Một mô hình hấp dẫn người cao tuổi
21/01/2011 11:10
Sự hình thành câu lạc bộ này bắt nguồn từ phong trào tập dưỡng sinh của các cụ. Nghỉ công tác, về hưu, ai cũng nhận ra, sức khỏe là điều quan trọng hàng đầu, 'sức khỏe là mẹ tinh thần'. Vì vậy, dù bộn bề nhiều công việc không tên, ai cũng dành thời gian tập luyện. Tập các động tác thể dục buổi sáng, tập đi bộ buổi chiều, tập theo máy lập trình, tập thái cực quyền, múa gậy, xòe quạt, tập yoga, ngồi thiền, chơi bóng chuyền, đánh cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, v.v. Mỗi người theo sức khỏe, sở thích của mình, tùy không gian và thời gian, cá nhân hoặc các nhóm nhỏ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy dễ liên kết, dễ hòa đồng. Nhưng, như những cánh chim có thêm khoảng trời rộng, bao giờ cũng muốn có bầy, có chim bay trước. Sự xuất hiện của cô giáo Đỗ Thu Hồng, khi chuyển về cư ngụ, làm những người già quen tập theo sở thích riêng nơi đây như có điểm tựa, có hướng để theo.
Là một phụ nữ Hà thành gốc, sinh trưởng trong một gia đình vốn truyền thống nhân văn, chị Hồng đã có nhiều năm làm công tác quản lý ở Xí nghiệp dệt kim Thăng Long. Thời trẻ trung, chị sôi nổi, nhiệt tình, đa tài trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, có nhiều kinh nghiệm xây dựng phong trào chung, dễ hòa đồng, dễ thu phục. Khi về hưu, dường như sức lực của chị đã được vắt kiệt cho một thời cống hiến, nên nhanh chóng suy sụp. Chồng con và người thân ai cũng lo cho chị. Không cam chịu theo đà tụt dốc của quy luật muôn đời, chị lao vào tìm hiểu, học hỏi các bài tập dưỡng sinh, cả các môn võ dân tộc. Bài tập Thái cực trường sinh (TCTS) đậm đà bản sắc dân tộc đã thuyết phục, thu hút sự đam mê của chị. Kỳ diệu thay, đến với TCTS, sức khỏe của chị được cải thiện rõ rệt, không còn đau lưng, mỏi gối, mất ngủ, mà trí nhớ lại được phục hồi, đầu óc minh mẫn hơn, trọng lượng cơ thể trước chị có 39 kg, sau thời gian tập, đã lên 47 kg. Từ một môn sinh, với nhiều nghị lực, chị trở thành huấn luyện viên thành thục, rồi giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO TCTS.
Bài tập TCTS được chắt lọc, tiếp thu tinh hoa của nguyên lý khí công yoga, thiền, thái cực quyền, võ, múa dân tộc. Các nhịp âm dương kết hợp luân phiên, phối hợp liên hoàn giữa các bộ phận, tạo ra sự hài hòa, cân bằng trong cơ thể con người. Đây là bài tập dưỡng sinh có tác dụng tốt để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, đặc biệt phù hợp với người cao tuổi. Bài tập này khởi đầu từ sự nghiên cứu, thể nghiệm, ứng dụng của cụ Nguyễn Song Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Cụ Tùng khi sinh thời đã mở các lớp huấn luyện TCTS tại cơ quan Tổng cục Thể dục Thể thao, Ban Khoa giáo Trung ương (trước đây), Học viện Quân y, Trường THPT Hà Nội – Amsterđam. Nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Đỗ Mười, Vũ Oanh, Nguyễn Đức Tâm, Lê Quang Đạo… cũng đã từng theo đuổi bài tập dưỡng sinh này. Trong lời tựa cho cuốn sách về TCTS, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng ta viết: 'Tôi được biết bài tập dưỡng sinh Thái cực trường sinh đã 13 năm nay do Trung tâm UNESCO Thái cực trường sinh, thuộc Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam phổ cập cho nhân dân. Qua khảo sát, nghiên cứu của một số viện và cơ quan khoa học, trong đó có Viện Khoa học TDTT, bài dưỡng sinh này được đánh giá không những có tác dụng dưỡng sinh mà còn có khả năng giúp mọi người, đặc biệt là người cao tuổi, đẩy lùi được một số bệnh mãn tính'.
Từ phát kiến và công đầu của cụ Song Tùng, được cụ bà Hoàng Thị Lam, hiện là Giám đốc Trung tâm UNESCO TCTS, nối nghiệp, đến nay, bài tập TCTS hình thành nên rất nhiều Câu lạc bộ (CLB) TCTS, trở thành phong trào ở hầu hết các tỉnh thành cả nước, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia tập luyện, nhất là người cao tuổi. Nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng thích tập luyện TCTS. Tác dụng của phong trào tập luyện TCTS ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Khi chuyển về sinh sống ở phường Bồ Đề, quan sát các nhóm tập dưỡng sinh lẻ tẻ, tự do, không có tổ chức, chị Đỗ Thu Hồng không khỏi băn khoăn. Với bản tính sôi nổi, nhiệt tình, quen làm việc thiện, đoàn kết cộng đồng, chị lăn xả vào công việc. Đôn đáo gặp chính quyền, Hội Người cao tuổi trình bày ý tưởng của mình; mặt khác, 'vừa chạy vừa sắp hàng', chị gặp gỡ, liên kết các nhóm tập, trình diễn ngay thực địa để các cụ già kiểm nghiệm, từ đó hình thành tổ chức quy củ. Những ngày đầu, đối với chị cực kỳ khó khăn, vất vả. Ở thời buổi này, sống quá tốt, làm nhiều việc thiện, có khi lại bị nghi ngờ, xoi mói động cơ: Làm gì có người rỗi việc, thừa thời gian, nhất là phụ nữ, lại 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'. Có lúc chị cũng thấy nản, nhưng được chồng con, những bạn bè cảm thông, động viên, chị vẫn giữ được tâm sáng, lòng trong để vượt khó.
Từ một nhóm người say mê tập TCTS, rồi tổ dưỡng sinh, và ngày nay đã thành CLB TCTS quy tụ hơn sáu mươi cụ ông, cụ bà. Họ không phải là những người rỗi rãi thời gian gặp nhau đàm tếu sự đời mà là một tập hợp của những người có ý thức chính trị, có tổ chức, tha thiết muốn làm việc có ích cho mình, cho mọi người, tự nguyện rèn tâm, rèn đức, rèn sức theo quy chế, điều lệ rõ ràng của tập thể. Thành viên của CLB chủ yếu là cụ ông, cụ bà ở các tổ dân cư, không ít người đã từng trải qua công tác lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, các doanh nghiệp, các nhà giáo, các giảng viên đại học, bí thư huyện ủy, đại tá phi công, có cả cụ bà từng là đội viên Đội du kích Hoàng Ngân vẻ vang một thời đánh giặc Đường 5…
Thành viên CLB phần đông là những người hơn, kém tuổi 'cổ lai hy', thậm chí có các cụ bà hơn 80 tuổi, nên tập tành 'nhớ nhớ, quên quên' là chuyện thường, giữ được nền nếp sinh hoạt là cực kỳ cố gắng. Thương nhất đối với các cụ già, vì không có sân tập, phải nhờ cậy sự giúp đỡ nhiệt tình của Trường Vạn Xuân, Trường tiểu học Ngọc Lâm, nên các cụ phải dậy thật sớm, mùa đông cũng như mùa hè, cố bảo đảm chương trình tập, chương trình sinh hoạt để trả lại sân trường, lớp học cho các cháu đúng trước giờ lên lớp. Là CLB tự nguyện, một lớp học rèn sức, rèn tâm thực thụ, nhưng người đến trước, đến sau, người bệnh này, tật kia, làm sao đồng loạt, đều tăm tắp, nhưng lại có tác dụng đến từng người. Phải người đi trước rước người đi sau, chịu khó, miệt mài. Cô giáo Thu Hồng dù ở tuổi 'xưa nay hiếm', và cũng thật hiếm ở một con người xả thân, kiên nhẫn bám sát học viên, tận lực, tận tình…
Thành công của CLB TCTS, cũng không tránh khỏi có những người hiểu lầm, CLB gắn với tổ chức UNESCO chắc được sự hỗ trợ tài chính, giúp đỡ nhiều. Hoàn toàn không phải thế. Tất cả kinh phí hoạt động là sự tự nguyện đóng góp của các thành viên, từ những đồng lương hưu ít ỏi, mà có đồng phục, có loa đài, đĩa nhạc để tập, để hát những bài truyền thống cách mạng, những bài ca hào hùng một thời tuổi trẻ…
Từ tay không, đồng tâm, hiệp lực, đến nay các cụ ông, cụ bà CLB TCTS đã làm nên nội dung mới mẻ của mình: Đồng diễn, giao lưu ở đâu, cần bao nhiêu người của đội hình, cũng có. Cũng chương trình đồng diễn TCTS với 128 nhịp âm, dương, đồng diễn Chính khí ca, võ tay không Ngọc trản Ngân đài, múa tập thể Tiến về Hà Nội theo lời bài hát của nhạc sĩ Văn Cao giống nội dung các CLB TCTS khác cả nước, nhưng đội hình này vẫn có bản sắc riêng, dứt khoát, đồng loạt, nhịp nhàng.
Ngoài những buổi tập rèn tâm, rèn trí, rèn sức, hạn chế và đẩy lùi bệnh tật, CLB còn có những buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa. Ở đây, mọi người được tập hát và biểu diễn, các 'tài lẻ' văn nghệ của mình được cổ vũ, phát huy. Ở đây, có những buổi tâm tình vui buồn, sẻ chia những khó khăn, những bài học đối nhân xử thế, quan hệ vợ chồng, dạy con, nuôi cháu. Ở đây, mọi người được thăm hỏi lúc ốm đau, được tổ chức sinh nhật mà cháu con ở nhà cũng có lúc quên. Cả một gia đình lớn, hòa đồng, hiểu nhau, thương nhau và tin nhau, bao lo toan có phần được giải tỏa…
Từ một tổ chức tập luyện, đẩy lùi bệnh tật, cuộc sống tinh thần của các cụ ông, cụ bà được nhân lên, mở rộng trong giao lưu. Và kết quả cũng ít ai ngờ, các cụ nhanh nhẹn hơn, cởi mở hơn, có ý thức và nhiệt tình hơn chăm lo cho cộng đồng, tu nhân, tích đức, giữ gìn, làm gương cho người khác. Không ít người là thành viên CLB TCTS lại tích cực tham gia công tác chính quyền, đoàn thể, gắn bó hơn, giúp đỡ bà con lối xóm nhiều hơn. Nhờ tập luyện thường xuyên, sinh hoạt đều đặn, được sống trong nghĩa tình mà các cụ không chỉ sống vui, sống khỏe cho mình, sống có ích cho con cháu mà thật sự còn sống nhân ái, sống có ích chung cho cả cộng đồng.
Ngày cô giáo Đỗ Thu Hồng chuyển vào miền nam sinh sống, buổi chia tay, ai cũng bịn rịn, vì phải xa một con người quen sống vì mọi người. Riêng chị Hồng vẫn vui vì CLB TCTS đã có cả đội ngũ cộng sự, một Ban Chủ nhiệm không kém tài năng và tận tụy, tiếp tục phát huy những thành quả tốt đẹp của một mô hình mới. Đó là cụ Nguyễn Công Thiệu, cụ Lê Xuân Hùng, các cụ ông, cụ bà: Thuận, Ái, Hiền, Bích, Giao… và cả một đội hình các cụ nhiệt tình, tâm huyết tiếp nối sự nghiệp vì sức khỏe và cuộc sống của người cao tuổi. Niềm vui và lòng tin ấy được ẩn chứa cả trong lời chúc mừng của đồng chí Đỗ Hữu Minh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, khi CLB TCTS tiến hành Đại hội nhiệm kỳ thứ hai 2011-2012: 'Chúc CLB TCTS của các cụ ông, cụ bà không chỉ trường sinh mà mãi mãi trường Xuân'.