LSO-Vào khoảng những năm 2006, 2007, Hữu Lũng gặp nhiều khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số lớp dạy nghề được mở ra ít ỏi, có lớp phải giải tán vì học viên đồng loạt bỏ giữa chừng. Nhưng giờ đây, với việc đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề trong nhân dân và việc đưa vào hoạt động Trung tâm dạy nghề của huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hữu Lũng đã có nhiều tín hiệu vui.Trong năm 2009, 50 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 1.442 học viên tham gia đã được mở tại huyện Hữu Lũng (bao gồm cả 17 lớp do Trường trung cấp cơ điện nông-lâm Đông Bắc và 6 lớp do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn mở). Sáu tháng đầu năm 2010, huyện cũng đã tổ chức được 14 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 378 người theo học. Ông Lã Hữu Việt, Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Hữu Lũng cho biết: Nếu so với khoảng thời gian đầu khi mới triển khai chương trình đào...
LSO-Vào khoảng những năm 2006, 2007, Hữu Lũng gặp nhiều khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số lớp dạy nghề được mở ra ít ỏi, có lớp phải giải tán vì học viên đồng loạt bỏ giữa chừng. Nhưng giờ đây, với việc đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề trong nhân dân và việc đưa vào hoạt động Trung tâm dạy nghề của huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hữu Lũng đã có nhiều tín hiệu vui.
Trong năm 2009, 50 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 1.442 học viên tham gia đã được mở tại huyện Hữu Lũng (bao gồm cả 17 lớp do Trường trung cấp cơ điện nông-lâm Đông Bắc và 6 lớp do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn mở). Sáu tháng đầu năm 2010, huyện cũng đã tổ chức được 14 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 378 người theo học.
Ông Lã Hữu Việt, Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Hữu Lũng cho biết: Nếu so với khoảng thời gian đầu khi mới triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì những kết quả đó là bước tiến vượt bậc. Bởi thời điểm ấy, nhiều nhất Hữu Lũng cũng chỉ mở được 5 lớp, thậm chí năm 2007, lớp dạy nghề tổ chức tại xã Đồng Tân phải giải tán vì sau 1 tuần khai giảng học viên lần lượt bỏ học gần hết.
 |
Dạy nghề điện dân dụng tại trường dạy nghề Viêt-Đức |
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công nghiệp hoá nông thôn, là con đường ngắn nhất để đưa khoa học công nghệ về nông thôn và trên hết nó trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ thuật cơ bản, giúp họ có “cần câu” để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng thực tế không phải người dân nào cũng hiểu được điều đó, vì vậy việc tổ chức các lớp học nghề cho lao động nông thôn ở Hữu Lũng những năm đầu không hề suôn sẻ. Chỉ từ năm 2008, với việc tăng cường tuyên truyền vận động lao động đăng ký học nghề, tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền, đoàn thể địa phương trong tổ chức các lớp dạy nghề thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hữu Lũng mới dần được đẩy mạnh. Song song với tuyên truyền, vận động người dân theo học, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cùng chính quyền, đoàn thể các xã còn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động đồng thời tư vấn, định hướng cho họ theo học các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu và thực tế địa phương. Nhờ đó, số lớp dạy nghề và cả số học viên theo học đều tăng lên. – Ông Việt cho biết thêm.
Ở Hữu Lũng, thời gian qua, các lớp học nghề đều tập trung vào 4 nhóm: trồng cây lương thực, chăn nuôi gia cầm, sửa chữa máy nông nghiệp và phổ cập tin học. Một số xã như Minh Sơn, Sơn Hà… mặc dù người đi học không được hỗ trợ kinh phí song hàng năm đều tổ chức thành công các lớp đào tạo nghề. Một số xã còn khó khăn như Quyết Thắng, Thanh Sơn nhưng với sự phối hợp của chính quyền, đoàn thể địa phương, các lớp dạy nghề ngắn hạn được tổ chức cũng đã thu hút khá đông người lao động đăng ký và theo học. Tham gia giảng dạy tại các lớp học này là cán bộ các phòng chuyên môn của huyện, Trường trung cấp cơ điện nông-lâm Đông Bắc…., học viên được dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành tại chỗ. Nhờ theo sát nhu cầu thực tế nên các lớp học nghề đã trang bị kiến thức, kỹ thuật cần thiết cho họ để áp dụng hiệu quả vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, nhu cầu được đào tạo nghề của lao động nông thôn còn rất lớn. Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Hữu Lũng đang triển khai điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào nhu cầu học nghề của lao động tại hộ gia đình, nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn xã, thị trấn… Một tín hiệu đáng mừng là Trung tâm dạy nghề của huyện tới đây sẽ được tăng cường cán bộ, giáo viên từ 2 lên 5 người, cùng với đó là việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dạy nghề. Từ nay đến cuối năm 2010, Hữu Lũng phấn đấu mở tiếp 10 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh tăng cường tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn tại các xã, thời gian tới, khi Trung tâm dạy nghề của huyện hoàn thiện, Hữu Lũng sẽ mở các lớp dạy nghề tại Trung tâm, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp gắn đào tạo nghề với tạo việc làm cho người lao động, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cho địa phương.