LSO-Cùng với các tác phẩm về đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng như Hoa trong bão, Kỳ tích Chi Lăng, Hương Ngàn, Hoa bất tử... Tiểu thuyết “Tướng không phong hàm” của nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã khắc họa cuộc đời đầy huyền thoại của đồng chí Lương Văn Tri, người cán bộ quân sự xuất sắc của Đảng ta, vị chỉ huy cao nhất của chiến khu Bắc Sơn và của Cứu Quốc quân I- tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri, chúng tôi đã gặp gỡ và nghe nhà văn kể lại quá trình viết tác phẩm này.30 năm- sự thôi thúc riêng chungNhạc phụ của nhà văn Trường Thanh là ông Hoàng Văn Hán- chiến sĩ đầu tiên của đồng chí Lương Văn Tri, người chỉ huy đánh đồn Mỏ Nhài, sau bị giặc bắt và sát hại dã man. Nghĩ về sự hy sinh vẻ vang của người cha vợ, trường liên tưởng của nhà văn lại hướng về cội nguồn của tinh thần dũng cảm ấy và lý giải nó theo cách riêng của mình: đó chính...
LSO-Cùng với các tác phẩm về đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng như Hoa trong bão, Kỳ tích Chi Lăng, Hương Ngàn, Hoa bất tử… Tiểu thuyết “Tướng không phong hàm” của nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã khắc họa cuộc đời đầy huyền thoại của đồng chí Lương Văn Tri, người cán bộ quân sự xuất sắc của Đảng ta, vị chỉ huy cao nhất của chiến khu Bắc Sơn và của Cứu Quốc quân I- tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri, chúng tôi đã gặp gỡ và nghe nhà văn kể lại quá trình viết tác phẩm này.
30 năm- sự thôi thúc riêng chung
Nhạc phụ của nhà văn Trường Thanh là ông Hoàng Văn Hán- chiến sĩ đầu tiên của đồng chí Lương Văn Tri, người chỉ huy đánh đồn Mỏ Nhài, sau bị giặc bắt và sát hại dã man. Nghĩ về sự hy sinh vẻ vang của người cha vợ, trường liên tưởng của nhà văn lại hướng về cội nguồn của tinh thần dũng cảm ấy và lý giải nó theo cách riêng của mình: đó chính là tinh thần và ý chí của người cộng sản mà đồng chí Lương Văn Tri đã khơi dậy. Và với ý thức của người “thư ký của thời đại”, ông nung nấu một ước vọng viết “một cái gì đó” về vị chỉ huy huyền thoại này.
 |
Nhà văn Nguyễn Trường Thanh |
Nhà văn có sự may mắn là một thời dạy học trên vùng đất Bắc Sơn. Đắm mình trong vùng đất lịch sử ấy, được quen biết và gặp gỡ nhiều người hoạt động cùng thời với đồng chí Lương Văn Tri, từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái; các lão thành cách mạng như ông Quốc Vinh, ông Việt Thành… được nghe kể lại cuộc đời hoạt động của người chỉ huy quân sự lỗi lạc của Đảng và quân đội; ước vọng viết về đồng chí Lương Văn Tri có cơ hội được thực hiện. Cuộc đời hoạt động cách mạng trên lĩnh vực quân sự của đồng chí Lương Văn Tri rất phong phú về nội dung, rộng về địa bàn, song do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phải giữ bí mật tuyệt đối về nhân vật cũng như địa danh; nên tư liệu về đồng chí qua thời gian ít dần và “hiếm” dần. Vậy là nghe ai biết cuộc đời hoạt động của đồng chí Lương Văn Tri, vùng đất nào gắn bó với đồng chí Lương Văn Tri… là nhà văn tìm đến với “nhân chứng sống” ghi chép một cách tỷ mỷ. Hành trình “sưu tầm tài liệu” của nhà văn kéo dài suốt 12 năm, từ năm 1968 đến năm 1980, nhiều khi định bắt tay vào viết, song thấy chưa “đủ chín”, nghĩ cũng nản. Năm 1980, khi gặp đồng chí Trường Chinh và được nghe lời khuyên “Tác phẩm lịch sử chiến tranh cách mạng là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc, nên cháu hãy cố gắng…” Được khuyến khích, động viên, lại lao vào sưu tầm, chỉnh lý tài liệu thêm… 18 năm, đến năm 1998 mới bắt tay vào viết.
“Hóa thân” vào lịch sử
Đặc điểm của tiểu thuyết lịch sử nói chung là khi “gạt” lớp “vỏ” hư cấu, “cái lõi” còn lại chính là sự chân xác của lịch sử, phải diễn tả cuộc sống trong “thời đại” đó như chính nó diễn ra. Khó hơn, đối với tiểu thuyết lịch sử chiến tranh cách mạng, sự hư cấu phải nằm trong và phù hợp với những cứ liệu lịch sử xác thực, có độ tin cậy cao để đảm bảo tính “lịch sử cụ thể” lại hợp với quy luật vận động, phù hợp với thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Yêu cầu này không chỉ là lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, mà còn là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với lịch sử của người cầm bút. Vì vậy, lâu nay đề tài này luôn là vấn đề hóc búa đối với các nhà văn.
Để khắc họa một cách chân thực và sinh động chân dung nhân vật, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà văn phải “hóa thân” vào nhân vật trong giai đoạn lịch sử ấy. Nhà văn tâm sự “Tôi viết một mạch trong 6 tháng 14 ngày xong 300 trang sách; hầu như đồng chí Lương Văn Tri “ứng vào”, “ký thác” vào để mạch văn của tôi không ngừng tuôn chảy như chính cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí, như chính dòng chảy vốn có của cuộc sống. Khi ấy, chỉ có viết mà không cần tra cứu. Viết xong, đối chiếu lại với tư liệu thường là không sai…”
Thai nghén suốt 30 năm, viết trong hơn 6 tháng, năm 1998, khi những trang viết đầu tiên được đăng tải trên báo Lạng Sơn, nhiều độc giả đã rất quan tâm. Quan tâm vì nhiều lẽ; vì sự khao khát tìm hiểu một nhân vật lịch sử – người chỉ huy khu du kích Bắc Sơn; vì đó là người con của quê hương Lạng Sơn rất gần gũi với nhân dân các dân tộc. Các vị cách mạng lão thành sống cùng thời đồng chí Lương Văn Tri lại quan tâm tìm đọc tác phẩm để… kiểm tra tính chân thực, độ chính xác của các sự kiện lịch sử được thể hiện trong tác phẩm.
Sức sống của tác phẩm không chỉ được bạn đọc Lạng Sơn “thẩm định” qua nhiều kỳ trên báo Lạng Sơn; cuối năm 1998 khi Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành, tác phẩm trở thành cuốn tiểu thuyết sớm nhất viết về đồng chí Lương Văn Tri. Cùng với tác phẩm Hoa trong bão, tiểu thuyết “Tướng không phong hàm” càng làm sáng rõ ý nghĩa lịch sử của khởi nghĩa Bắc Sơn và tư tưởng quân sự của Đảng.
Đã bước sang tuổi 76, nhưng vẫn tráng kiện và minh tuệ. Là nhà văn đa tài, song suốt cuộc đời ông vẫn trung thành với đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng và coi đó như “cái nghiệp” của mình. Hướng tới kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh đồng chí Lương văn Tri, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã quyết định tái bản tiểu thuyết này. Đó là thêm sự ghi nhận đóng góp của nhà văn Nguyễn Trường Thanh trong việc làm nên “tài sản vô giá của Đảng và dân tộc”.