Thứ tư,  07/06/2023

Miếu và Văn Miếu thờ thầy, thờ chữ nghĩa, đạo học của ông cha ta

LSO- Tại thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện nay có một ngôi miếu đặc biệt. Miếu này thờ thầy giáo. Thầy giáo được thờ ở miếu này là thầy Vũ Thế Lang. Người theo Nho học gọi miếu này là Thiên Cổ Miếu. Tại Thiên Cổ Miếu còn có đôi câu đối chữ Hán thể hiện sự tôn kính của nhân dân với thầy giáo: “Hùng lĩnh trung chi thắng tích Nam thiên chính khí linh từ”.Thiên Cổ Miếu được nhân dân coi là thắng tích của vùng Hùng Lĩnh, là miếu thiêng của cõi trời Nam. Qua việc ông cha ta lập miếu thờ thầy giáo và tôn ngôi cổ miếu là chính khí của dân tộc, chúng ta thấy rằng, ông cha ta “tôn sư trọng đạo”, coi trọng sự học, đạo học đến nhường nào! Tại thủ đô Hà Nội có Văn Miếu, nơi thờ tự và giữ gìn, tôn vinh những giá trị thuộc về chữ nghĩa cổ kính nhất của nước ta. Sử cũ cho biết, Văn Miếu Hà Nội được xây năm 1070. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô Hoa Lư, định đô Thăng...

LSO- Tại thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện nay có một ngôi miếu đặc biệt. Miếu này thờ thầy giáo. Thầy giáo được thờ ở miếu này là thầy Vũ Thế Lang. Người theo Nho học gọi miếu này là Thiên Cổ Miếu. Tại Thiên Cổ Miếu còn có đôi câu đối chữ Hán thể hiện sự tôn kính của nhân dân với thầy giáo:

“Hùng lĩnh trung chi thắng tích
Nam thiên chính khí linh từ”.

Thiên Cổ Miếu được nhân dân coi là thắng tích của vùng Hùng Lĩnh, là miếu thiêng của cõi trời Nam. Qua việc ông cha ta lập miếu thờ thầy giáo và tôn ngôi cổ miếu là chính khí của dân tộc, chúng ta thấy rằng, ông cha ta “tôn sư trọng đạo”, coi trọng sự học, đạo học đến nhường nào!

Tại thủ đô Hà Nội có Văn Miếu, nơi thờ tự và giữ gìn, tôn vinh những giá trị thuộc về chữ nghĩa cổ kính nhất của nước ta. Sử cũ cho biết, Văn Miếu Hà Nội được xây năm 1070. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô Hoa Lư, định đô Thăng Long. Sáu mươi năm sau, năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu tại vùng đất có phong thủy đẹp thuộc 2 làng Cổ Giám và Văn Hương của kinh đô Thăng Long để thờ chữ nghĩa, là nơi để cho con vua đến nghe giảng sách, thấy sự cần thiết của tri thức mà gắng học, gắng dùi mài kinh sử. Sáu năm sau, năm 1076, nhà Lý cho xây dựng Quốc Tử Giám ở phía sau Văn Miếu. Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của nước ta. Những năm 1236, 1243, 1252, Quốc Tử Giám được mở mang thêm và đến thời nhà Trần thì được đổi tên thành Quốc Học Viện. Đến thời nhà Lê, Quốc Học Viện được đổi thành Thái Học Viện, sự học, đạo học càng được coi trọng. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho xây bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu. Câu nổi tiếng được khắc trên bia Văn Miếu dựng năm đó là “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí”. Văn Miếu có 82 con rùa đội 82 văn bia được dựng từ năm 1484 đến năm 1780. Trên mặt 82 văn bia này ghi họ tên và quê quán của 1.306 tiến sĩ đỗ đạt qua 82 kỳ thi Đình, trong đó có 2 danh sĩ đặc biệt là Nguyễn Hiền thi đậu tiến sĩ năm 12 tuổi và Quách Đồng Dần năm 68 tuổi mới thi đậu tiến sĩ. 82 bia tiến sĩ này gồm 14 bia giai đoạn 1484 – 152, 25 bia năm 1653 và 43 bia giai đoạn 1717 – 1780. Các tấm bia đều được trang trí long, ly, qui, phượng, riêng tấm bia năm 1643 lại độc đáo với hình những người nông dân bên con trâu. Các chuyên gia Hà Nội học cho rằng, đây là điều rất quý, khi trên tấm bia tiến sĩ lại có hình ảnh nông dân, thể hiện tư tưởng khuyến nông, trọng sĩ của ông cha ta thời đó. Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội là một công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, nơi thờ Khổng Tử, thờ chữ nghĩa, đạo học mang đậm dấu ấn các triều đại Lý, Trần, Lê là biểu tượng của tinh thần hiếu học, của đạo lý “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Ngoài Văn Miếu Hà Nội, nước ta còn có Văn Miếu Huế và nhiều Văn Miếu hàng tỉnh, trong đó, Văn Miếu Bắc Ninh là một Văn Miếu nổi tiếng. Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng từ thời Lê, đặt ở sườn phía tây bắc núi Châu Sơn, thị trấn thị Cầu. Văn Miếu này năm 1820 được đại tu, năm 1826 được xây thêm đền Khải Thánh, năm 1889 được dựng các bia đá kim bảng lưu phương, năm 1893 được chuyển về vị trí hiện nay: Xóm 10, xã Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Văn Miếu Bắc Ninh ghi khắc tên tuổi khoa danh của 677 vị tiến sĩ từ thời Lý đến hết thời Nguyễn xuất thân quê hương Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Giang thuộc Hưng Yên). Năm 2002, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để đại tu Văn Miếu Bắc Ninh, các hạng mục công trình đều được xây dựng lại bằng gỗ lim và các chất liệu truyền thống theo lối cổ truyền, tạo tác một khánh đá, tượng Khổng Tử, làm 14 con rùa để dựng đặt bia kim bảng lưu phương…




Trong nội khu Văn Miếu (Hà Nội)

Tại tỉnh ta, Văn Miếu được xây dựng trong thời Lê, cuối thể kỷ XVII, đặt ở cửa Bắc thành Lạng Sơn (cách cổng thành cổ phía Bắc 150 mét, cách bờ sông Kỳ Cùng 50 mét trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Lạng Sơn ngày nay). Đầu thế kỷ XVII, Văn Miếu này dời đến gò Long Địa (còn gọi là núi Hang Dê) cách núi Đại Tượng, Chùa Tiên khoảng 300 mét. Cuối thể kỷ XIX, khoảng năm 1890, Văn Miếu này được dời đến khu phố Đông Kinh (khu vực núi Phai Vệ này nay). Thời ấy, Văn Miếu Lạng Sơn thờ Khổng Tử, vị tổ sư của Nho giáo, người thầy vĩ đại của sự học hành, là nơi vinh danh người học rộng, tài cao, thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo” của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn”.
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp chúng ta chiêm ngưỡng miếu, Văn Miếu thờ thầy, thờ chữ nghĩa, đạo học của ông cha ta. Bia Văn Miếu Hà Nội ghi: “Các bậc tiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chính thể. Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước tăng tiến mạnh mẽ và phồn thịnh. Khi yếu tố này kém thì quyền lực đất nước bị suy giảm. Những người giỏi, có học thức là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với đất nước”. Chiêm ngưỡng miếu, Văn Miếu, đọc bia Văn Miếu, thấy rõ rằng, ông cha ta đề cao đạo lý “tôn sư trọng đạo”, trọng sự học, đạo học, mong sao có người thầy thực giỏi dạy người thực học, đào tạo người thực tài sao cho đất nước dồi dào nguyên khí.





Trung Thành