Quyết liệt bảo vệ mạ, gia súc trong các đợt rét đậm, rét hại
18/01/2011 08:47
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trời tiếp tục rét đậm, rét hại; vùng núi cao cần đề phòng băng giá. Khu vực nam Biển Đông do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của rãnh áp thấp nên tiếp tục duy trì gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7; giật cấp 8, cấp 9 và có mưa rào và dông rải rác. Biển động mạnh.
Theo Cục Chăn nuôi, tính đến ngày 16-1, rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía bắc đã làm 9.906 con trâu, bò, lừa, ngựa chết. Điều đáng nói là số lượng gia súc chết vẫn đang tăng nhanh, trong đó các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Cao Bằng… là nơi có tỷ lệ gia súc chết nhiều nhất. Tình trạng trâu bò chết cũng đã xuất hiện ở những địa phương mới như Hòa Bình (450 con), Bắc Giang (116 con), Tuyên Quang (54 con) và cả miền trung như Quảng Bình (72 con), Hà Tĩnh (66 con)… Hiện nay, Cục đã cử các đoàn công tác đến từng địa phương bị thiệt hại để hướng dẫn cho người chăn nuôi thực hiện phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Đến nay, tỉnh Hà Giang đã có 843 con gia súc chết rét. Ngoài ra, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo sương muối nên nhiều diện tích cỏ chết, làm khan hiếm nguồn thức ăn. Tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì và Bắc Mê, nhiều hộ không chỉ thiếu cỏ, mà cả thức ăn dự trữ như rơm khô, bã mía, thân cây ngô… cũng không có để cho trâu, bò ăn. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho những hộ nghèo để mua thức ăn cho gia súc trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Ngoài ra, từ ngày 14 đến 16-1, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra tại năm xã của huyện Xín Mần, làm 180 con gia súc mắc bệnh. Chi cục Thú y tỉnh đang phun thuốc tẩy trùng, khoanh vùng dập dịch; tổ chức trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 4C để kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào vùng có dịch…
Đến ngày 16-1, tỉnh Lào Cai có hơn 1.500 con trâu, bò chết rét. Tỉnh đã trích kinh phí, vật liệu trợ giúp nhân dân làm chuồng trại; trong đó, huyện Si Ma Cai trợ giúp 300 triệu đồng mua bạt che chắn chuồng trại, trợ giúp mua thức ăn cho gia súc; huyện Bắc Hà trợ giúp 22.000 m2 bạt che… Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cách phòng, chống rét, chăm sóc đàn gia súc cho đồng bào; chỉ đạo các phòng, ban tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin chống các bệnh truyền nhiễm cho đàn gia súc…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, do rét đậm, rét hại kéo dài đã có 470 con gia súc chết rét. Để phòng, chống rét cho gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại, các huyện huy động mọi nguồn lực, áp dụng nhiều cách làm để chống rét cho đàn gia súc; đồng thời vận động các gia đình không thả rông trâu, bò vào rừng trong ngày lạnh giá, che đậy chuồng trại kín gió, dự trữ cỏ tươi, nấu thêm cám ngô, cháo gạo cho gia súc ăn tăng sức đề kháng.
Rét đậm kéo dài hơn một tuần qua đã gây thiệt hại nhiều cho nông dân tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt trong hai ngày 15 và 16-1, trên địa bàn TP Lạng Sơn đã có hiện tượng cá chết rét hàng loạt, mặc dù nhân dân đã chủ động phòng tránh rét cho cá bằng cách thả thêm bèo, dùng ni-lông và lưới quây chung quanh ao. Nhưng do nhiệt độ xuống quá thấp nên cá vẫn bị chết rét, chủ yếu là cá chim trắng, trắm, cá trê…
Do ảnh hưởng của rét đậm kéo dài, gây mưa, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 265 ha mạ ngập úng, 139 ha chết phải gieo sạ lại. Hiện nay, tỉnh đang tập trung bơm nước chống úng; hướng dẫn và vận động nhân nhân ở các vùng có nguy cơ bị ngập úng cao chú ý gia cố bờ bao, chọn giống cây ngắn ngày. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chuẩn bị 50 tấn giống lúa ngắn ngày, nhằm đáp ứng kịp thời cho người dân gieo sạ lại cho kịp khung thời vụ.
Đến nay, tỉnh Phú Yên đã gieo sạ hơn 23.400 ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, do mưa và rét lạnh kéo dài, sâu bệnh phát triển trên hơn 6.000 ha lúa đang đẻ nhánh. Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng diệt chuột, phun thuốc diệt cỏ, thu gom ốc và trứng ốc bươu vàng, thực hiện chế độ đầu tư thâm canh hợp lý trên chân ruộng sử dụng giống nhiễm bệnh.
Theo UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), ba ngày nay chính quyền xã và người thân mất thông tin liên lạc với chín thuyền viên đi trên tàu TH-TS 90507. Được biết, sáng 15-1 chiếc tàu trên mất liên lạc với các tàu bạn và đất liền ở tọa độ 20,12 độ vĩ bắc, 58,107 độ kinh đông, cách đảo Bạch Long Vĩ hơn 10 hải lý. Chính quyền xã Ngư Lộc đã liên lạc, huy động gần 10 tàu cá của địa phương đang khai thác, đánh bắt thủy sản ở khu vực này tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Chiều 17-1, do sóng to, gió lớn các tàu huy động buộc phải tạm dừng hoạt động tìm kiếm để tìm nơi trú ẩn.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị bước vào đợt triều cường lớn. Dự báo, mực nước tại trạm Phú An có khả năng đạt mức báo động 2 vào 4 giờ ngày 20-1. Ngoài ra, do khu vực Nam Bộ đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường khiến gió mùa đông bắc hoạt động mạnh đẩy nước vào sâu trong nội đồng nên triều cường trong những ngày tới còn có khả năng đạt đỉnh cao hơn. Các khu vực thấp trũng, ngoại thành, vùng ven thành phố cần đề phòng triều cường dâng cao làm vỡ bờ bao gây ngập nặng.
Bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng
Ngày 14-1, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 04/2011/NĐ-CP, thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống đê sông Hồng có hiệu lực thi hành từ ngày 10-3-2011. Theo đó, các giải pháp phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng phải được điều chỉnh nhằm bảo đảm an toàn cho Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng theo quy hoạch phòng, chống lũ phù hợp với quy định. Để thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ, sẽ sử dụng công trình thủy điện Sơn La, phối hợp các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia điều tiết liên hồ cắt lũ cho hạ du. Cùng với đó là quy định quy hoạch xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống đê, nạo vét lòng dẫn sông Đáy để chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy; bảo đảm sông Đáy thoát được lưu lượng nước cao nhất 2.500 m3/giây để dự phòng khi xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng, hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội…