Rét tại các tỉnh phía bắc kéo dài đến ngày 25-1
15/01/2011 09:31
TP Hồ Chí Minh xuất hiện sương mù dày đặc * Số lượng gia súc chết rét tiếp tục tăngTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, đợt rét ở các tỉnh phía bắc sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 25-1. Hiện nay, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Hôm nay, 15-1, bộ phận không khí lạnh sẽ tăng cường xuống các tỉnh bắc. Khoảng ngày 17 và 20, 21-1 sẽ có thêm hai đợt không khí lạnh tăng cường liên tiếp. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ có mưa rải rác; Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, trời tiếp tục rét đậm, rét hại; vùng núi cao cần đề phòng băng giá. Khu vực nam Biển Đông do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của rãnh áp thấp nên tiếp tục duy trì gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 - 9 và có mưa dông rải rác. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tràn về từ phía bắc khiến độ ẩm trong không khí...
TP Hồ Chí Minh xuất hiện sương mù dày đặc * Số lượng gia súc chết rét tiếp tục tăng
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, đợt rét ở các tỉnh phía bắc sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 25-1. Hiện nay, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Hôm nay, 15-1, bộ phận không khí lạnh sẽ tăng cường xuống các tỉnh bắc. Khoảng ngày 17 và 20, 21-1 sẽ có thêm hai đợt không khí lạnh tăng cường liên tiếp. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ có mưa rải rác; Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, trời tiếp tục rét đậm, rét hại; vùng núi cao cần đề phòng băng giá. Khu vực nam Biển Đông do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của rãnh áp thấp nên tiếp tục duy trì gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 – 9 và có mưa dông rải rác. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tràn về từ phía bắc khiến độ ẩm trong không khí tại các tỉnh miền nam tăng cao. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xuất hiện sương mù dày đặc, tại nhiều khu vực trong trung tâm thành phố đã có mưa phùn. Không chỉ xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố khác tại miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cũng xuất hiện sương mù. Dự báo, sương mù có thể sẽ kéo dài trong vài ngày nữa và xuất hiện nhiều đợt đến Tết Nguyên đán Tân Mão.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 779 con trâu, bò chết do rét. UBND tỉnh đã lập các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo các địa phương cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa, tiến hành mọi biện pháp bảo vệ đàn gia súc, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 2.953 con trâu, bò bị mắc bệnh lở mồm, long móng (LMLM). Tuy nhiên số trâu, bò mắc bệnh đã được cứu chữa, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Đến ngày 13-1, tỉnh Cao Bằng có 1.795 con trâu, bò chết. Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân về biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, không thả rông trâu, bò, phủ bạt chuồng trại, che chắn, tránh gió lùa. Dự trữ đầy đủ thức ăn khô như cỏ voi, rơm khô, và một số loại thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò.
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn, đợt rét đậm, rét hại từ đầu năm 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh đã làm cho 510 con trâu, bò chết, trong đó có 460 con được xác định là chết đói, chết rét, số còn lại chết do bị bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã liên tục có những biện pháp chỉ đạo, vận động nông dân tích cực chống rét cho gia súc. Nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động chuẩn bị rơm khô, cỏ, lá cây, sửa chữa, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sử dụng phên, bạt, chăn cũ để che chắn chuồng trại. Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại kéo dài, có nơi 4-5oC kèm theo mưa phùn đã làm cho trâu, bò không còn sức đề kháng bắt đầu có biểu hiện chết hàng loạt.
Ngày 14-1, hai ngày sau khi nhiệt độ xuống thấp nhất -2oC, tỉnh Lào Cai đã có hơn 500 con trâu, bò bị chết vì rét và thiếu cỏ. Ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức bốn đoàn công tác đến tận các xã, thôn, bản bị thiệt hại nặng để chỉ đạo nông dân chống rét cho gia súc. Huyện Sa Pa lập 17 đội công tác xuống tất cả các xã để hướng dẫn và tham gia cùng người dân phòng, chống rét cho gia súc. Đồng thời trích 240 triệu đồng mua gần 7.000 m2 vải bạt che chắn chuồng, may áo cho trâu; hỗ trợ tiền mua ngô bột cho khoảng 2.650 con trong tổng số gần 10 nghìn con trâu, bò ở 17 xã, thị trấn. Tỉnh đoàn Lào Cai đã phát động phong trào quyên góp, ủng hộ được 10.000 m2 vải bạt cho nông dân các xã vùng cao ở huyện Mường Khương, Bắc Hà và Bát Xát.
.jpg)
Người dân Sa Pa (Lào Cai) sơ tán trâu xuống vùng thấp tránh rét.
Đến ngày 14-1, tỉnh Yên Bái đã có 470 con trâu, bò và một con ngựa bị chết do đói và rét. Nguyên nhân do trời quá lạnh, nhiều nơi ở vùng cao hơn 1.000 m xuất hiện băng giá; trâu, bò, ngựa thiếu cỏ ăn nhiều ngày dẫn tới chết đói. Trong những ngày tới, thời tiết trong vùng Tây Bắc tiếp tục mưa rét kéo dài thì số đại gia súc chết sẽ tăng lên từng ngày. Hiện nay, cán bộ khuyến nông, thú y trong tỉnh tiếp tục bám cơ sở để tập huấn, chỉ đạo người dân bổ sung dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại, đốt lửa giữ ấm cho trâu, bò, ngựa hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.
Đợt rét đậm vừa qua, tỉnh Hòa Bình có 233 con trâu, bò chết do đói rét, chủ yếu là bê, nghé và trâu, bò già. UBND tỉnh đã có công điện khẩn gửi UBND các huyện, thành phố và ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo nông dân quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho trâu, bò như che chắn chuồng trại, khai thác mọi nguồn phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho trâu, bò. Chi cục Thú y tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, từng nhà dân để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân bảo vệ an toàn đàn trâu, bò bằng mọi biện pháp.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Bình Định, để đề phòng và chống rét cho hơn 40 nghìn trâu, bò ở ba huyện An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh, Chi cục đã vận động các hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại kín gió, tích trữ thức ăn tươi và rơm rạ khô cho trâu, bò ăn trong thời gian xảy ra mưa rét kéo dài. Đồng thời vận động người chăn nuôi chấm dứt tình trạng chăn thả trâu, bò sống lang thang trong rừng, không nơi nhốt và thường bị đói, rét dẫn đến tình trạng trâu, bò bị chết khá nhiều như trước đây.
Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, từ tháng 11-2010 đến nay, tỉnh Bình Thuận luôn duy trì hai chốt kiểm dịch động vật ở hai đầu nam, bắc địa giới tỉnh trên quốc lộ 1A. Ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, nhất là dịch lở mồm, long móng. Theo đó, yêu cầu các huyện giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Chi cục Thú y tỉnh đẩy mạnh giám sát bệnh LMLM, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn để kịp thời hướng dẫn người chăn nuôi chủ động phòng, tránh.
Theo Nhandan