Cuộc sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình
16/11/2010 08:20
Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, 35 xã đặc biệt khó khăn và 54 thôn, bản thuộc xã khu vực II của tỉnh Quảng Bình được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư, ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, bức tranh kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn ở Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc.
Bản làng đổi thay
Bản Đá Chát nằm về phía tây nam xã rẻo cao Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có 33 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều, sống dọc theo nhánh tây đường Hồ Chí Minh. Theo Trưởng bản Đá Chát Hồ Văn Nam, trước đây bà con dân bản sống du canh du cư, nguồn lương thực chủ yếu dựa vào rừng nên đời sống rất khó khăn. Từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương, giao rừng, giao đất đến tận hộ gia đình và sự hỗ trợ của các chương trình về xây dựng nhà ở, thực hiện các mô hình kinh tế, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Đá Chát đã tạo dựng được một cuộc sống ổn định. Các hộ gia đình trong bản tích cực vươn lên phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng chặt phá rừng, góp phần xây dựng bản làng ngày càng đổi mới. Ông Hồ Văn Nam nói: 'Chừ (bây giờ) già sướng cái bụng rồi. Nhà nước làm cho cái nhà, bộ đội biên phòng bày cho cách làm ăn. Bản có nhiều người sắm được xe máy rồi đó'.
Trước đây, đời sống gia đình anh Hồ Nghiêm rất khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nghề đi rừng. Năm 2007, gia đình anh được Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh hỗ trợ con giống, kỹ thuật và một phần kinh phí xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thịt. Đến nay, mỗi năm gia đình anh chị thu nhập khoảng bảy triệu đồng từ nghề nuôi lợn. Hồ Nghiêm còn được hỗ trợ trồng 50 gốc chuối lùn đưa lại nguồn thu khá. Các cán bộ kỹ thuật của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện hướng dẫn họ trồng các loại cây ăn quả, rau màu trong vườn nhà góp phần cải thiện đời sống. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, vợ chồng Hồ Nghiêm có điều kiện để chăm lo cho các con ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Họ còn hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ gia đình người Vân Kiều khác trong bản cùng làm ăn để thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Gia đình chị Hồ Thị Hiếu được Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện hỗ trợ nuôi lợn nái sinh sản. Hiện chị Hiếu nuôi hai con lợn nái, mỗi năm sinh sản hai lứa mang lại cho gia đình chị hơn tám triệu đồng. Chị nói: 'Trước đây, miềng (mình) có biết chăn nuôi chi mô (gì đâu). Hằng ngày vợ chồng miềng vào rừng gùi gỗ thuê, lấy mật ong để có cái ăn. Chừ khác rồi, được dự án hỗ trợ nuôi lợn, trồng chuối, miềng đã có tiền để mua gạo, cho con đi học, không phải khổ nữa rồi'.
Về Đá Chát hôm nay, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay ở khắp bản làng và trong cả nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Lâm Hóa là một xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Toàn xã có hơn 220 hộ, với gần 900 nhân khẩu, trong đó có gần một nửa là đồng bào dân tộc Mã Liềng. Được sự đầu tư của Chương trình 135 (CT 135), xã đã xây dựng nhiều công trình hạ tầng kiên cố phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Mới đây, xã đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng đưa điện từ trục chính đến bản Cáo, bản Chuối và xóm Chợ; làm hai km đường ở bản Kè và xóm Hung; xây dựng, lắp đặt trạm bơm để cung cấp nước cho bảy ha lúa hai vụ ở bản Chuối.
Người Mã Liềng từ xưa đến nay chỉ biết canh tác theo hình thức 'phát, đốt, cốt, trỉa', nay nhờ có nguồn nước và sự tận tình hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, huyện, bà con đã biết trồng lúa nước. Bà Đinh Thị Nga ở bản Chuối, xã Lâm Hóa nói: 'So với trước, chừ đời sống của bà con khá hơn nhờ làm lúa nước. Dân bản cũng đã biết rào vườn để trồng cây, nuôi lợn nên không lo đói cái bụng nữa'.
Quan tâm xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất
Quảng Bình có 35 xã đặc biệt khó khăn và 54 thôn, bản thuộc xã khu vực II được hưởng lợi từ Chương trình 135. Đến tháng 6-2010, các khu vực xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có 17.917 hộ, 88.920 nhân khẩu, trong đó có 3.585 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ năm 2006 đến 2010, CT 135 (giai đoạn 2) tỉnh Quảng Bình đã đầu tư gần 75 tỷ đồng để xây dựng 125 công trình. Đến nay có 42 công trình giao thông, 12 công trình thủy lợi, bốn công trình nước sinh hoạt, 15 công trình điện, 25 trường học, năm trạm y tế, năm nhà sinh hoạt cộng đồng và hai chợ đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Thông qua CT 135 cả hai giai đoạn và lồng ghép các chương trình, dự án khác, cơ sở hạ tầng các xã vùng đặc biệt khó khăn đã được xây dựng khang trang. Hiện nay 100% xã nằm trong CT 135 đã có trường tiểu học, 95% xã có trường THCS, 35/35 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, 33/35 xã có điện lưới quốc gia.
Tuyên Hóa là huyện có nhiều xã thuộc CT 135 nhất tỉnh Quảng Bình. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại năm trong số 20 xã, thị trấn của huyện, trong đó tập trung tại hai xã Lâm Hóa và Thanh Hóa. Những năm qua, nhờ sự đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia và sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền cho nên kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực. Từ sự hỗ trợ của CT 135, huyện Tuyên Hóa đã đầu tư 870 triệu đồng làm đường vào bản Kè, 900 triệu đồng thi công đường đến bản Cáo. Riêng đoạn nối từ đường Hồ Chí Minh đến bản Cà Xen, với số vốn 1,2 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ xây dựng. Cùng với việc làm đường vào bản, Bộ đã hỗ trợ người dân bản Cà Xen 32 ngôi nhà vững chãi. Đến nay, huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ làm 122 ngôi nhà cho bà con, bình quân mỗi nhà hơn 20 triệu đồng. Chương trình định canh định cư và CT 135 đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng xây dựng bốn công trình thủy lợi đưa nước về tưới cho bảy ha lúa. Mới đây, đập ngăn nước ở bản Bạch Tài với số vốn 900 triệu đồng đã đưa nước sinh hoạt về cho 11 hộ dân trong bản và chủ động được nguồn nước tưới cho 3,8 ha lúa hai vụ của bà con. Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tương cho biết: 'Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân ở bản Bạch Tài là 30 tạ/ha, sản lượng đạt 14,4 tấn, cây lạc 4,4 ha, sản lượng 6,16 tấn; trong vụ hè thu, năng suất lúa giảm do bị hạn. Ngoài việc trồng các cây lương thực, một số hộ gia đình như ông Hồ Viên, Hồ Văn, Hồ Bợt, Hồ Quang, Cao Thông đã biết làm vườn, chăn nuôi nên có của ăn, của để'. Còn ở xã Lâm Hóa, việc sản xuất cũng đã có nhiều tiến triển. Các bản này có gần bốn ha lúa hai vụ, tám ha đất trồng màu. Vụ đông xuân 2009-2010 có nhiều hộ thu từ năm đến sáu triệu đồng nhờ trồng lạc, nhờ thế 15 hộ đồng bào dân tộc trong xã đã mua được xe máy. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Nguyễn Tri Phương cho biết: 'Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất (CT 135, giai đoạn 2) đưa lại lợi ích thiết thực đối với các hộ nghèo được thụ hưởng. Không chỉ được hỗ trợ giống, vật tư phân bón, mua máy móc mà thông qua các lớp tập huấn, chúng tôi đã trang bị cho bà con kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi'. Theo Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình Đinh Minh Chữ, qua thực hiện CT 135 giai đoạn 2 lồng ghép với các chương trình, dự án khác, đến nay tỉnh Quảng Bình đã giảm được gần 5.000 hộ nghèo. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,2%.
Bên cạnh những chuyển biến về mặt nhận thức và cách làm để tạo lập cuộc sống, vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình còn mang nặng hủ tục lạc hậu trong đời sống, sinh hoạt và sự ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án. Mặc dù hằng năm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao (61,7%), riêng vùng dân tộc thiểu số là 82,3%. Thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện các công trình hạ tầng, các ngành, địa phương ở tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất cho bà con. Huyện Tuyên Hóa có cách làm hay trong vấn đề này, đó là các xã nằm trong CT 135 lập ban chỉ đạo sản xuất để hỗ trợ bà con trồng lúa nước và làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò. Đây là việc làm cần thiết để giúp bà con ổn định đời sống.