Thứ năm,  23/03/2023

Phòng cháy, chữa cháy ở các chung cư cao tầng

Mỗi năm, bình quân cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, trong đó có gần 90% số vụ cháy xảy ra ở nơi sản xuất, kinh doanh, chợ, khu chung cư cao tầng, làm hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Các vụ cháy ở các chung cư cao tầng, thường gây hậu quả lớn về người và tài sản, như ngày 10-3-2010 xảy ra cháy ống thu rác của tòa nhà JSC34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội, có 18 tầng, một tầng hầm, gồm 180 căn hộ.Đám cháy đã làm hai người chết do ngạt khói. Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cứu được 44 người. Nguyên nhân vụ cháy là do người dân vứt than tổ ong còn đang cháy vào đường ống xả rác. Mới đây, ngày 3-8, xảy ra vụ cháy ở tầng 3 số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã thiêu rụi hơn 10 nghìn cuốn sách quý mà ông Nguyễn Văn Thành và gia đình sưu tầm suốt hơn 40 năm qua.Cả nước có hơn 1.000 nhà từ 10 tầng trở lên, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và...

Mỗi năm, bình quân cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, trong đó có gần 90% số vụ cháy xảy ra ở nơi sản xuất, kinh doanh, chợ, khu chung cư cao tầng, làm hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Các vụ cháy ở các chung cư cao tầng, thường gây hậu quả lớn về người và tài sản, như ngày 10-3-2010 xảy ra cháy ống thu rác của tòa nhà JSC34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội, có 18 tầng, một tầng hầm, gồm 180 căn hộ.

Đám cháy đã làm hai người chết do ngạt khói. Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cứu được 44 người. Nguyên nhân vụ cháy là do người dân vứt than tổ ong còn đang cháy vào đường ống xả rác. Mới đây, ngày 3-8, xảy ra vụ cháy ở tầng 3 số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã thiêu rụi hơn 10 nghìn cuốn sách quý mà ông Nguyễn Văn Thành và gia đình sưu tầm suốt hơn 40 năm qua.

Cả nước có hơn 1.000 nhà từ 10 tầng trở lên, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chung cư tầng càng cao thì càng có nhiều yếu tố bất lợi cho công tác PCCC, vì tập trung nhiều người, việc thoát nạn bên trong nhà theo chiều thẳng đứng, chủ yếu qua cầu thang bộ. Nếu không có các giải pháp chống lửa, khói, giải pháp chiếu sáng, thông gió theo đúng tiêu chuẩn PCCC đối với thang thoát nạn cho nhà cao tầng, thì đây lại chính là đường lan truyền của lửa, khói, hơi nóng và khí độc sinh ra từ đám cháy phát triển lớn, cản trở việc thoát nạn, đe dọa tính mạng của nhiều người. Tốc độ, áp lực của gió trên cao làm tăng tốc độ phát triển của đám cháy.

Hiện kinh phí duy trì hoạt động của tòa nhà cũng như các trang thiết bị PCCC do người dân đóng góp nên rất hạn hẹp. Lực lượng PCCC tại chỗ gần như không có. Ý thức, kiến thức PCCC của một bộ phận người dân chưa cao, lề lối sinh hoạt chưa thích ứng với việc sống ở khu chung cư cao tầng hiện đại, việc vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và chất cháy còn cao. Tại các chung cư, nhất là các chung cư tái định cư, tình trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định về thoát nạn khá phổ biến: Người dân lấn chiếm buồng thang thoát nạn làm nơi để hàng hóa, xe máy che chắn lối thoát nạn. Chủ đầu tư, ban quản lý của các chung cư không quan tâm đầu tư và tổ chức tự kiểm tra chất lượng và duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của các phương tiện chữa cháy. Tại nhiều chung cư, hệ thống PCCC sau một thời gian đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không được sửa chữa, thay thế. Không bảo đảm đường giao thông nội bộ cho xe chữa cháy tiếp cận các vị trí của công trình. Nhiều chung cư chưa thực hiện nghiêm quy định về thẩm duyệt và tổ chức nghiệm thu về PCCC.

PCCC chung cư cao tầng là một trong những chuyên đề công tác lớn của lực lượng Cảnh sát PCCC. Hằng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tích cực, chủ động phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền hướng dẫn nhân dân các biện pháp PCCC và thoát nạn; tổ chức tuyên truyền miệng, mở hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và người dân ở các chung cư cao tầng; xây dựng, in ấn và phát hành xuống cơ sở hàng nghìn khuyến cáo về PCCC và thoát nạn đối với các chung cư cao tầng. Chủ động phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng triển khai các biện pháp PCCC đối với chung cư cao tầng. Tham mưu Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội đề xuất Bộ Công an ban hành văn bản về tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC đối với các nhà cao tầng. Cục Cảnh sát PCCC đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương nội dung đợt tổng kiểm tra công tác PCCC đối với nhà cao tầng. Đã kiểm tra công tác PCCC ở 936 nhà cao tầng, lập 326 biên bản vi phạm; phát hiện 4.067 vi phạm quy định an toàn PCCC và thoát nạn, đưa ra 4.133 kiến nghị và giải pháp PCCC và thoát nạn; xử phạt hành chính 345 vụ, cảnh cáo 28 cơ sở.

Để công tác PCCC ở các chung cư cao tầng đạt hiệu quả cao, cần có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý trong việc thực hiện công tác PCCC; trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy và thoát nạn chung cho tòa nhà, cho từng tầng nhà. Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý chung cư cao tầng có nhiều cơ quan, đơn vị thuê mặt bằng trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC theo quy định, là chủ thể chịu trách nhiệm về PCCC. Có sự phối hợp giữa chủ đầu tư, ban quản lý với chính quyền sở tại trong việc thực hiện công tác PCCC. Trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý khu chung cư: Duy trì hoạt động cho hệ thống PCCC đã được lắp đặt. Tổ chức duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, tổ chức huấn luyện, trang bị phương tiện để lực lượng này đủ khả năng phát hiện, báo cháy, chữa cháy kịp thời ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng. Đối với người dân, cần chủ động tham gia học tập, tìm hiểu về pháp luật và kiến thức PCCC và thoát nạn. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun; tắt nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị điện khi không sử dụng. Trang bị các phương tiện PCCC cho gia đình và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng. Có phương án thoát nạn cho người và tài sản khi có cháy xảy ra…
Theo Nhandan