Hiệu quả cải cách hành chính ở TP Hồ Chí Minh
06/08/2010 08:54
Tại TP Hồ Chí Minh, cải cách hành chính đang được các ngành, các cấp thực hiện tích cực. Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.Đơn giản hóa thủ tục hành chínhTheo kết quả thống kê của Tổ Công tác Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 1) tại TP Hồ Chí Minh, ở cấp quận, huyện có 531 thủ tục hành chính (TTHC), cấp phường, xã, thị trấn có 124 TTHC. Sau khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi ở các địa phương và qua rà soát đối chiếu, bổ sung nhiều lần, thành phố đã xây dựng được bộ TTHC chung gồm 810 TTHC áp dụng từ ngày 1-8-2009. Trong đó, ở cấp quận, huyện là 638 TTHC và phường, xã, thị trấn là 172 TTHC. Đây có thể coi là bước đột phá quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) tại TP Hồ Chí Minh theo hướng công khai, minh bạch về TTHC liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích...
Tại TP Hồ Chí Minh, cải cách hành chính đang được các ngành, các cấp thực hiện tích cực. Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Theo kết quả thống kê của Tổ Công tác Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 1) tại TP Hồ Chí Minh, ở cấp quận, huyện có 531 thủ tục hành chính (TTHC), cấp phường, xã, thị trấn có 124 TTHC. Sau khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi ở các địa phương và qua rà soát đối chiếu, bổ sung nhiều lần, thành phố đã xây dựng được bộ TTHC chung gồm 810 TTHC áp dụng từ ngày 1-8-2009. Trong đó, ở cấp quận, huyện là 638 TTHC và phường, xã, thị trấn là 172 TTHC. Đây có thể coi là bước đột phá quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) tại TP Hồ Chí Minh theo hướng công khai, minh bạch về TTHC liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp (DN).
Chuyển sang giai đoạn 2 của Đề án, các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thực hiện đơn giản hóa TTHC theo ba tiêu chí: Sự cần thiết, tính hợp pháp và hợp lý của TTHC hiện hành. Qua rà soát, từng đơn vị, cấp chính quyền chủ động đối chiếu với các quy định của pháp luật, xem TTHC nào không còn phù hợp thì đề xuất điều chỉnh, sửa đổi hoặc loại bỏ cho phù hợp thực tế cuộc sống đặt ra. Mục đích là làm sao để cho tất cả các TTHC đã ban hành phải được đơn giản hóa tối đa, giảm phiền hà và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp đến giải quyết mọi việc liên quan đến TTHC. Sau một thời gian tập trung thực hiện, đến cuối tháng 4-2010, kết thúc giai đoạn 2, thành phố đã rà soát xong 2.504 TTHC, trong đó khối sở, ngành là 1.690 thủ tục; quận, huyện là 638 thủ tục và phường, xã, thị trấn là 176 thủ tục hành chính. Thành phố đã kiến nghị đơn giản hóa 1.770 thủ tục (chiếm gần 70%). Trong đó có 718 thủ tục (chiếm hơn 28% tổng số TTHC) được kiến nghị bãi bỏ.
Để TTHC đã được sửa đổi, bổ sung sớm đi vào cuộc sống, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn khẩn trương soạn thảo các văn bản pháp lý thực hiện ngay các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi, chức năng của mình. Đồng thời, công khai cập nhật dữ liệu quốc gia toàn bộ những TTHC đã được kiến nghị đơn giản hóa để nhân dân và các tổ chức, DN biết tiếp tục góp ý bổ sung hoàn thiện thêm. Ngày 25-5, Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của thành phố cũng đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện nhanh chóng thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền của thành phố, trình UBND thành phố ban hành các quy định bổ sung, vào ngày 30-6-2010. Trong số 206 TTHC kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ lần này, có 108 TTHC đang áp dụng tại các quận, huyện. Thành phố cũng quy định những TTHC do sở, ngành, UBND quận, huyện nào quy định và ban hành thì đơn vị đó có trách nhiệm tự sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ. Sau đó niêm yết công khai tại các trụ sở cơ quan, chính quyền các cấp để nhân dân biết.
Theo kế hoạch, Đề án 30 sẽ kết thúc vào 31-12-2010. Tính đến nay, UBND thành phố đã ban hành 11 văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế, bãi bỏ 83 TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND thành phố, áp dụng tại sở, ngành và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Thành lập đoàn kiểm tra thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC (giai đoạn 3) trên địa bàn thành phố và niêm yết công khai bộ TTHC chung quận, huyện, phường, xã, thị trấn và bộ TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của các sở, ngành.
Đánh giá về kết quả giai đoạn rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Lê Hoài Trung cho biết: Cái được rõ nhất từ việc thực hiện đơn giản hóa TTHC là tiết kiệm được thời gian, tiền bạc. Thực tế cho thấy chỉ cần bớt đi một TTHC là cơ quan công quyền và người dân đã giảm được hàng chục triệu đồng mỗi năm từ các khoản chi phí: lương cho cán bộ, công chức, giấy tờ, bảo quản hồ sơ, đi lại… Mặt khác, gánh nặng về TTHC đối với đội ngũ cán bộ, công chức cũng bớt đi để họ có thêm thời gian, điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện và đổi mới phong cách phục vụ. Với người dân và doanh nghiệp, cái lợi nhất không chỉ về lợi ích kinh tế mà còn là sự thỏa mãn những nhu cầu và tiện ích xã hội mang lại, sự hài lòng về thái độ phục vụ của đơn vị quản lý nhà nước, chính quyền thông qua đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng văn minh, hiện đại. Đây chính là tính đúng đắn, hiệu quả mà mục tiêu Đề án 30 mang lại.
Áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC
Để thực hiện chương trình CCHC và chống quan liêu giai đoạn 2006-2010, cùng với việc đơn giản hóa TTHC, thành phố tích cực thực hiện xây dựng nền hành chính theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các dịch vụ hành chính (hành chính điện tử) phục vụ các tổ chức và công dân.
Cũng theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, để góp phần loại bỏ, giảm bớt hoặc điều chỉnh TTHC cho phù hợp thực tế, đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai CNTT tại hầu hết các sở, ban, ngành và quận, huyện. Tất cả các loại TTHC trên mọi lĩnh vực được thường xuyên cập nhật công khai, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể trên các trang thông tin điện tử, tại nơi trực tiếp tiếp nhận hồ sơ. Toàn bộ 4.480 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND thành phố ban hành từ năm 1975 đến nay được đưa vào trang thông tin điện tử “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật TP Hồ Chí Minh” để ai cũng có thể truy cập tìm hiểu. Nhờ thực hiện tin học hóa, mối quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính với người dân và doanh nghiệp đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và rút ngắn thời gian giải quyết nhiều loại TTHC.
Thành phố còn thực hiện thí điểm xây dựng hệ thống kết nối hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý nhà nước tại một số đơn vị, sở, ngành và quận, huyện. Thông qua mạng truyền dẫn tốc độ cao, hệ thống GIS cung cấp nhiều dịch vụ hành chính thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, quản lý về văn hóa, lao động, chứng thực tư pháp…
Sau ba năm triển khai, đến nay thành phố đã có bốn sở và 24 quận, huyện thực hiện phương thức “Một cửa điện tử”, giúp cho tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và DN chính xác và nhanh hơn trước, khối lượng công việc thủ công giảm từ 20 đến 30%, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức dễ dàng trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả. Mặt khác, lãnh đạo đơn vị và người dân cũng trực tiếp giám sát được toàn bộ quy trình, tiến độ giải quyết hồ sơ một cách công khai, minh bạch. Đến nay, 100% số sở, ngành, quận, huyện đã thực hiện “Một cửa liên thông” trong việc giải quyết tất cả các TTHC của cá nhân, tổ chức và DN trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền quy định. Để tránh ứ đọng hồ sơ, nhiều đơn vị còn tổ chức làm việc ngày thứ bảy trong tuần. Sơ kết mới đây cho thấy: Thời gian giải quyết hồ sơ tồn đọng, trễ hẹn giảm hơn một nửa so với trước. 100% số phường của quận 3 đã áp dụng cơ chế “Một cửa liên thông” với 10 loại TTHC thuộc các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, xây dựng, cấp số nhà, sao lục các giấy tờ tư pháp…
Quận 6 là đơn vị được thành phố chọn thí điểm ứng dụng phần mềm Vilis vào công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ cấp giấy chứng nhận nhà ở, đất. Giờ đây người dân ngồi tại nhà chỉ cần lên mạng nhấp chuột là biết những thông tin mình quan tâm. Lãnh đạo quận cho biết, bình quân mỗi tháng giải quyết được 1.000 hồ sơ nhà đất, tăng gần gấp ba lần so với trước. Hiện quận còn khoảng 8.000 hồ sơ cấp mới, với tiến độ hiện nay, đến hết tháng 12-2010, quận sẽ giải quyết xong số hồ sơ trên.
Theo Nhandan