Thứ tư,  07/06/2023

Quảng Ninh trước thềm xuân

Hòa chung khí thế sôi nổi thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XI của Đảng trên khắp mọi miền Tổ quốc, những ngày này, hàng nghìn cán bộ, công nhân xây dựng cầu đường ở tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18C, tỉnh lộ 329, 340...Tỉnh Quảng Ninh vừa có rừng, có biển, vừa có đồng bằng, miền núi, có nhiều dân tộc anh em. Đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng kinh tế động lực của các tỉnh đông bắc, Quảng Ninh được tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, đặc biệt là hệ thống cầu, đường. Không tính đường thủy, đường sắt, đường không, toàn tỉnh hiện có hàng nghìn km quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Năm năm qua, tỉnh có thêm nhiều dự án được khởi công và hoàn thành, như cầu Bãi Cháy, cầu Bang, một số cầu vượt đường sắt, nhiều tuyến giao thông huyết mạch, đường tới khu kinh tế, khu cửa khẩu, cùng nhiều km giao thông...

Hòa chung khí thế sôi nổi thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XI của Đảng trên khắp mọi miền Tổ quốc, những ngày này, hàng nghìn cán bộ, công nhân xây dựng cầu đường ở tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18C, tỉnh lộ 329, 340…

Tỉnh Quảng Ninh vừa có rừng, có biển, vừa có đồng bằng, miền núi, có nhiều dân tộc anh em. Đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng kinh tế động lực của các tỉnh đông bắc, Quảng Ninh được tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, đặc biệt là hệ thống cầu, đường. Không tính đường thủy, đường sắt, đường không, toàn tỉnh hiện có hàng nghìn km quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Năm năm qua, tỉnh có thêm nhiều dự án được khởi công và hoàn thành, như cầu Bãi Cháy, cầu Bang, một số cầu vượt đường sắt, nhiều tuyến giao thông huyết mạch, đường tới khu kinh tế, khu cửa khẩu, cùng nhiều km giao thông nông thôn, đường vào khu dân cư theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Quảng Ninh đang khẩn trương thực hiện các dự án cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Hạ Long – Móng Cái, xây dựng sân bay Vân Đồn, hạ tầng các khu đô thị mới… Giao thông phát triển như &#39nhịp cầu nối những bờ vui&#39, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững. Năm năm qua, Quảng Ninh đã đón 21 triệu lượt khách du lịch, đạt tổng doanh thu hơn 11 nghìn tỷ 400 triệu đồng; thu hút hơn 6.500 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký hơn 60 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 nêu quyết tâm, phấn đấu đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cơ bản đạt các tiêu chí của tỉnh nông thôn mới.

Từ vùng mỏ

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Quảng Ninh hôm nay đã có nhiều cải thiện. Cạnh khu nhà 11 tầng bề thế, khang trang với vài trăm phòng của Công ty cổ phần Than Hà Lầm (TKV) dành cho công nhân, là sân bóng, nhà thi đấu thể thao, là hệ thống điện, đường, đèn chiếu sáng với các hàng cây rợp bóng quanh năm. Chúng tôi gặp anh Ngô Thế Hiệp, anh Nguyễn Văn Hóa, công nhân Công trường khai thác cơ bản của Hà Lầm vừa đi làm về. Các anh phấn khởi cho biết, khi giao ca, qua đồng nghiệp, các anh vẫn cập nhật thông tin về các phiên làm việc của Đại hội XI của Đảng. Anh Hóa còn cho biết thêm: Tết này, ngoài tiền lương mười mấy triệu đồng, mỗi người còn được công ty thưởng một khoản kha khá! Công ty cổ phần than Hà Lầm hiện có 4.550 cán bộ, công nhân viên và là một trong nhiều đơn vị mạnh của ngành than. &#39Chú trọng công tác chăm lo đời sống và bảo đảm điều kiện làm việc an toàn chính là động lực để người lao động phát huy sáng kiến, nâng cao năng suất lao động, gắn bó với truyền thống đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm của công ty&#39. Đồng chí Vũ Thanh Nhàn, Bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần than Hà Lầm khẳng định và cho biết thêm: Nhiều năm qua, Đảng ủy Công ty thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo Công ty trong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phục vụ tốt hiệu quả sản xuất, khai thác. Hiện nay, Đảng ủy đang tích cực chỉ đạo các đơn vị và nhà thầu khẩn trương lắp đặt thiết bị giếng, đào lò xuyên vỉa mở thông mức âm 300. Khi dự án hoàn thành (năm 2014) sẽ mở ra diện khai thác hàng trăm triệu tấn với công suất 2,4 triệu tấn than mỗi năm, bảo đảm cho công ty sản xuất ổn định và phát triển bền vững.

Đến đảo xa

Từ thành phố Hạ Long đi các huyện miền đông như Ba Chẽ, Vân Đồn,… đến miền tây là Hoành Bồ, Uông Bí, Yên Hưng,… từ thành thị đến nông thôn, vùng cao hay hải đảo, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp nét phấn khởi, vui tươi của mọi người. Chưa hết ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của Vịnh Bái Tử Long nhấp nhô núi đá, đoàn khách lại trầm trồ khi Cô Tô hiện lên sau dải núi thấp thoáng trên mặt biển khơi. Cảng Cô Tô nhộn nhịp các hoạt động đi lại, mua bán, thông thương hàng hóa, chẳng khác cảng Cái Rồng của huyện Vân Đồn. Hàng hóa vào đảo là xi-măng, sắt thép, xe máy, xăng, dầu, hàng dân dụng,… Hàng rời đảo là những kiện xốp, bình, vại đựng các loại hải sản. Anh Hoàng, chủ tàu đánh bắt ở đây cho biết: Hằng ngày có hàng trăm tấn hàng hóa xuất nhập cảng Cô Tô bằng ca-nô, tàu, thuyền lớn, nhỏ. Cô Tô mấy năm nay đón nhiều khách du lịch hơn, vả lại, &#39đất lành chim đậu&#39, người ra lập nghiệp, giao thương, đầu tư, làm kinh tế biển, kinh tế du lịch… cũng tăng đáng kể. Gập chiếc điện thoại di động sau cuộc trao đổi với bạn hàng, chị Lê Thị Thu Huyền, một người dân ở Cô Tô, bộc bạch: &#39Trước kia nói ra đảo là nhiều người hãi lắm. Không hẳn vì sợ sóng to, biển cả mà vì ở đảo, khó khăn bộn bề. Nhưng nay, từ đất liền, chỉ khoảng hơn hai tiếng đồng hồ là tàu cập đảo (nếu đi tàu cao tốc thì chỉ mất vài chục phút). Ở đảo bây giờ, các anh xem, đường xá, trường học, bệnh viện, chợ búa… có kém đất liền mấy đâu&#39.

Huyện Cô Tô (Quảng Ninh), có hơn bốn nghìn ha đất tự nhiên, có tiềm năng kinh tế rất đa dạng, nhất là kinh tế biển và du lịch sinh thái. Khơi dậy tiềm năng ấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, Huyện ủy, chính quyền Cô Tô đã chủ động đưa các nghị quyết, chủ trương vào thực tiễn bằng nhiều hình thức sáng tạo, nhất là công tác quy hoạch lại khu dân cư và hệ thống hạ tầng cơ sở. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan đảo, đồng chí Trần Văn Diên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cô Tô vừa giới thiệu những công trình được tỉnh, huyện mới đầu tư, chỉnh trang, xây mới như: Kè cảng đến khu Tượng đài Bác Hồ, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ, đê Trường Xuân, hệ thống điện lưới, hồ chứa nước,… Những công trình ấy đang góp phần quan trọng trong việc phát triển các tiềm năng, thế mạnh của Cô Tô. Bên cạnh nghề biển, thương mại, dịch vụ, nhiều hộ dân ở đây còn kết hợp nông – lâm – ngư rất hiệu quả. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Đăng Lương ở khu 1, thị trấn Cô Tô. Vừa là chủ tàu cá có tải trọng sáu tấn, anh vừa trồng rau sạch, đào ao thả cá rô đơn tính, nuôi hàng chục con lợn nái, mỗi năm cho thu nhập ước tính vài trăm triệu đồng.

Huyện đảo Cô Tô hôm nay, tuy chưa có những căn hộ, biệt thự hiện đại như trong đất liền nhưng đa số nhà cửa cũng khang trang, không ít nhà hai, ba tầng kiên cố. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tốc độ tăng thu ngân sách hằng năm trên địa bàn huyện Cô Tô luôn vượt hơn 10% kế hoạch. Năm 2010, tổng sản lượng sản xuất ngư nghiệp toàn huyện đạt gần chín nghìn tấn, vượt 3,5 nghìn tấn so với năm 2006. Các lĩnh vực khác đều có bước tăng trưởng khá, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%. Cô Tô đang khai thác mạnh mẽ hơn các tiềm năng, thế mạnh của mình, quyết tâm xây dựng huyện đảo vững mạnh toàn diện trên vùng biển tuyến đầu đông bắc của Tổ quốc.

Theo Nhandan