Nghề mới ở Vân Ðồn
10/08/2010 09:44
Trước đây, vịnh Bái Tử Long được biết đến với nghề nuôi trai lấy ngọc nổi tiếng, nay còn có thêm một nghề mới là nghề nuôi tu hài. Đây là nghề mới xuất hiện từ một dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Chương trình nông thôn miền núi (Bộ Khoa học và Công nghệ).Mất hơn một giờ đồng hồ vượt sóng, chúng tôi ra đến đảo Bánh Sữa, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn - "thủ phủ" của vùng nuôi tu hài trên vịnh. Ông chủ đảo Đỗ Tờ chia sẻ với chúng tôi, trước đây, chỉ có một vài hộ nuôi tu hài nhưng giờ đây khắp vịnh, dân khá lên nhờ sản vật này. Ở Quảng Ninh, tu hài phân bố tự nhiên, tập trung ở một số xã tại Vân Đồn và Cô Tô. Trước đây lượng tu hài cung cấp cho thị trường chủ yếu do khai thác từ tự nhiên khiến cho nguồn lợi này ngày càng cạn kiệt. Một số hộ đã nuôi tu hài thương phẩm bằng con giống mua từ Trung Quốc nhưng số lượng hạn chế, chất lượng con giống chưa tốt và vận chuyển từ xa...
Trước đây, vịnh Bái Tử Long được biết đến với nghề nuôi trai lấy ngọc nổi tiếng, nay còn có thêm một nghề mới là nghề nuôi tu hài. Đây là nghề mới xuất hiện từ một dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Chương trình nông thôn miền núi (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Mất hơn một giờ đồng hồ vượt sóng, chúng tôi ra đến đảo Bánh Sữa, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn – “thủ phủ” của vùng nuôi tu hài trên vịnh. Ông chủ đảo Đỗ Tờ chia sẻ với chúng tôi, trước đây, chỉ có một vài hộ nuôi tu hài nhưng giờ đây khắp vịnh, dân khá lên nhờ sản vật này. Ở Quảng Ninh, tu hài phân bố tự nhiên, tập trung ở một số xã tại Vân Đồn và Cô Tô. Trước đây lượng tu hài cung cấp cho thị trường chủ yếu do khai thác từ tự nhiên khiến cho nguồn lợi này ngày càng cạn kiệt. Một số hộ đã nuôi tu hài thương phẩm bằng con giống mua từ Trung Quốc nhưng số lượng hạn chế, chất lượng con giống chưa tốt và vận chuyển từ xa về cho nên tỷ lệ sống thấp, không đủ cung cấp cho người nuôi tu hài tại địa phương.
Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Dự án được thực hiện từ tháng 9-2007 tại đảo Bánh Sữa, xã Bản Sen; cơ quan chủ trì dự án là Công ty TNHH Đỗ Tờ và cơ quan chuyển giao công nghệ là Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I. Đây là một trong những công ty nuôi thử nghiệm tu hài đầu tiên tại Vân Đồn.
Với điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng cho huyện đảo Vân Đồn, công nghệ mới của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I áp dụng vào sản xuất giống nhân tạo và ương nuôi tu hài thương phẩm đã mang lại hiệu quả cao. Cùng với sự hỗ trợ của Sở KH và CN Quảng Ninh, Giám đốc Đỗ Tờ đã cùng anh em kỹ thuật trong công ty liên tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện công nghệ nuôi trồng tu hài và đã cho kết quả tốt. Công ty đã xây dựng được một quy trình công nghệ hoàn chỉnh từ việc nhân giống nuôi con giống cấp một, cấp hai đến việc thiết kế hệ thống giàn bè lồng ương nuôi, vị trí đặt lồng nuôi, chọn loại cát phù hợp cho từng thời kỳ phát triển của tu hài. Đến nay, công ty đã xây dựng được trại sản xuất giống với diện tích 600 m2, sản xuất hơn 1,5 triệu con giống cấp hai, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Với kinh nghiệm nuôi tôm trước đây và sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, anh Đỗ Tờ đưa ra một số kinh nghiệm: Nuôi tu hài có một lợi thế gần như là tuyệt đối so với nhiều ngành nuôi trồng thủy sản khác là, không phải cho ăn cho nên đỡ tốn kém, làm sạch nước và ít dịch bệnh. Tỷ lệ sống của chúng trong điều kiện nuôi nhân tạo đạt 95 đến 97%, tu hài thương phẩm cho kích cỡ, chất lượng tốt và đặc biệt bán được giá. Tuy nhiên, cũng cần phải tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật mới thành công. Có hai hình thức nuôi tu hài là nuôi bãi và nuôi lồng. Điều kiện đầu tiên để nuôi tu hài chính là cát san hô được thiên nhiên làm sạch dày ít nhất từ 30 đến 40 cm. Kích cỡ xuống giống phải đạt từ 2 – 3 cm, kích cỡ con giống cấp 2 đạt từ 3 đến 4 cm.
Dù nuôi trên bãi hay nuôi trong lồng thì đều phải bịt lưới trên bề mặt đề phòng địch hại. Chính do tuân thủ những yêu cầu về kỹ thuật nói trên, cùng với sự quan tâm, kiểm tra thường xuyên và kịp thời của các cán bộ Sở KH và CN Quảng Ninh, Công ty Đỗ Tờ đã đạt được những thành công từ nguồn lợi tu hài và Giám đốc Đỗ Tờ là một trong những người mở lối tiên phong cho nghề nuôi tu hài ở Vân Đồn.
Trong quá trình triển khai dự án, Công ty Đỗ Tờ đã phối hợp chuyên gia của Viện Nuôi trồng thủy sản tổ chức tập huấn cho ngư dân ba xã vùng dự án là Liên Vị, Thắng Lợi, Bản Sen về kỹ thuật nuôi tu hài, đồng thời bán tu hài giống cho ngư dân với giá chỉ bằng hai phần ba giá giống trên thị trường. Hằng tháng công ty đều cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, tiếp tục hướng dẫn ngư dân nuôi tu hài thương phẩm theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ có sự vận động nhiệt tình và hỗ trợ cả về giống lẫn kỹ thuật cho nên ngư dân ở ba xã vùng dự án của huyện Vân Đồn đã mạnh dạn tự tin nuôi tu hài thương phẩm và họ rất phấn khởi bởi nguồn lợi từ tu hài mang lại.
Đi ca-nô chừng 20 phút, chúng tôi đến thôn 3, xã Thắng Lợi, gặp anh Nguyễn Văn Thanh, một trong những hộ dân tiếp nhận giống và kỹ thuật nuôi tu hài từ Công ty TNHH Đỗ Tờ. Anh Nguyễn Văn Thanh cho biết: Năm nay gia đình tôi thu được 27 tạ tu hài, ước tính số tiền thu về khoảng 600 triệu đồng. Nếu trừ chi phí sản xuất gia đình tôi vẫn lãi được một nửa.
Tu hài dễ nuôi, không phải lo thị trường tiêu thụ do giàu chất dinh dưỡng, thơm ngon lại là loài nhuyễn thể rất sạch. Lúc đầu, khi đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi tu hài tại Công ty Đỗ Tờ chỉ có một vài hộ, đến nay trên địa bàn xã đã có đến 80 hộ nuôi tu hài.
Anh Đỗ Tờ chia sẻ, tuy đây là bước khởi đầu nhưng nó mở ra một chương mới cho việc phát triển kinh tế huyện đảo, gìn giữ môi trường với các loài thủy hải sản quý hiếm. Đến nay, qua hai năm triển khai, dự án đã hoàn thành rất tốt tiến độ, triển khai được từ ba đến sáu xã đảo, đặc biệt bà con ngư dân vùng dự án đã làm chủ được kỹ thuật. Tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cho hơn 50 lao động trực tiếp của công ty và hơn 70 hộ ngư dân địa phương, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương được thuê theo thời vụ. Sau khi dự án kết thúc, công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất giống và nuôi tu hài thương phẩm, đồng thời cung cấp giống cho từ 300 đến 600 hộ ngư dân trên địa bàn. Công ty dự kiến nâng quy mô sản xuất giống lên từ ba triệu đến năm triệu con giống cấp hai năm để phục vụ cho nhu cầu nuôi tu hài thương phẩm ngày càng tăng cao của doanh nghiệp, ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận. Thành công của dự án đã khẳng định việc xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua doanh nghiệp là hướng đi đúng của Chương trình nông thôn miền núi. Đồng thời ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền trong thành công của dự án như giao mặt nước nuôi trồng thủy sản, tập huấn nuôi và cho ngư dân vay vốn. Sở KH và CN cử cán bộ luôn sát cánh cùng với doanh nghiệp từ việc lựa chọn công nghệ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục tiếp nhận dự án, tư vấn kỹ thuật, kiểm tra thường xuyên quá trình triển khai. Chính các yếu tố trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân Vân Đồn phát triển nghề nuôi tu hài bằng giống và công nghệ trong nước.
Theo Nhandan