Cuối năm về làng hương Tằm Nguyên
20/01/2011 11:22
LSO-Vào những ngày này, trên khắp các con đường dẫn vào thôn Tằm Nguyên, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, những người làm hương đang tất bật với công việc của mình. Nghề làm hương là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở Tằm Nguyên. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nghề làm hương còn mang một nét đẹp văn hoá không lẫn với các làng nghề khác.Lạng Sơn xưa có một số làng chuyên làm hương, nay chỉ còn một vài nơi duy trì nghề này, trong đó Tằm Nguyên (Tân Liên – Cao Lộc) là một trong số làng làm hương còn giữ được truyền thồng và cách làm cổ. Nghề làm hương ở Tằm Nguyên đã có từ rất lâu. Các cụ cao tuổi trong làng cũng không ai biết rõ là nghề truyền thống này có từ bao giờ. Trải qua bao thăng trầm, hương Tằm Nguyên vẫn giữ được những đặc tính mà ít loại hương nào sánh được. Hương Tằm Nguyên có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng mà nồng nàn chứ không sực nức như nhiều loại hương khác.Thôn Tằm Nguyên có 56 hộ...
LSO-Vào những ngày này, trên khắp các con đường dẫn vào thôn Tằm Nguyên, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, những người làm hương đang tất bật với công việc của mình. Nghề làm hương là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở Tằm Nguyên. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nghề làm hương còn mang một nét đẹp văn hoá không lẫn với các làng nghề khác.
Lạng Sơn xưa có một số làng chuyên làm hương, nay chỉ còn một vài nơi duy trì nghề này, trong đó Tằm Nguyên (Tân Liên – Cao Lộc) là một trong số làng làm hương còn giữ được truyền thồng và cách làm cổ. Nghề làm hương ở Tằm Nguyên đã có từ rất lâu. Các cụ cao tuổi trong làng cũng không ai biết rõ là nghề truyền thống này có từ bao giờ. Trải qua bao thăng trầm, hương Tằm Nguyên vẫn giữ được những đặc tính mà ít loại hương nào sánh được. Hương Tằm Nguyên có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng mà nồng nàn chứ không sực nức như nhiều loại hương khác.
Thôn Tằm Nguyên có 56 hộ thì hầu hết đều theo nghề làm hương. Người dân nơi đây chẳng ai biết nghề làm hương đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi lớn lên họ đã thấy ông bà, cha mẹ mình miệt mài với nghề làm hương. Người dân Tằm Nguyên làm hương quanh năm, nhưng từ tháng 9 âm lịch trở đi thì họ lại bận rộn hơn, để có được những bó hương thật tốt phục vụ cho nhân dân trong những lễ, tết, nhất là ngày Tết Nguyên đán – cổ truyền của dân tộc. Để có được những cây hương cháy đượm hồng, hết nén và cuốn tàn thì người làm hương phải thật tỉ mỉ trong từng công đoạn. Tre là nguyên liệu đầu tiên cần có để làm hương. Ở thôn Tằm Nguyên, tre mọc thành rặng, vây lấy xóm làng, nhưng tre để làm tăm hương phải là những cây tre non, mới mọc lá, dóng dài và thẳng. Tăm hương được đo và chẻ nhỏ, đều nhau theo kích thước đã định, rồi sau đó được phơi cho thật khô. Nguyên liệu làm bột hương là vỏ cây thông mục và một loại lá mà người dân địa phương quen gọi là lá dính – theo đặc điểm của loại lá này.
Các nguyên liệu được xay mịn, sau đó mỗi loại lại trộn với một số nguyên liệu khác theo kinh nghiệm và bí quyết riêng của mỗi một hộ gia đình làm hương. Công đoạn trộn bột là công đoạn quan trọng nhất, bởi nếu pha trộn không khéo, khi cháy hương sẽ có mùi khét và không được đượm. Người làm hương ở đây nói rằng, hương là sản phẩm liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh nên không thể làm ẩu, làm vội mà làm nghề này cũng cần có cái tâm. Sau khi được phơi khô, tăm hương được nhanh tay đảo đều vào các lớp bột sao cho bột dàn đều trên phần tăm hương đã được nhúng nước. Sau 3 lần nhúng nước và đảo bột, người làm hương tiến hành nhuộm chân hương. Thuốc nhuộm chân hương là phẩm hồng pha với nước đun sôi. Theo kinh nghiệm của người làm hương, nước nhuộm càng sôi thì khi phơi, chân hương sẽ càng mau khô. Chứng kiến bà con làm hương mới thấy, hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Các công đoạn đòi hỏi sự chú tâm của người thợ, phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý. Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phải phơi từ hai đến ba ngày. Họ tránh đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi. Sự chu đáo, nghiêm khắc của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên thương hiệu của hương Tằm Nguyên.
Mỗi bó hương Tằm Nguyên hiện có giá khoảng 10 nghìn đồng. Mỗi tuần, một gia đình làm được khoảng vài chục bó. Nhưng thu nhập của người làm hương vẫn còn khá bấp bênh, vì nghề này còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguyên liệu. Quy mô làm hương ở Tằm Nguyên hiện cũng đã bị thu hẹp nhiều do không có thị trường. Trong những phiên chợ cuối năm, hương Tằm Nguyên – mà mọi người vẫn quen gọi với cái tên “hương làng” được bày bán khiêm nhường bên những loại hương có tên, có tem mác. Tuy vậy, trải qua bao thăng trầm, nén hương Tằm Nguyên vẫn giữ nguyên được những phẩm chất mà ít làng hương nào sánh được, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Hương Tằm Nguyên có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu. Trong mỗi bó hương không chỉ có mồ hôi, công sức mà còn thấm đượm cả cái tâm, cái đức và sự gắn bó với nghề của người làm hương.
Tết sắp đến, năm mới mong rằng, một ngày không xa, hương Tằm Nguyên sẽ có được một thương hiệu, một hướng phát triển xa hơn, để người dân nơi đây có thể làm giàu từ sản phẩm hương. Và cũng mong rằng người dân Tằm Nguyên sẽ gìn giữ và phát huy nghề làm hương truyền thống, để xứ Lạng giữ được nét đẹp của một làng nghề.
Trí Dũng