Chủ nhật,  28/05/2023

Trồng rừng ngập mặn ở Hải Phòng

Là một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do bão cho nên những năm qua TP Hải Phòng luôn quan tâm công tác trồng rừng ngập mặn để giảm tác hại do thiên tai gây ra, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sinh thái và xóa đói, giảm nghèo.Phát triển rừng ngập mặn ven biểnHải Phòng là thành phố ven biển có chiều dài đê biển là 125 km, với diện tích đất tự nhiên gần 152 nghìn ha, nằm trong vùng hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình. Cùng với các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng bãi triều và rừng ngập mặn. Trong đó, diện tích rừng ngập mặn tập trung tại bốn huyện và ba quận ven biển là Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, Đồ Sơn, Dương Kinh và Hải An. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế khai thác các nguồn lợi từ biển, nhưng đây cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề khi bão đổ bộ. Để giảm tác hại của thiên tai gây ra, thời gian qua...

Là một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do bão cho nên những năm qua TP Hải Phòng luôn quan tâm công tác trồng rừng ngập mặn để giảm tác hại do thiên tai gây ra, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sinh thái và xóa đói, giảm nghèo.

Phát triển rừng ngập mặn ven biển

Hải Phòng là thành phố ven biển có chiều dài đê biển là 125 km, với diện tích đất tự nhiên gần 152 nghìn ha, nằm trong vùng hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình. Cùng với các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng bãi triều và rừng ngập mặn. Trong đó, diện tích rừng ngập mặn tập trung tại bốn huyện và ba quận ven biển là Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, Đồ Sơn, Dương Kinh và Hải An. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế khai thác các nguồn lợi từ biển, nhưng đây cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề khi bão đổ bộ. Để giảm tác hại của thiên tai gây ra, thời gian qua thành phố Hải Phòng đã tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ công tác trồng rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển khi có bão lớn và hệ thống đê khỏi bị xói lở do triều cường, bảo vệ vùng đất ven biển trước nguy cơ nước biển dâng cao. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Dương Đức Tùng cho biết, từ năm 1992 đến nay, thành phố đã triển khai xây dựng các dự án nhằm khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn phòng hộ ven biển qua việc tranh thủ các nguồn vốn quốc tế tài trợ, như các chương trình: trồng rừng PAM 5325; trồng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ; hành động phục hồi rừng ngập mặn của tổ chức ACMAMG (Nhật Bản)… Thành phố cũng sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển, như vốn chương trình đê biển; vốn đầu tư cho bảo vệ phát triển rừng của T.Ư và địa phương, các nguồn vốn của một số tổ chức phi chính phủ… Do đó, mỗi năm Hải Phòng đã thực hiện trồng mới được hàng trăm ha rừng ngập mặn. Nhờ đó, hệ thống rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn không ngừng được mở rộng về diện tích. Từ chỗ chỉ có 293 ha rừng năm 1990, đến nay diện tích rừng được bảo vệ và mở rộng quy mô lên hơn 4.700 ha. Các tuyến đê biển có rừng bên ngoài đã được bảo vệ an toàn khi có bão lớn tràn vào. Rừng không những bảo vệ tốt cho các tuyến đê biển, giảm kinh phí sửa chữa, tu bổ đê kè thường xuyên, mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản cho nhân dân địa phương.

&#39Lá chắn xanh&#39

Chúng tôi đến tuyến đê biển I nằm giữa hai quận Đồ Sơn và Dương Kinh, không khỏi choáng ngợp bởi mầu xanh ngút ngàn của rừng ngập mặn ven biển với cây trang, mắm, bần mọc theo từng tầng khác nhau. Cây cao nhất khoảng 3,5 đến 4 m, tầng thấp hơn và nhiều cây hơn, cao từ 2 đến 2,5 m, cùng với lớp cây non mới mọc phía dưới… Nhìn hệ thống rừng ngập mặn ven biển xanh tươi như vậy nhưng ít ai biết rằng nơi đây đã từng có thời gian trồng rừng ngập mặn không thành công, đê biển và cuộc sống người dân thường xuyên bị đe dọa mỗi khi mùa mưa bão đến… Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật, Trung tâm giống và phát triển nông, lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng Lưu Văn Cảnh cho biết, đây là vùng ven biển có chiều dài 17,8 km nhưng lại có hai loại bãi bồi phù sa và bãi cát đen di động. Ở khu bãi bồi phù sa, việc trồng rừng ngập mặn bằng phương pháp thông thường luôn đạt hiệu quả, phát huy tốt tác dụng cản sóng khi có bão lớn do cây được bổ sung thường xuyên chất dinh dưỡng từ phù sa. Nhưng đối với bãi cát đen di động, trước đây thành phố đã trồng rừng ngập mặn bằng phương pháp thông thường, nhưng không thành công do cát trôi và bị hà bám. Đến năm 2001, đã đưa vào trồng thử nghiệm cây mắm, bần trên bãi cát đen di động. Sau hai năm thực hiện với phương pháp đào hố, cải tạo cục bộ theo hố khi thủy triều xuống, sau đó lấy đất phù sa nơi khác đổ vào và trồng cây to, bầu to, có cọc giữ khỏi lung lay khi nước thủy triều lên, xuống cây không bị trôi theo cát. Đồng thời, những hố trồng cây cũng có tác dụng giữ phù sa lại tạo thành bãi bồi và nuôi dưỡng cây phát triển. Từ năm 2006 đến nay, toàn thành phố đã trồng được 64 ha với chiều dài hơn 3.200 m, kinh phí đầu tư 200 triệu đồng/ha, tạo thêm &#39bức tường xanh&#39 trước biển trên địa bàn thành phố. Không chỉ chú trọng đầu tư và nghiên cứu các phương pháp mới để mở rộng diện tích rừng ngập mặn, Hải Phòng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư bảo vệ rừng ven biển. Giai đoạn từ năm 2006 đến 2010, thành phố đã trích ngân sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng với mức 50.000 đồng/ha/năm. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, tiếp tục nâng mức hỗ trợ công tác bảo vệ rừng lên 100.000 đồng/ha/năm.

Mở rộng đai rừng ngập mặn

Công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn của Hải Phòng vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, do ảnh hưởng thủy triều, thời tiết. Nguồn thu lợi trực tiếp từ trồng rừng ngập mặn của các chủ rừng hầu như không có, cho nên tỷ lệ trồng thành rừng thấp. Để khắc phục tình trạng này và tiếp tục mở rộng diện tích rừng, trong giai đoạn 2011-2015, Hải Phòng tiếp tục triển khai dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển. Mục tiêu là mở rộng đai rừng ngập mặn ven biển trên toàn bộ diện tích đất trống quy hoạch lâm nghiệp. Đồng thời, tiến hành trồng bổ sung, cải tạo một số diện tích rừng trang ven biển nhằm bảo đảm phát triển rừng bền vững. Trên cơ sở đó, đến cuối năm 2015, thành phố sẽ nâng quỹ rừng ngập mặn ven biển lên hơn 6.800 ha (chiếm 27,7% diện tích bãi triều). Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dương Đức Tùng, để đạt được những mục tiêu đó, sẽ phải bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đồng thời trồng mới hơn hai nghìn ha rừng. Trong đó, tập trung trồng toàn bộ hành lang chỉ giới bảo vệ đê của các tuyến đê biển với chiều rộng đai rừng tối thiểu 500 m và trồng mở rộng đai rừng phòng hộ ven biển tại các bãi triều có điều kiện thích hợp trên các khu vực thuộc các quận, huyện Đồ Sơn, Tiên Lãng, Kiến Thụy… Ngoài ra, thành phố sẽ trồng bổ sung, nâng cấp 261 ha rừng trang để nâng cao hiệu quả phòng hộ. Triển khai giao khoán bảo vệ rừng ngập mặn cho các tổ chức, nhóm gia đình hoặc cộng đồng dân cư, bảo đảm 100% diện tích rừng đều có chủ quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về giống cây trồng, cải tiến kỹ thuật trồng rừng ngập mặn, đặc biệt là những nơi có điều kiện lập địa khó khăn, các vùng xung yếu. Có cơ chế chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển, nhằm bảo đảm 100% diện tích rừng đều được hỗ trợ kinh phí bảo vệ, cũng trợ giúp việc làm tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

Theo Nhandan