể thấy việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT tiến tới BHYT toàn dân theo qui định của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 là không khó, bởi ngoài các đối tượng làm công ăn lương, thực hiện nghĩa vụ đóng 1/3 và người...

LSO-Phát huy những kết quả đã đạt được sau 10 năm hoạt động của BHYT tỉnh, khi sáp nhập BHYT vào BHXH, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, số thu BHYT luôn đạt và vượt chỉ tiêu với số đối tượng tham gia ngày càng tăng và mở rộng đến người dân ở mọi thành phần kinh tế, mọi lứa tuổi.
Đặc biệt là từ khi thực hiện Luật BHYT với việc quy định thực hiện BHYT bắt buộc theo lộ trình từ nay đến năm 2014 đối với các nhóm đối tượng, một số nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT… đã góp phần đẩy nhanh diện “phủ sóng” BHYT. Đến hết tháng 6/2010, Lạng Sơn đã có trên 570.000 người có thẻ BHYT, chiếm khoảng 76% dân số của toàn tỉnh.
Từ thực tiễn, có thể thấy việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT tiến tới BHYT toàn dân theo qui định của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 là không khó, bởi ngoài các đối tượng làm công ăn lương, thực hiện nghĩa vụ đóng 1/3 và người sử dụng lao động đóng 2/3 phí BHYT, thì các nhóm đối tượng khác (chiếm số đông, như: trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo…) đã được Nhà nước đóng toàn bộ phí BHYT, ngoài ra các đối tượng khác như học sinh, sinh viên, người cận nghèo,… cũng được Nhà nước hỗ trợ từ 30% đến 50% mức phí BHYT theo qui định. Như vậy, xét về mặt nghĩa vụ thì nhóm người cận nghèo và học sinh, sinh viên cũng có đủ khả năng đóng phí BHYT phần còn lại.
Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong suốt quá trình triển khai chính sách BHYT từ những ngày đầu tiên cho đến nay, mặc dù đã có Luật BHYT, là chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho người dân chưa thực sự tin vào giá trị kinh tế của tấm thẻ BHYT, chưa thực sự có động lực tự giác tham gia với tinh thần nhân văn, nhân đạo của BHYT.
Khoa thận nhân tạo- một khoa kỹ thuật cao của BVĐK đã mang lại niềm tin cho người tham gia BHYT – Ảnh: MH
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ta có 274 cơ sở y tế KCB BHYT gồm 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 43 bệnh viện tuyến huyện và tương đương và 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó mới chỉ có duy nhất 1 phòng khám tư nhân. Hầu hết các cơ sở y tế đều chật chội, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác KCB còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu trong khám bệnh, chẩn đoán và điều trị; số người đi khám, chữa bệnh tăng tỷ lệ thuận với số người tham gia BHYT, trong khi thực trạng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đã dẫn đến cảnh bệnh nhân phải nằm ghép, tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế ở đôi lúc, đôi nơi còn thiếu chu đáo; người có thẻ BHYT nhiều khi còn phải chi thêm các khoản chi phí ngoài luồng… đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến trên, những bất cập, tồn tại trên rất phổ biến và không biết đến bao giờ mới khắc phục được, cũng là những áp lực với người bệnh và làm cho nhiều người không mặn mà với tấm thẻ BHYT. Nhiều người nhận định rằng, nếu Nhà nước không bắt buộc, hoặc Nhà nước không hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT thì họ chưa tham gia BHYT một cách tự giác, và nguyên nhân chính của tình trạng ấy là do chất lượng dịch vụ y tế mà họ nhận được.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là muốn thực hiện thành công chính sách BHYT, đem đến cho người dân những quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng như cam kết thông qua tấm thẻ BHYT, để tự bản thân họ nhận thức được giá trị, ý nghĩa nhân văn, tính cộng đồng, tính kinh tế của chính sách BHYT, mà không cần phải tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục nhiều, họ vẫn tìm đến để tham gia, thì trước hết, chất lượng dịch vụ y tế phải đặt lên hàng đầu. Không có biện pháp nào tuyên truyền hiệu quả bằng tự bản thân người dân thông tin cho nhau những đánh giá, nhận xét về chất lượng dịch vụ y tế mà chính bản thân họ đã mắt thấy, tai nghe. Đây cũng là điều hiển nhiên đối với các dịch vụ thuộc bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội.
Bênh cạnh đó, cần tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển. Trong một địa bàn mà song song có cả y tế tư nhân và y tế Nhà nước, sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh về chất lượng dịch vụ y tế. Người dân có nhiều lựa chọn để tiếp cận với dịch vụ mà ở đó họ yên tâm, tin tưởng, “phó thác tính mệnh của mình” cho thầy thuốc. Trong điều kiện hiện nay, khi ngân sách Nhà nước chưa đủ để đầu tư, mở rộng, xây dựng thêm nhiều bệnh viện để đáp ứng cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, thì với điều kiện hiện có, chỉ mong sao các cơ sở y tế Nhà nước thường xuyên làm tốt công tác giáo dục tinh thần thái độ phục vụ, khắc phục những yếu kém, tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, vì mục tiêu” “chất lượng và sự hài lòng của người bệnh”, tạo động lực cho sự phát triển của BHYT, tiến tới BHYT toàn dân..

Đặng Minh Dũng