Thứ ba,  06/06/2023

Tình quân dân trong lũ

Hai cơn lũ trong ngày 14 và đêm 16-11 vừa qua khiến hàng vạn người dân Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế mắc kẹt trong vùng lũ nguy hiểm. Không quản ngại đến tính mạng, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là lực lượng quân đội đã lao vào các vùng bị lũ dữ, bị lũ cô lập hoành hành để cứu dân.Cuộc họp chớp nhoáng chiều 16-11 giữa Ban chỉ huy PCLB huyện Bình Sơn với các lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Ngãi và Quân khu 5 (QK 5) đã khoanh vùng xác định được những nơi còn nhiều hộ dân cần di dời khẩn cấp trong lũ dữ. Ngay sau cuộc họp, trời đã tối, chiến sĩ chia thành từng đội, lao mình vào vùng nước mênh mông. Chúng tôi bám theo đội công tác do Trung tá Phạm Ngọc Tân, Phó Chủ nhiệm hậu cần BCHQS huyện Bình Sơn đến cứu dân ở xã Bình Chương. Đội công tác xung kích của lực lượng vũ trang QK5 và tỉnh đội cũng tiếp cận kịp thời các khu dân cư ven sông Trà Bồng thuộc thôn Ngọc Trì - nơi có 42 hộ...

Hai cơn lũ trong ngày 14 và đêm 16-11 vừa qua khiến hàng vạn người dân Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế mắc kẹt trong vùng lũ nguy hiểm. Không quản ngại đến tính mạng, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là lực lượng quân đội đã lao vào các vùng bị lũ dữ, bị lũ cô lập hoành hành để cứu dân.

Cuộc họp chớp nhoáng chiều 16-11 giữa Ban chỉ huy PCLB huyện Bình Sơn với các lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Ngãi và Quân khu 5 (QK 5) đã khoanh vùng xác định được những nơi còn nhiều hộ dân cần di dời khẩn cấp trong lũ dữ. Ngay sau cuộc họp, trời đã tối, chiến sĩ chia thành từng đội, lao mình vào vùng nước mênh mông. Chúng tôi bám theo đội công tác do Trung tá Phạm Ngọc Tân, Phó Chủ nhiệm hậu cần BCHQS huyện Bình Sơn đến cứu dân ở xã Bình Chương. Đội công tác xung kích của lực lượng vũ trang QK5 và tỉnh đội cũng tiếp cận kịp thời các khu dân cư ven sông Trà Bồng thuộc thôn Ngọc Trì – nơi có 42 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu đang ngập chìm trong lũ. Nước chảy xiết, trời tối như mực. Vướng đường dây điện nông thôn chằng chịt, ca-nô cứu hộ mấy lần tiếp cận nhà dân bị chao đảo suýt lật úp khiến việc cứu dân ra khỏi vùng lũ rất khó khăn. Trung tá Phạm Ngọc Tân chỉ đạo kiên trì bám sát mục tiêu, quyết đưa ca-nô tiếp cận nhà dân bị ngập. Đội cứu hộ của lực lượng vũ trang Bình Sơn, do thuộc đường đi hơn đã nhanh chóng di chuyển ca-nô dọc theo sông Trà Bồng và tiếp cận ngay một số vùng dân cư đang ngập sâu trong nước. Trong tiếng ca-nô nổ phành phạch, chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng kêu cứu. Có người đứng trên nóc nhà dùng đèn pin ra hiệu cấp cứu. Đó là anh Phạm Tâm ở xóm Soi, đội 5 xã Bình Chương. Nước lũ ngập gần chấm mái nhà, anh Tân dỡ ngói, lên nóc nhà dùng đèn pin ra hiệu. Nhà anh Tân có mẹ già, vợ và hai đứa con nhỏ. Lực lượng cứu nạn đưa từng người lên ca-nô. Bà Đào Thị Tương, mẹ của anh Phạm Tân cho biết, mới sáng, nước lũ còn mấp mé ngoài sân, nhưng chiều lại nước lũ lên nhanh, ở nhà chỉ có bà và hai đứa cháu nội nên không kịp di chuyển đến nơi cao. Khi vợ chồng đứa con trai của bà trở về thì bị mắc kẹt không đi được vì nước quá lớn, bao vây cả làng…

Đội cứu hộ cũng cứu kịp thời gia đình bà Phạm Thị Phao, 80 tuổi ở xóm 3 thôn An Thuận. Ngôi nhà có ba bà cháu bị nước lũ bao vây cao hơn 2 m. Nghe tiếng kêu cứu của ba bà cháu, một người hàng xóm vừa bơi vừa dùng đèn pin nháy lia lịa, thật may đội cứu hộ đến kịp thời. Vừa thấy mặt các chiến sĩ, bà Thao bật khóc vì vui mừng. Được đưa lên ca-nô, nhưng ba bà cháu vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà Thao cứ nắm tay các chiến sĩ mà khẩn khoản: May quá, nhờ bộ đội đến cứu chứ không cả ba bà cháu chả biết sẽ cầm cự đến lúc nào vì lũ cứ lên vùn vụt.

Trung tá Phạm Ngọc Tân nói rằng, nhiều nơi, lũ ngập sâu quá, lại chảy xiết, nguy hiểm đến tính mạng của cả người đi cứu, nhưng chúng tôi vẫn vui vì cứu được nhiều người đến nơi an toàn, còn các chiến sĩ ăn vội vài miếng bánh ngọt, mì tôm sống, rồi lại nhanh chóng lao vào đêm tối.

Chúng tôi về thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong (Hương Trà), nơi có khoảng 1.000 hộ dân đánh bắt thủy sản. Vùng đất này năm nào cũng phải đón lũ, nhưng năm nay lũ khủng khiếp quá. Ông Nguyễn Văn Minh, người dân ở xóm Bàu Hạ, xã Hương Phong kể: Nước lên nhanh quá, hồi khuya chưa thấy nước, đến sáng mở cửa ra đã thấy nước ngập gần cửa sổ. Không kịp sắm mì tôm, dầu, mỡ chi hết. Gạo cũng đã cạn rồi, lũ lụt ni không có chỗ để xay gạo mà ăn nữa. Gần 300 hộ dân khu vực xóm mới đập Thảo Long và xóm Bàu Hạ, thôn Thuận Hòa gần ba ngày nay đã bị cô lập do nước lũ lên nhanh. Khó khăn nhất của người dân vẫn là thiếu gạo ăn và nước sạch để uống.

Tại huyện Phong Điền, huyện bị ngập lụt nặng nề nhất tỉnh. Chiều 17-11 đi dọc các xã ven sông Ô Lâu như Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương, Phong Bình, chúng tôi thấy nước vẫn ngập từ 0,3 đến 0,5 m. Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui cho biết, huyện đang sơ tán di dời hơn 2.000 hộ dân ở vùng thấp trũng, ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Theo Ban chỉ huy PCLB Thừa Thiên – Huế, đến chiều 17-11, đã có bảy người chết, hai người bị mất tích và một người bị thương do mưa lũ. Do vẫn còn ngập lũ, nhiều người dân ở xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Vinh (Quảng Điền) và những vùng thấp trũng ở các huyện, thị xã Hương Thủy và TP Huế vẫn khó đi lại. Mực nước các sông con Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu vẫn ở mức xấp xỉ báo động 3. Toàn tỉnh có hơn 27 nghìn nhà bị ngập, trong đó riêng TP Huế có tới 25 nghìn nhà.

Những ngày này, chính quyền và các cơ quan ban ngành, lực lượng quân sự, công an ở Thừa Thiên – Huế đang gấp rút sơ tán người dân từ vùng thấp đến nơi cao ráo, triển khai các biện pháp đối phó lũ lớn, đồng thời vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ nhân dân tại những vùng ngập sâu. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, phối hợp với các huyện vùng đầm phá kêu gọi 4.267 phương tiện/12.801 lao động về nơi trú ẩn an toàn. Với các trường hợp chết người do lũ, ngày 17-11, lãnh đạo các huyện, thị xã đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ kịp thời ba triệu đồng/người đã mất.

Theo Nhandan