Thứ ba,  21/03/2023

Quảng Nam di dời dân ra khỏi vùng sạt lở ven sông

Quảng Nam có địa hình phức tạp, nhiều sông lớn như Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang, cho nên thường xuyên xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.Chính quyền các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng di dời người dân sống trong vùng sạt lở đến nơi ở an toàn, song vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục.Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Quảng Nam Nguyễn Văn Gặp cho biết, do địa hình hẹp và độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi nhiều sông, suối cho nên thường xuyên xảy ra lũ quét ở miền núi và lụt lớn ở đồng bằng, đe dọa nghiêm trọng đến hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ở ven sông và dưới các chân núi. Trong số 18 huyện, thành phố ở Quảng Nam thì có đến 17 địa phương bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, có nhu cầu di dời dân đến nơi ở mới. Từ năm 1997 đến nay, Chi cục phối hợp các địa phương đã di dời hơn 16 nghìn hộ dân sinh sống ven...

Quảng Nam có địa hình phức tạp, nhiều sông lớn như Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang, cho nên thường xuyên xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.


Chính quyền các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng di dời người dân sống trong vùng sạt lở đến nơi ở an toàn, song vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục.


Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Quảng Nam Nguyễn Văn Gặp cho biết, do địa hình hẹp và độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi nhiều sông, suối cho nên thường xuyên xảy ra lũ quét ở miền núi và lụt lớn ở đồng bằng, đe dọa nghiêm trọng đến hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ở ven sông và dưới các chân núi. Trong số 18 huyện, thành phố ở Quảng Nam thì có đến 17 địa phương bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, có nhu cầu di dời dân đến nơi ở mới. Từ năm 1997 đến nay, Chi cục phối hợp các địa phương đã di dời hơn 16 nghìn hộ dân sinh sống ven sông, ven suối đến nơi ở mới bằng các hình thức tập trung và xen ghép, với tổng kinh phí hỗ trợ từ T.Ư và địa phương gần 29 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây kè chống sạt lở, đồng thời xây dựng 100 khu tái định cư tập trung để di dời hơn 4.000 hộ dân vào nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 5.000 hộ dân sinh sống ở ven sông có nguy cơ sạt lở cao.


Chúng tôi về Đại Lộc, một trong những địa phương nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn và sông Vu Gia, thường xuyên bị sạt lở bờ sông vào mùa mưa lũ, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Đức Tính cho biết, từ năm 2001 đến nay, huyện di dời gần một nghìn hộ dân tại gần 700 điểm sạt lở sông, suối và núi lở, nhưng vẫn còn 400 hộ sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao. Đến xã Đại Hồng, nơi con sông Vu Gia chảy ngang qua với chiều dài 16 km, Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Kỳ cho biết, từ năm 1994 đến nay, do sạt lở và bồi lấp, toàn xã mất gần 100 ha đất sản xuất. Nếu không có biện pháp khắc phục thì chỉ trong vòng vài, ba mùa mưa lũ nữa sẽ có hơn 300 ha đất sản xuất của các thôn Ngọc Thạch, Đông Phước trôi theo sông. Gia đình bác Nguyễn Kỳ, thôn Ngọc Thạch đã di dời đến nơi ở mới nhưng vẫn đi về nơi ở cũ, tận dụng hơn hai sào đất ở sát bờ sông để trồng đậu xanh. Theo bác, cứ đến mùa mưa lũ, bờ sông lại xói lở sâu vào đất sản xuất từ 20 đến 50 m. Nếu cứ đà này thì chỉ cần một, hai mùa lũ nữa, hai sào đất của bác chắc cũng trôi theo sông mất. Chị Nguyễn Thị Vân, thôn Hà Dục Đông (Đại Lãnh, Đại Lộc) sinh sống trong căn nhà chỉ cách bờ sông Vu Gia chưa đầy 30 m, chỉ tay ra phía bờ sông nói: “Cách đây chừng năm, sáu năm, bờ sông này còn ở xa lắm, nhưng qua mấy đợt lũ, bờ sông xói lở sâu vào gần đến nhà rồi. Đến mùa mưa lũ, người dân chúng tôi rất sợ. Nghe nói chính quyền định di dời một số gia đình ở đây, nhưng mãi chưa thấy…”.


Công tác di dời dân vùng sạt lở ở Quảng Nam trong thời gian qua được thực hiện khá tốt. Bình quân mỗi năm, tỉnh di dời khoảng 1.000 hộ đến nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên công tác phòng, chống sạt lở bờ sông cũng như di dời dân đến nơi ở mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trước hết là công tác vận động nhân dân di dời đến nơi ở mới. Do tư tưởng chủ quan cũng như tâm lý không muốn rời xa mảnh đất mà bao đời họ gắn bó, cho nên nhiều gia đình quyết tâm “bám trụ” đến cùng, chờ tới khi “nước đến chân mới nhảy” gây nhiều khó khăn cho chính quyền. Hơn nữa, phần lớn các hộ dân nằm trong diện di dời ở vùng sạt lở thuộc diện nghèo, nhà cửa tạm bợ, chuyên sống bằng nghề nông và sông nước, cho nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ di dời còn hạn chế, lại không kịp thời. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, nhu cầu vốn hỗ trợ công tác di dời dân của tỉnh mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng, nhưng thực tế mỗi năm mới chỉ đầu tư ba tỷ đồng cho nên phải chọn những nơi, gia đình ở vùng có nguy cơ sạt lở cao để di dời trước. Bên cạnh đó, do quỹ đất có hạn nên việc bố trí đất ở cũng như đất sản xuất cho người dân di dời gặp khó khăn, mỗi hộ từ 150 m2 đến 200 m2 chỉ đủ ở chứ không thể sản xuất, chăn nuôi. Lãnh đạo một số cơ sở ở huyện Đại Lộc có chung nhận xét: Nhu cầu về đất ở để bố trí tái định cư ngày càng tăng nhưng hiện nay đất 5% do UBND xã quản lý ngày càng ít đi cho nên phải bố trí từ các nguồn đất khác. Nhiều hộ dân di dời theo hình thức xen ghép phải tự tìm mua đất ở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyện vọng của phần lớn nhân dân vùng sạt lở là muốn Nhà nước xây kè chống sạt lở để bảo vệ nhà cửa, đất sản xuất giúp họ yên tâm sinh sống tại chỗ. Nếu phải di dời thì di dời trong thôn, xã chứ không muốn đi xa.


Trên địa bàn Quảng Nam hiện còn hàng trăm điểm sạt lở bờ sông với hơn 5.700 hộ dân chưa được di dời đến nơi ở mới. Đây chưa phải là con số cuối cùng, vì còn tùy thuộc vào tình hình mưa lũ, xói lở hằng năm xảy ra trên địa bàn. Để ổn định cuộc sống nhân dân vùng sạt lở ven sông, tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ, kết hợp tổ chức di dời dân với các biện pháp phòng, chống sạt lở. Trước mắt, khẩn trương di dời gần 100 hộ dân sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao tại ba điểm Trà Dương (Bắc Trà My), Cẩm Kim (Hội An) và Tiên An (Tiên Phước) trước mùa mưa bão năm nay đến nơi ở mới an toàn. Về lâu dài, cần có kế hoạch xây dựng kè, trồng cây chống xói lở như tre, cỏ… tại các điểm xung yếu để giữ đất sản xuất. Cần có kế hoạch điều tra để quy hoạch, phân loại những vùng có nguy cơ sạt lở để có kế hoạch di dời hằng năm hợp lý; trong đó đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, khó khăn. Cần khảo sát quy hoạch cụ thể từng vùng, từng địa phương để xây dựng các khu tái định cư tập trung với đầy đủ cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường giao thông… trước khi đưa dân đến ở, tránh tình trạng xây dựng thiếu đồng bộ, xây xong không có người ở hoặc có người đến ở nhưng gặp khó khăn phải quay về nơi cũ. Đồng thời, kết hợp vận động nhân dân di dời tập trung và xen ghép, di dời trong địa bàn thôn, xã, huyện, tỉnh với vùng kinh tế mới ngoài tỉnh.


Theo Nhandan