Bình Ðịnh kiên cố hóa hệ thống thủy lợi
09/11/2010 08:51
Hiệu quả của phong trào toàn dân làm thủy lợi
Trong những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, phong trào toàn dân làm thủy lợi ở Bình Định phát triển rầm rộ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong giai đoạn này, 120 công trình hồ chứa nhỏ được xây dựng chủ yếu bằng công sức và nguồn vốn đóng góp của nhân dân thông qua các HTX nông nghiệp. Các công trình này bảo đảm chủ động nước tưới cho gần 20 nghìn ha diện tích gieo trồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm…, các công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng trong giai đoạn này đã phát huy tác dụng tốt, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp (nhất là vụ hè thu) góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do một số công trình chưa được xây dựng theo đúng yêu cầu kỹ thuật cơ bản, lực lượng chuyên môn kỹ thuật lúc đó còn hạn chế, kinh phí còn thiếu, đầu tư chưa đồng bộ nên dưới tác động của thiên nhiên và trong quá trình khai thác chưa có điều kiện tu bổ, do đó nhiều công trình đã xuống cấp, có nhiều tiềm ẩn gây sự cố trong mùa mưa bão.
Từ năm 2000, thông qua các dự án hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư kiên cố hóa các công trình thủy lợi (từ chủ trương của Chính phủ), Bình Định đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng 366 công trình thủy lợi kiên cố các loại, gồm 159 hồ chứa nước, 103 đập dâng và 104 trạm bơm điện. Trong đó, 109 hồ có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3, 45 hồ dung tích từ 1 triệu m3 đến dưới 10 triệu m3 và năm hồ dung tích từ 10 triệu m3 nước trở lên.
Tổng dung tích hồ chứa đạt gần 560 triệu m3; các hồ chứa phối hợp điều tiết với dòng chảy cơ bản các sông, suối hằng năm bảo đảm tưới chắc cho khoảng 96.000 ha diện tích gieo trồng (trong đó chủ yếu là cây lúa), chiếm khoảng 63,5% diện tích gieo trồng hằng năm của tỉnh. Phần diện tích còn lại được tưới bằng công trình tạm và chờ nước trời.
Ngoài ra, các công trình thủy lợi còn cung cấp nước cho dân sinh, cho nuôi trồng thủy sản và tham gia cắt lũ sớm, lũ tiểu mãn, lũ muộn và hạn chế lũ chính vụ; góp phần cải thiện môi trường sinh thái; một số công trình kết hợp tưới với phát điện và dịch vụ du lịch.
Những hệ thống công trình, công trình được đầu tư xây dựng theo đúng trình tự về đầu tư xây dựng cơ bản như các hồ chứa nước: Định Bình (226 triệu m3); Núi Một, huyện An Nhơn (110 triệu m3); Hội Sơn, huyện Phù Cát (45 triệu m3); Thuận Ninh, huyện Tây Sơn (35 triệu m3); Vạn Hội, huyện Phù Cát (14 triệu m3); đập dâng Lại Giang, huyện Hoài Nhơn và các công trình được sửa chữa, nâng cấp trong những năm gần đây, bảo đảm an toàn trong quản lý khai thác và phòng, chống lụt bão. Trong đó, công trình thủy lợi Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) là công trình cấp quốc gia. Đây là công trình thủy lợi có đập bê-tông đầu tiên ở nước ta được thi công bằng công nghệ bê-tông đầm lăn. Đập được vận hành hoàn toàn bằng cơ giới, điều hành bằng phần mềm chuyên dùng, có nhiều thiết bị quản lý vận hành hiện đại, đóng mở nhanh chóng, an toàn, không cần nhiều nhân lực. Các thiết bị quan trắc được lắp đặt trong thân đập, đo nhiệt độ, ứng suất, các chỉ tiêu làm việc của đập, nhanh chóng phát hiện các sự cố bất thường khi đập làm việc, tính an toàn cao…
Các công trình thủy lợi toàn tỉnh có hệ thống kênh mương với gần 1.520 km cần được kiên cố đến nay đã thực hiện kiên cố hóa và xây dựng theo hướng kiên cố đạt khoảng hơn 500 km, đạt 33,20%. Qua đó, tiết kiệm nước, giảm công nạo vét, kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh và tiết kiệm đất xây dựng kênh mương; kiên cố kênh mương đang được các địa phương và nhân dân hưởng ứng tích cực. Toàn tỉnh Bình Định hiện có 445 km bờ sông, trong đó đã xây dựng 177 km đê sông (sông Lại Giang 10 km, La Tinh 43 km, sông Kôn 100 km và sông Hà Thanh 24 km) trong đó khoảng 50% được sửa chữa, nâng cấp và kè bảo vệ nên bảo đảm an toàn trong phòng, chống lụt bão.
Do chủ động tưới, tiêu nên năng suất và sản lượng nông sản của tỉnh Bình Định đều tăng cao qua hằng năm. Trong đó, chỉ riêng sản lượng lương thực năm 2009 đạt 643 nghìn tấn quy thóc, cao hơn hàng trăm nghìn tấn so với năm 2005. Dự kiến năm 2010, chỉ số này sẽ là 668 nghìn tấn.
Tiến tới kiên cố hóa toàn bộ hệ thống
Công tác thủy lợi của Bình Định cũng còn nhiều việc phải làm, các ngành chức năng đang rà soát, bổ sung quy hoạch, đặc biệt tập trung các quy hoạch tiêu úng, thoát lũ; ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình quan trọng: xây dựng hoàn thành đập dâng và hệ thống kênh tưới Văn Phong, huyện Tây Sơn; các hồ chứa Trong Thượng, huyện An Lão; Đá Mài, Ông Lành, huyện Vân Canh, các công trình vốn trái phiếu Chính phủ, sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước đã xây dựng; triển khai chuẩn bị đầu tư và xây dựng các công trình như hệ thống tưới Thượng Sơn, huyện Tây Sơn; hồ Đồng Mít, huyện An Lão; hồ Thuận Phong, huyện Tây Sơn…; tổ chức thực hiện kiên cố hóa kênh mương đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 tất cả các kênh cần kiên cố hoàn thành thực hiện kiên cố hóa kênh mương. Phấn đấu bảo đảm cấp nước tưới chủ động vào năm 2015 đạt 80% và năm 2020 là 95% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Bảo đảm cấp đủ nước cho dân sinh, cho nuôi trồng thủy sản và các yêu cầu khác.
Bình Định cũng đang từng bước củng cố, nâng cấp các công trình đê điều, phòng, chống lụt bão hiện có, thực hiện chương trình củng cố, nâng cấp đê biển theo chương trình mục tiêu chung của quốc gia; tiến hành xây dựng mới các công trình tiêu úng, thoát lũ ở hạ lưu các sông lớn, vùng ven đê, vùng úng cục bộ. Xây dựng phương án tiêu úng thoát lũ cho khu vực Tây Bắc thành phố Quy Nhơn phục vụ cho phát triển không gian đô thị của thành phố và các đô thị, các khu dân cư tập trung; xây dựng các công trình phòng, chống lụt bão kết hợp di dân vùng thường xảy ra thiên tai, vùng sạt lở; phấn đấu đến năm 2015 bảo đảm di dời dân ra khỏi các vùng thường xuyên bị sạt lở, lũ lụt. Bảo đảm mục tiêu tuân thủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới về kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định Nguyễn Hữu Vui cho biết: 'Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định đang tập trung nghiên cứu rà soát, bổ sung quy hoạch cấp nước, quy hoạch tiêu thoát lũ, chỉnh trị sông, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư các công trình có tính quyết định để tranh thủ các nguồn vốn khi có điều kiện; thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong hoạt động xây dựng bảo đảm chất lượng, mỹ thuật và hiệu quả của các công trình. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh bổ sung các chính sách để huy động vốn, kết hợp xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng với các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình kiên cố hóa kênh mương, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn hỗ trợ do miễn giảm thủy lợi phí. Đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực thủy lợi, nhất là ở cơ sở…'.