Thứ sáu,  31/03/2023

Vấn đề vệ sinh môi trường ở xã Hải Yến

LSO-Đến xã Hải Yến, huyện Cao Lộc vào những ngày hè oi ả, điều mà chúng tôi dễ dàng nhận thấy là những ngôi nhà khang trang xen với những thửa ruộng và cánh đồng ngô xanh mướt. Điều đó chứng tỏ vùng đất nơi đây đã có nhiều đổi mới. Song thực trạng vệ sinh môi trường của xã vẫn đang là vấn đề mà các ngành chức năng quan tâm.Là xã vùng II thuần nông thuộc huyện Cao Lộc, Hải Yến có 369 hộ dân với 1.842 nhân khẩu. Trong những năm qua, điều kiện sống của đại bộ phận người dân trong xã được nâng lên, cơ bản không có hộ đói; nhiều năm liền 6/7 thôn đạt văn hóa, 7/7 khu dân cư đạt tiên tiến. Song, những con số trên chưa đánh giá được thực chất vấn đề vệ sinh môi trường ở nơi đây, trong khi nhiều người dân trong xã lại chưa thực sự mặn mà với việc bảo vệ môi trường sống của chính họ. Mặc dù xã có khoảng 80% đường liên thôn, nội thôn được bê tông hóa, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì phân trâu, rác thải…...

LSO-Đến xã Hải Yến, huyện Cao Lộc vào những ngày hè oi ả, điều mà chúng tôi dễ dàng nhận thấy là những ngôi nhà khang trang xen với những thửa ruộng và cánh đồng ngô xanh mướt. Điều đó chứng tỏ vùng đất nơi đây đã có nhiều đổi mới. Song thực trạng vệ sinh môi trường của xã vẫn đang là vấn đề mà các ngành chức năng quan tâm.
Là xã vùng II thuần nông thuộc huyện Cao Lộc, Hải Yến có 369 hộ dân với 1.842 nhân khẩu. Trong những năm qua, điều kiện sống của đại bộ phận người dân trong xã được nâng lên, cơ bản không có hộ đói; nhiều năm liền 6/7 thôn đạt văn hóa, 7/7 khu dân cư đạt tiên tiến. Song, những con số trên chưa đánh giá được thực chất vấn đề vệ sinh môi trường ở nơi đây, trong khi nhiều người dân trong xã lại chưa thực sự mặn mà với việc bảo vệ môi trường sống của chính họ. Mặc dù xã có khoảng 80% đường liên thôn, nội thôn được bê tông hóa, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì phân trâu, rác thải… vẫn đầy đường, cảm quan sẽ thấy mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Bên cạnh đó, phế thải sinh hoạt của nhiều gia đình không có bể chứa, hoặc chỉ thải ra cống rãnh hở, vì thế, trực tiếp tràn qua đường đi, lối lại, hoặc bất cứ nơi nào có thể, hoặc ứ đọng trở thành nơi ủ của hàng loạt bệnh dịch. Trong khi đó, tất cả các rác thải lại chỉ được chôn thủ công hoặc tập kết tạm thành điểm nhỏ lẻ mà chưa có sự thu gom tập trung để xử lý dứt điểm…
Chuồng trâu ngay cạnh nhà ở không đảm bảo an toàn vệ sinh
Đi trên con đường từ trung tâm huyện đến xã, ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh quen thuộc: chuồng trâu, chuồng lợn… gần nhà ở, thậm chí nhiều chuồng còn được xây ngay gần đường cái, phân thải chất đống vừa phản cảm, vừa gây mất vệ sinh nghiêm trọng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hứa Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yến cho biết: Nhìn chung các hộ gia đình ở đây đã có chuồng trại chăn nuôi nhà vệ sinh riêng. Thế nhưng, những “công trình” đó do các hộ dân tự làm theo điều kiện của từng nhà nên chưa thể khẳng định có đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường hay không. Hỏi về việc này đa số người dân có suy nghĩ: vẫn biết là mất vệ sinh, nhiều khi mùi hôi thối làm chúng tôi thấy khó chịu, có khi phải sống chung với bệnh tật do nơi ở không sạch sẽ, nhưng mỗi con trâu trị giá hàng chục triệu đồng, có người bán cả đồ đạc, vay mượn mới mua được nếu không làm chuồng gần nhà, bị trộm mất thì lấy gì mà sống. Lý do rất đơn giản: sợ bị mất trộm. Chung quy cũng do cái đói, cái nghèo đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên có của thì phải giữ, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”. Và vì thế, vấn đề vệ sinh môi trường vô tình đã bị coi nhẹ.
Được biết, chính quyền xã cũng đã phối hợp với các trưởng thôn tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp thôn về mục đích, ý nghĩa của công tác vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình hiểu để cùng nhau giữ vệ sinh chung. Nhưng phần vì nội dung tuyên truyền còn chung chung, chưa phát huy hiệu quả, phần vì người dân chưa có ý thức chủ động trong việc bảo vệ môi trường. Kết quả là việc xây dựng nhà vệ sinh 2 ngăn, bể khí bioga, nhà tắm, chuồng trại, vệ sinh đường làng ngõ xóm… vẫn chưa trở thành phong trào thu hút đông đảo người dân trong xã cùng tham gia.
Tuy nhiên, không thể nói một cách quy chụp về vấn đề vệ sinh môi trường ở nơi đây, bởi còn có một số gia đình điển hình thực hiện tốt vấn đề này như gia đình ông Chu Văn Xiến, trưởng thôn Nà Tèn; ông Chu Viết Đào, Chủ tịch Hội Người cao tuổi; ông Lương Văn Hiếu, người dân thôn Bó Khuông… Họ đều tâm niệm một điều: môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Và cách làm của họ đơn giản chỉ là: không vứt rác bừa bãi, xử lý rác hữu cơ trước khi sử dụng ở môi trường vườn, ruộng. Hi vọng rằng, những người có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường như ông Xiến, ông Đào, ông Hiếu… sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, để tạo được sự đồng thuận của người dân trong toàn xã, làm cho công tác giữ gìn môi trường đi vào nền nếp, nêu cao nếp sống văn hóa trong cách ăn ở, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Thanh Hòa