Thứ năm,  30/03/2023

Hà Tĩnh phòng trừ dịch sâu bệnh trên lúa

Hạn hán dần hạ nhiệt nhưng dịch sâu cuốn lá nhỏ lại bùng phát trên hàng nghìn ha lúa hè thu ở Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, bệnh lùn sọc đen tái phát trên diện tích lúa ở huyện Cẩm Xuyên khiến nguy cơ giảm năng suất lúa hè thu rất lớn. Nông dân Hà Tĩnh phải đối mặt vụ sản xuất khó khăn...Những đợt mưa lớn đầu tháng 6 giúp hàng nghìn nông dân Hà Tĩnh giải tỏa hạn hán đã kéo dài vài tháng qua, nhưng lại làm cho thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ vũ hóa, đẻ trứng gây hại nhiều diện tích lúa trên địa bàn. Toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 16 nghìn 134 ha bị sâu cuốn lá lứa 2 tiến công, trong đó 6.136 ha bị nhiễm nặng. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, dù được cảnh báo sớm nhưng công tác phòng trừ ở một số địa phương chưa cao, bên cạnh đó tâm lý chủ quan của người dân cho nên không kịp thời xử lý đón đầu mà để đến khi sâu trưởng thành mới tiến hành phun thuốc dẫn đến hiệu...

Hạn hán dần hạ nhiệt nhưng dịch sâu cuốn lá nhỏ lại bùng phát trên hàng nghìn ha lúa hè thu ở Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, bệnh lùn sọc đen tái phát trên diện tích lúa ở huyện Cẩm Xuyên khiến nguy cơ giảm năng suất lúa hè thu rất lớn. Nông dân Hà Tĩnh phải đối mặt vụ sản xuất khó khăn…

Những đợt mưa lớn đầu tháng 6 giúp hàng nghìn nông dân Hà Tĩnh giải tỏa hạn hán đã kéo dài vài tháng qua, nhưng lại làm cho thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ vũ hóa, đẻ trứng gây hại nhiều diện tích lúa trên địa bàn. Toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 16 nghìn 134 ha bị sâu cuốn lá lứa 2 tiến công, trong đó 6.136 ha bị nhiễm nặng. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, dù được cảnh báo sớm nhưng công tác phòng trừ ở một số địa phương chưa cao, bên cạnh đó tâm lý chủ quan của người dân cho nên không kịp thời xử lý đón đầu mà để đến khi sâu trưởng thành mới tiến hành phun thuốc dẫn đến hiệu quả thấp. Trên cơ sở các kết quả điều tra phát dục, ngành BVTV nhận định, sâu lứa 2 sẽ vũ hóa rộ và sâu non tuổi 1 của lứa 3 sẽ xuất hiện từ cuối tháng 7 và những ngày đầu tháng 8. Trong ba trà lúa hè thu, chỉ có trà hè thu sớm (hè thu chạy lụt) có mức độ gây hại nhẹ hơn và ít ảnh hưởng đến năng suất; hai trà lúa còn lại là hè thu chính vụ và hè thu muộn sẽ bị tổn thương bộ lá đòng và gây trắng lá cho nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, mặc dù các trà lúa có quá trình sinh trưởng không giống nhau nhưng yêu cầu đặt ra hiện nay là người dân phải bám sát đồng ruộng, nắm bắt kịp thời diễn biến sâu non tuổi 1, 2 của lứa 3 để xử lý bằng thuốc hóa học sau thời kỳ cao điểm của bướm từ 3 đến 5 ngày là tốt nhất.

Cùng với dịch sâu cuốn lá nhỏ, từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh vàng lá, lùn lụi tiếp tục xuất hiện trên diện rộng diện tích lúa hè thu ở huyện Cẩm Xuyên (855 ha), Kỳ Anh (46,3 ha) và ở một số địa phương khác như: TP Hà Tĩnh (bốn ha), Can Lộc (hai ha), Đức Thọ (1,5 ha), Thạch Hà (một ha), Lộc Hà (0,15 ha). Theo Trưởng Trạm BVTV huyện Cẩm Xuyên Bùi Quang Dung, sau khi nhận được tin báo xuất hiện bệnh lạ trên lúa tại xã Cẩm Lạc, cán bộ trạm đã trực tiếp về kiểm tra nhưng do thời điểm này lúa mới đạt từ 3 đến 4 lá cho nên khi có biểu hiện vàng lá, rễ phát triển kém sau đó phân định thành các nhánh riêng rẽ nên chỉ nghĩ là lúa mắc bệnh sinh lý. Vì vậy, trạm cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân phun các chế phẩm để cải tạo đất nhưng không cho kết quả gì, còn lúa thì cứ lùn lụi đi. Nỗi lo càng lớn dần lên khi bệnh không chỉ xuất hiện ở Cẩm Lạc mà còn bùng phát ở các xã khác như: Cẩm Sơn, Cẩm Minh, Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh, Cẩm Hưng, Cẩm Quan. Ngày 24-7, khi Trung tâm giám định kiểm dịch thực vật (Cục BVTV Trung ương) cho kết quả xét nghiệm dương tính thì tổng diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen ở huyện Cẩm Xuyên đã lên đến 855 ha, trong đó nặng nhất vẫn là Cẩm Lạc với 227 ha, tiếp đó là Cẩm Minh 120 ha, Cẩm Lĩnh 90 ha…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, sở đã thành lập sáu tổ công tác để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh sâu cuốn lá và lùn sọc đen. Cũng theo Giám đốc Sơn, việc sâu cuốn lá nhỏ bùng phát diện rộng và ăn trụi lá lúa trên nhiều diện tích có nguyên nhân từ phía người dân chủ quan nhưng một phần do chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, nhất là chưa làm cho dân hiểu mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để họ tự giác tham gia phòng, chống. Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, chính quyền các cấp cần quyết liệt vào cuộc để đón đầu việc phòng ngừa sâu lứa 3 thông qua việc xử lý bằng thuốc hóa học. Các địa phương có diện tích bị nhiễm bệnh lùn sọc đen cần tiến hành điều tra, phân loại để tiêu hủy. Đối với những diện tích nhiễm bệnh nhưng vẫn còn khả năng cho thu hoạch thì theo dõi để phun trừ rầy, chăm sóc để lúa sinh trưởng và phát triển; cuối vụ thu hoạch, những thửa ruộng nhiễm bệnh cần được cày vùi để tiêu diệt mầm bệnh và tránh lây cho vụ sản xuất tiếp theo. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ đối với diện tích lúa bị thiệt hại do bệnh lùn sọc đen buộc phải tiêu hủy là bốn triệu đồng/ha và tiền giống cho những diện tích bị nhiễm bệnh là một triệu đồng/ha. Nếu buộc phải tiêu hủy gần 910 ha lúa bị bệnh lùn sọc đen hiện nay thì ước tổng kinh phí cần phải chi là 7,58 tỷ đồng. Hà Tĩnh sẽ huy động nguồn kinh phí từ các cấp để hỗ trợ thêm cho các hộ dân bị thiệt hại lớn. Đối với những hộ có nguy cơ thiếu lương thực, tỉnh sẽ xem xét để hỗ trợ gạo trong mùa giáp hạt.
Theo Nhandan