Thứ năm,  01/06/2023

Cần kiểm soát và quản lý dịch vụ siêu âm giới tính

LSO-Từ xưa các cụ đã có câu: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, thực tế cho thấy: một người phụ nữ cả cuộc đời luôn đóng vai trò quan trọng là linh hồn, trụ cột trong gia đình, là người lo toan gánh vác hết những vất vả từ việc nhỏ đến lớn, như việc đồng áng (ở nông thôn), chợ búa, bếp núc, đến nuôi dạy con cái trưởng thành. Thời buổi hiện nay, phụ nữ không chỉ làm công việc nội trợ, nuôi dạy con cái mà còn tham gia vào phát triển kinh tế gia đình với các công việc xã hội không thua gì nam giới… Tuy nhiên, với nét tâm lý “đặc trưng” của đại bộ phận dân Việt Nam, nữ giới - về góc độ nào đó vẫn chưa được coi trọng. Bằng chứng lớn nhất là việc các cặp vợ chồng - đặc biệt là các ông chồng và phía bên gia đình nhà chồng thường có tư tưởng thích sinh con trai (cháu trai) hơn con gái. Với những người mẹ thì những đứa con dù trai hay gái vẫn yêu thương bằng nhau nhưng phụ nữ chịu...

LSO-Từ xưa các cụ đã có câu: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, thực tế cho thấy: một người phụ nữ cả cuộc đời luôn đóng vai trò quan trọng là linh hồn, trụ cột trong gia đình, là người lo toan gánh vác hết những vất vả từ việc nhỏ đến lớn, như việc đồng áng (ở nông thôn), chợ búa, bếp núc, đến nuôi dạy con cái trưởng thành.
Thời buổi hiện nay, phụ nữ không chỉ làm công việc nội trợ, nuôi dạy con cái mà còn tham gia vào phát triển kinh tế gia đình với các công việc xã hội không thua gì nam giới… Tuy nhiên, với nét tâm lý “đặc trưng” của đại bộ phận dân Việt Nam, nữ giới – về góc độ nào đó vẫn chưa được coi trọng. Bằng chứng lớn nhất là việc các cặp vợ chồng – đặc biệt là các ông chồng và phía bên gia đình nhà chồng thường có tư tưởng thích sinh con trai (cháu trai) hơn con gái. Với những người mẹ thì những đứa con dù trai hay gái vẫn yêu thương bằng nhau nhưng phụ nữ chịu tâm lý, áp lực nặng nề nếu không – hoặc chưa sinh được cho nhà chồng đứa con trai nối dõi. Ở nông thôn một cặp vợ chồng có thể sinh từ 3 đứa con trở lên, có thể thích đông con, có thể “cố” đẻ cho đến khi nào được một thằng cu. Công nhân viên chức làm việc trong nhà nước thì khác, tiêu chuẩn đặt ra dù gái hay trai cũng chỉ được sinh 2 con, nếu sinh con thứ 3 là phải chịu các hình thức phạt, xử lý tại cơ quan, đơn vị đang công tác. E dè điều đó nên dịch vụ siêu âm giới tính cho thai nhi được nhiều người tìm đến để lựa chọn đẻ con trai, bằng cách: siêu âm nếu là con trai thì để sinh, còn nếu là con gái thì làm thủ thuật hút, nạo (!). Bình thường, tỷ số giới tính khi sinh dao động từ 103-108, tỷ số giới tính khi sinh của một quốc gia, một vùng hoặc một tỉnh/thành phố từ 109-110 là tiệm cận mất cân bằng giới tính khi sinh, từ 110 trở lên là biểu hiện của sự mất cân bằng giới tính khi sinh, như vậy, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của mất cân bằng giới tính khi sinh (năm 2008 là 112).
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?
Từ các kết quả nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam bắt nguồn từ bất bình đẳng giới (BBĐG). BBĐG vẫn tồn tại trong ý thức và cả hành động của đại bộ phận dân cư và mang ý nghĩa quyết định tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Việt Nam là nước châu Á có chế độ gia tộc phụ hệ truyền thống, con theo họ bố. Con trai mới được nối dõi tông đường, mới được vào nơi thờ tự…. BBĐG dẫn đến tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có người nối dõi tông đường, muốn có chỗ dựa vững chắc khi về già hoặc nguồn lao động chính trong gia đình. Nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai – đặc biệt là những cặp vợ chồng có con gái trong những lần sinh trước đó, kết quả điều tra biến động dân số kế hoạch hóa gia đình cho thấy có tới 39% số bà mẹ sinh con thứ ba là do chưa có con trai trước đó. Thực tế hiện nay cho thấy, nếu con gái được chăm sóc và giáo dục tốt, học hành đầy đủ thì sẽ có hiếu với cha mẹ còn hơn cả con trai. Mong muốn có con trai, cháu trai từ phía gia đình nhà chồng cũng là một sức ép lớn đối với người phụ nữ, đặc biệt khi người phụ nữ đó là dâu trưởng hay con dâu độc nhất trong gia đình. Nhiều người chồng không biết thông cảm và chia sẻ gánh nặng với vợ cũng đứng về phía cha mẹ để đòi hỏi vợ phải sinh thêm con trai. Cả ở nông thôn hay thành thị, không ít tình trạng ngược đãi, bạo lực trong gia đình chỉ vì muốn sinh con trai, ngoài ra phụ nữ là giới thực hiện các biện pháp tránh thai nên trong một số gia đình họ luôn ở tình trạng bị bạo lực do không thể hay không muốn sinh con trai. Nhận thức của người dân còn hạn chế do chưa tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. Kinh tế, chế độ an sinh xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính, nhiều người có tâm lý lo sợ về già sẽ không ai chăm sóc, thiếu thốn về vật chất, sợ con gái lấy chồng sẽ bỏ rơi bố mẹ nên phải sinh con trai để có người chăm sóc khi về già. Các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp thụ thai bằng cả truyền thống và hiện đại nhằm tăng khả năng sinh con trai, ở nhiều nơi (đặc biệt là ở nông thôn) các kinh nghiệm để sinh con trai được người dân truyền tay dưới dạng các tài liệu không qua kiểm nghiệm, hiện vẫn chưa có biện pháp nào khắc phục tình trạng này.
Chưa thực hiện tốt pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi
Thời nay, cùng với sự phát triển ngày càng tốt hơn của hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ hành nghề y dược trong và ngoài công lập có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, dịch vụ siêu âm sẵn có, dễ tiếp cận và chưa được quản lý chặt chẽ là điều kiện thuận lợi để người cung cấp dịch vụ thu hút khách hàng bằng cách thông báo cho các bà mẹ biết thai nhi trong bụng là trai hay gái, từ đó các bà mẹ sẽ quyết định “sự sống còn” của thai nhi tùy theo ý muốn sinh con trai hay con gái (nếu bà mẹ mang thai muốn sinh con trai, khi biết kết quả siêu âm là gái cộng với việc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình thì nhiều cặp vợ chồng có thể quyết định nạo phá thai). Sự phát triển của dịch vụ này – một mặt tạo điều kiện cung cấp chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn nhưng mặt khác cũng làm tăng tình trạng lạm dụng các kỹ thuật siêu âm, nạo phá thai bừa bãi vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Tại điều 40, khoản 7, mục b của Luật bình đẳng giới đã quy định: lựa chọn giới tính cho thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trên thực tế, khi các bà mẹ đến dịch vụ siêu âm khám và được cho biết giới tính thai nhi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật cả của khách hàng và người cung cấp dịch vụ, có thể nhận thấy rằng: sự thiếu hiểu biết của người dân về pháp luật liên quan đến việc lựa chọn giới tính cho thai nhi.

Mất cân bằng giới tính để lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội, những người phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ – thậm chí ngoài tuổi sinh đẻ vẫn phải mang trong mình sức ép từ gia đình chồng, cố đẻ để có con trai nhiều lần hoặc nạo phá thai nhiều sẽ dẫn đến sức khỏe suy kiệt ở người phụ nữ. Nếu trong những năm tới: từ năm 2010 mỗi năm số trẻ em trai sinh ra còn sống từ 110 trở lên trên 100 trẻ em gái được sinh ra còn sống thì trong vòng 20 năm tới, số lượng nam giới so với nữ giới sẽ dư thừa rất lớn, gây khó khăn trong việc lập gia đình gây những tác động xấu đối với gia đình và xã hội.

Ngọc Hà