Thời tiết miền bắc sẽ ấm lên trong dịp Tết Nguyên đán
21/01/2011 11:11
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Đông Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Đông Bắc Bộ, bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác, trời tiếp tục rét đậm, rét hại; vùng núi cao cần đề phòng băng giá. Khu vực giữa và nam Biển Đông do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của rãnh áp thấp nên có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7; giật cấp 8, cấp 9 và có mưa rào và dông rải rác. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Theo các chuyên gia thời tiết dự báo, vào dịp Tết, sau ngày 23-12 âm lịch, nhiệt độ sẽ nhích dần lên và thời tiết sẽ ấm hơn. Tuy nhiên, đến khoảng ngày 12, 13-2, nhiều khả năng miền bắc phải đón nhận thêm một đợt không khí lạnh tăng cường, nhưng không kéo dài như đợt rét vừa qua.
Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã có hơn 2.500 con gia súc bị chết do thời tiết quá lạnh. Tỉnh đang vận động nhân dân chống rét cho trâu, bò và trích ngân sách mua cho mỗi hộ 40 m2 bạt để người dân ở những vùng cao, khó khăn che chắn cho trâu, bò. Còn trên địa bàn tỉnh Sơn La việc chống rét cho hơn 320 nghìn gia súc và hàng triệu con gia cầm đang được tỉnh triển khai quyết liệt, trong đó chú trọng ở năm huyện biên giới. Đến nay, Sơn La đã có hơn 2.380 con gia súc bị chết rét. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, rét hại cùng mưa phùn nhiều ngày qua đã khiến hơn 2.200 con gia súc bị chết. Số gia súc chết chủ yếu là bê, nghé và trâu, bò già yếu. Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu các huyện trích quỹ dự phòng hỗ trợ các gia đình tiền mua bạt che chắn chuồng trại cho trâu, bò.
Tại tỉnh Yên Bái, đợt rét đậm, rét hại đã hơn ba tuần qua đã làm 1.189 con gia súc, 375 ha mạ mới gieo bị chết. Ngành nông nghiệp tỉnh đã cử tám đoàn công tác xuống các huyện phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân phòng, chống rét cho diện tích mạ đã gieo; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất vụ đông xuân và phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Tỉnh cũng đang xem xét hỗ trợ kinh phí cho nhân dân mua bạt che chắn rét; chỉ đạo nông dân gieo mạ khay, mạ trên nền đất ngay tại nhà để tiện việc tưới ấm chân mạ; tập trung chỉ đạo kỹ thuật ở các vùng đã gieo, kiên quyết không để mạ chết trên các nền ruộng đã có.
Rét đậm, rét hại kéo dài làm nhiều diện tích trồng đào của tỉnh Lạng Sơn không ra nụ. Các hộ trồng đào đang dùng mọi biện pháp chăm sóc để đào kịp ra hoa trước Tết. Tại Bắc Ninh, một số diện tích mạ ở các xã Tam Sơn, Tương Giang, Đình Bảng, thị xã Từ Sơn bị chết. Thị xã chỉ đạo các xã, phường thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nhân dân che phủ ni-lông cho mạ, đồng thời bón tro bếp, giữ nước trong rãnh, chủ động gieo mạ bổ sung để bảo đảm đủ mạ gieo cấy; không gieo cấy trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15oC. Ở Hà Tĩnh đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong những ngày vừa qua đã làm hàng chục con trâu, bò và nhiều diện tích mạ bị chết rét. Tỉnh yêu cầu các địa phương hướng dẫn nhân dân che chắn chuồng trại và cung cấp đủ thức ăn cho trâu, bò; tuyệt đối không để người dân thả rông trâu, bò vào rừng; vệ sinh, rải chất độn chuồng khi trời rét đậm, rét hại… Đồng thời, hướng dẫn người dân che phủ ni-lông chống rét cho mạ; tuyệt đối không để thiếu mạ, nếu cần thiết các địa phương lên phương án cân đối giống để tỉnh hỗ trợ bà con… Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến nay trên địa bàn đã có gần 300 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại. Tỉnh chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia gia súc, gia cầm; nâng cấp, vệ sinh, che chắn chuồng trại đủ ấm; bổ sung thức ăn bảo đảm không để vật nuôi chết vì đói, rét, dịch bệnh. Đợt rét kéo dài cũng ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân các xã vùng cao của huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Qua thống kê, toàn huyện có gần 500 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm bị chết do rét. Còn tại huyện Phước Sơn cũng có 116 con trâu, bò chết trong đợt rét vừa qua. Hiện nay, các huyện đang vận động nhân dân làm chuồng trại và hướng dẫn cách chăm sóc gia súc, gia cầm khi nhiệt độ xuống thấp…
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Bình nhiệt độ xuống thấp, mưa và gió đông bắc giật mạnh trên cấp 6 ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đánh bắt của ngư dân, mặc dù đang vào thời kỳ cao điểm của vụ đánh bắt. Còn tại tỉnh Quảng Nam cũng do thời tiết xấu nên nhiều tàu cá không thể ra khơi. Riêng xã Tam Hải huyện Núi Thành, có hơn 400 phương tiện đánh bắt các loại đang phải nằm bờ không thể ra khơi đánh bắt cá. Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, do thời tiết xấu, hiện còn khoảng 112 tàu thuyền với 2.450 ngư dân, chủ yếu là người xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn đang kẹt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa không thể về đất liền.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh đã có gần 3.000 con trâu, bò mắc bệnh lở mồm, long móng (LMLM) ở 83 xã thuộc 11 huyện, thành phố, trong đó đã chết và tiêu hủy 270 con. Đến nay, dịch LMLM tiếp tục lây lan ra sáu xã của năm huyện, thị xã là Võ Nhai, Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ và thị xã Sông Công (Thái Nguyên) với số gia súc mắc bệnh là 250 con, đã tiêu hủy 120 con. UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, dịch LMLM đã xảy ra tại chín thôn thuộc bốn xã và thị trấn Ba Tơ với số gia súc mắc bệnh là 291 con trong đó có sáu con đã chết. Hiện nay, ngành thú y các tỉnh có dịch LMLM đang khoanh vùng ổ dịch, vận động nhân dân không giết mổ và sử dụng thịt gia súc bị bệnh; giám sát dịch bệnh tại vùng dịch và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, nơi xảy ra dịch và vùng giáp ranh ổ dịch.
Sáu tỉnh có nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
Theo Cục Kiểm lâm, đến nay một số nơi thuộc sáu tỉnh là: Bắc Giang, Bình Phước, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La và Thanh Hóa do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, bảy tỉnh khác có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp nguy hiểm. Ban Chỉ đạo T.Ư PCCCR yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương trên thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Tỉnh An Giang đã xác định diện tích vùng trọng điểm cháy rừng vào thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán Tân Mão với gần 7.000 ha. Đồng thời triển khai các phương án bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng tại các địa phương; đề nghị các chủ rừng chấp hành quy trình phòng cháy rừng; đốt dọn cỏ cục bộ làm giảm vật liệu cháy trong rừng phòng hộ, đặc dụng vùng đồi núi, tập trung ở khu vực diện tích rừng nằm giáp với diện tích sản xuất nông nghiệp…
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc
Cho đến nay, các tỉnh miền bắc và Bắc Trung Bộ đã có hơn 20.000 con trâu, bò bị chết rét, chết đói. Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, rét đậm, rét hại có thể kéo dài qua Tết âm lịch. Trước tình hình đó, ngày 20-1-2011, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở ra, yêu cầu: Tiếp tục triển khai, chỉ đạo quyết liệt Công điện số 70/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 03 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét, chống đói cho đàn gia súc, gia cầm đến từng thôn, bản; phát huy tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong từng thôn xóm; đặc biệt chú trọng huy động các nguồn vật liệu tại chỗ để che chắn gió, giữ khô chuồng trại, giữ ấm cho gia súc, bổ sung thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cho gia súc; tổ chức hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho nông dân các loại vật tư thiết yếu như: bạt, thức ăn tinh… Thường xuyên thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến của thời tiết và các biện pháp kỹ thuật, các kinh nghiệm hay trong phòng, chống đói, chống rét cho đàn gia súc; phê phán những nơi chủ quan để xảy ra tình trạng trâu, bò chết nhiều; chỉ đạo UBND các cấp tổ chức thống kê đầy đủ, chính xác số lượng gia súc, gia cầm bị chết rét để thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định hiện hành.