Thứ tư,  29/03/2023

Thành phố Tuyên Quang phát huy truyền thống anh hùng, vững bước đi lên trong thời kỳ mới

Tuyên Quang từng là Thủ đô khu giải phóng, nơi Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc, lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ và hầu hết các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.Thị xã Tuyên Quang nay là thành phố Tuyên Quang từ lâu được xác định là tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đầu mối giao thông giao lưu trong tỉnh và vùng liên tỉnh giữa Tây Bắc và Đông Bắc của nước ta.Từ năm 1955 đến nay, trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang đã không ngừng đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, năng động, sáng...

Tuyên Quang từng là Thủ đô khu giải phóng, nơi Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc, lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ và hầu hết các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Thị xã Tuyên Quang nay là thành phố Tuyên Quang từ lâu được xác định là tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đầu mối giao thông giao lưu trong tỉnh và vùng liên tỉnh giữa Tây Bắc và Đông Bắc của nước ta.

Từ năm 1955 đến nay, trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang đã không ngừng đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trung bình đạt 15,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, có tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất hằng năm tăng. Một số ngành phát triển khá như: khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, xây dựng, chế biến lâm sản.

Công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị được đặc biệt quan tâm, công tác quy hoạch là một trong những đột phá, được thực hiện tốt làm cơ sở để định hướng lâu dài cho phát triển đô thị. Nhiều công trình trọng điểm, công sở, bệnh viện, trường học, khách sạn được nâng cấp, xây dựng mới trên địa bàn; các khu dân cư mới hình thành với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Mạng lưới giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp; từng bước trang bị đồng bộ thiết bị kỹ thuật, bảo đảm an toàn giao thông đô thị. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc bê-tông hóa đường giao thông liên xóm, tổ, các khu dân cư không ngừng được phát triển. Công tác quản lý đô thị được tăng cường; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển, khai thác và phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các chợ Tam Cờ, Phan Thiết, Trường Tiến, Ỷ La và chợ Ruộc được nâng cấp. Thành phố tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Phan Thiết, Trung tâm thương mại Tuyên Quang, một số siêu thị và khu ẩm thực Xuân Hòa… Cùng với đó là tăng cường quảng bá, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, mở rộng hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch. Cơ cấu chi ngân sách được điều chỉnh theo hướng tăng đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị. Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Lĩnh vực tài nguyên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 được thực hiện có hiệu quả. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tập trung đẩy mạnh. Đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường đô thị. Sản xuất nông, lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nền kinh tế vùng ven đô thị.

Với những thành tích xuất sắc đạt được trên, thành phố xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, phát huy mạnh mẽ chức năng đô thị tỉnh lỵ, tạo động lực thúc đẩy phát triển chung của cả tỉnh Tuyên Quang. Ngày 2-7-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về việc thành lập thành phố Tuyên Quang thuộc tỉnh Tuyên Quang. Cùng với đó Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tuyên Quang vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Trong thời gian tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang xác định tiếp tục xây dựng thành phố Tuyên Quang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và mang bản sắc văn hóa của Tuyên Quang, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2020.

Thành phố Tuyên Quang đang nỗ lực tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm vừa mang tính cấp thiết trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, đó là công tác quy hoạch và xây dựng, phát triển đô thị, trong đó tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật từng bước đồng bộ và hoàn chỉnh, tiếp tục chỉnh trang đô thị, xây dựng một đô thị “sạch, xanh, sáng, đẹp”.

Cơ cấu kinh tế đẩy mạnh theo hướng dịch vụ – công nghiệp, xây dựng – nông, lâm nghiệp, thủy sản. Phát triển mạnh, đa dạng, hiệu quả các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ đô thị. Ưu tiên phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tiềm năng, nhất là thương mại, du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch, đưa thành phố Tuyên Quang trở thành trung tâm du lịch của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp vùng ven đô thị theo hướng sản xuất hàng hóa, cung cấp nông sản có chất lượng cao trực tiếp cho nội thành và mở rộng thị trường. Từng bước đầu tư xây dựng các xã ngoại thị đạt các tiêu chí mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tạo nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị và dần trở thành việc làm tự giác của mỗi người dân…

Có cơ chế khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, của thành phố và từ các thành phần kinh tế để phát triển. Thu hút các nhà quản lý, các chuyên gia giỏi, công nhân có tay nghề cao về làm việc tại thành phố. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy dân chủ trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

Đảng bộ và nhân dân thành phố Tuyên Quang không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng thành phố Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, ổn định về chính trị, mạnh về kinh tế, có cảnh quan đẹp, kiến trúc đặc trưng, mang bản sắc văn hóa Tuyên Quang, xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh, xứng đáng với truyền thống cách mạng của thành phố anh hùng.
Theo Nhandan