Vũ Quang khôi phục sản xuất sau lũ
16/11/2010 08:18
Sau hai đợt mưa, lũ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) có hàng trăm ha ngô, rau đậu các loại hư hỏng, hơn một nghìn tấn nông sản các loại trôi, hàng trăm nghìn m3 đất đá của hệ thống giao thông, thủy lợi sạt lở với tổng thiệt hại ước tính khoảng 538 tỷ đồng. Những ngày này, cùng với sự giúp đỡ của T.Ư, đồng bào cả nước, chính quyền và nhân dân Vũ Quang đang dốc sức khôi phục sản xuất…
Ân Phú là một trong tám xã trọng điểm của huyện miền núi Vũ Quang thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi mưa và lũ lớn hằng năm. Hai trận lũ lớn xảy ra hồi tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho đời sống mọi mặt của người dân, làm hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn xã. Trong bộn bề công việc những ngày sau lũ, nhiều người dân nơi đây không thể quên nghĩa cử chân tình của gia đình cụ Cù Thị Hòa. Cụ Hòa năm nay đã ở tuổi 'xưa nay hiếm' và đã có 40 năm tuổi đảng. Ngắm ngôi nhà ba gian, cao ráo của cụ, chúng tôi thật khó hình dung đây lại là nơi trú tránh an toàn của hơn một trăm hai mươi người dân mấy tuần trước đó. Từ ngày 14 đến ngày 27 tháng 10, mưa lũ ập về khiến hầu hết nhà cửa, xóm làng bị ngập sâu, nhiều chỗ bị ngập hai, ba mét. Ở trên gò đất cao, ngôi nhà của cụ Hòa vì thế là nơi hiếm hoi chỉ bị nước ngập xâm xấp mắt cá chân. Trước cảnh người dân chạy lũ, sống mái với thủy thần, không lừng khừng, cụ Hòa nhanh chóng thống nhất với chồng là cụ Đặng Hữu Toàn mở cửa đón bà con. Chẳng những thế, vợ chồng cụ Hòa còn đem hết gạo dự trữ của gia đình để nấu cơm, đun nước uống phục vụ bà con ăn ở trong nhà. Được hỏi về suy nghĩ của mình lúc ấy, cụ Hòa cười: 'Tui nay tuổi đã cao, việc chi có ích cho xóm giềng chung quanh, mần được là tui mừng, mừng vì thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Chỉ tiếc trước đây tui không làm nhà rộng hơn để có thể đón được nhiều người hơn vô tránh lũ an toàn'. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Bí thư Đảng ủy xã Ân Phú cho chúng tôi biết, con trai của cụ Hòa là anh Đặng Minh Tâm cũng là một trong những cán bộ, đảng viên của xã tích cực giúp dân sơ tán người và tài sản trong hai đợt lũ lớn vừa qua. Anh Tâm và anh Trần Văn Hợp, trưởng công an xã và nhiều cán bộ suốt ngày rong ruổi trên thuyền, lặn lội khắp nơi để đưa hàng cứu trợ như mỳ tôm, nước uống đến từng người dân, đêm xuống lại chèo thuyền cùng đồng đội làm công tác an ninh trật tự.
Cũng như Ân Phú những ngày này, Đảng bộ và các chi bộ, cán bộ, đảng viên toàn địa bàn vùng lũ huyện Vũ Quang đang phối hợp chặt chẽ với ngành y tế hướng dẫn bà con các xóm, xã tiến hành vệ sinh và xử lý môi trường, quyết không để dịch bệnh xảy ra, lây lan diện rộng, khẩn trương sửa chữa, khắc phục lại hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Đồng thời làm tốt công tác phân phối hàng cứu trợ đến tận tay người dân, bảo đảm kịp thời, công khai, đúng người, đúng số lượng.
Đến các xã Đức Giang, Đức Bồng, Đức Liên, Đức Lạng…, của huyện Vũ Quang, điều chúng tôi ghi nhận là công tác phòng, chống lụt bão có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, người dân. Chủ động với phương châm Ɗ tại chỗ', cho nên, ngoài thiệt hại bất khả kháng, Vũ Quang đã hạn chế tối đa thiệt hại về người (toàn huyện chỉ có một người chết). Huyện ủy Vũ Quang đã thống nhất tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và của từng người. Trước, trong và sau mưa lũ đã làm xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, những người quả cảm quên mình vì nhân dân, đồng cam cộng khổ, chia sẻ với bà con từng chai nước, gói mỳ, viên thuốc, v.v. Vì thế, giữa mênh mông nước lũ, người dân không bị đơn độc, trái lại như được tiếp thêm sức mạnh để vượt lên mất mát, khó khăn, thêm vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Thể hiện đạo lý 'thương người như thể thương thân', những ngày này, từng đoàn xe hối hả chở hàng cứu trợ trên mọi nẻo đường về Hà Tĩnh, Vũ Quang để cùng chung tay, sẻ chia kịp thời với người dân vùng lũ…
Năm nào cũng vậy, 8/12 xã của Vũ Quang thường xuyên bị ngập lụt, cao điểm nhất là các năm 2002, năm 2006 và cao nhất là hai đợt ngập lụt vừa qua. Trăn trở về điều này, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cho biết: Thu nhập của dân vùng lũ hiện còn thấp, chỉ khoảng 8,2 triệu đồng người/năm và phần đông các hộ không có điều kiện làm nhà kiên cố. Đợt lũ lịch sử vừa qua khiến nhiều gia đình bị ngập cả 'chạn' (trần nhà) là nơi cất trữ lương thực, thực phẩm, tài sản. Một số vùng dân sinh sống nhiều đời gần bờ sông chưa thể di dời vì còn khó khăn về kinh phí. Thiết mong, về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để giúp Vũ Quang triển khai nhiều dự án, công trình kiên cố sống chung với lũ cho tám xã vùng ngập lụt. Cũng theo đồng chí Sơn, trong thời gian tới, để chủ động hơn trong công tác phòng chống lụt bão, hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa, lũ, cùng với làm tốt công tác tuyên truyền trong toàn đảng, toàn dân, Vũ Quang dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư, mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống, ứng cứu như phao bơi, thuyền máy, xây dựng nhà chống lũ có quy mô lớn ở các thôn, xóm.