Thứ ba,  06/06/2023

Các hồ thủy điện xả nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân

* Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi * Gần 26.500 con gia súc chết rét * Hà Tĩnh và bốn tỉnh Tây Nguyên hết dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, các tỉnh miền bắc chịu ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm nên trời vẫn rét đậm, rét hại, vùng núi cao đề phòng băng giá.Bắt đầu từ ngày 24-1 đến ngày 2-2, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Yên Bái xả nước đổ ải cho vụ đông xuân năm 2011, do đó mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên. Lưu lượng nước xả trung bình ngày 25-1, tại hồ Hòa Bình là 1.276 m3/giây, hồ Thác Bà 247 m3/giây; hồ Tuyên Quang 577 m3/giây. Riêng lưu lượng tại Yên Bái là 90 m3/giây. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội hôm nay (26-1) ở mức 1,75m.Theo Cục Chăn nuôi, trong những ngày vừa qua, mặc dù chính quyền và nhân dân một số địa phương đã tích cực thực hiện phòng, chống rét cho đàn vật...

* Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi * Gần 26.500 con gia súc chết rét * Hà Tĩnh và bốn tỉnh Tây Nguyên hết dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, các tỉnh miền bắc chịu ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm nên trời vẫn rét đậm, rét hại, vùng núi cao đề phòng băng giá.

Bắt đầu từ ngày 24-1 đến ngày 2-2, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Yên Bái xả nước đổ ải cho vụ đông xuân năm 2011, do đó mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên. Lưu lượng nước xả trung bình ngày 25-1, tại hồ Hòa Bình là 1.276 m3/giây, hồ Thác Bà 247 m3/giây; hồ Tuyên Quang 577 m3/giây. Riêng lưu lượng tại Yên Bái là 90 m3/giây. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội hôm nay (26-1) ở mức 1,75m.

Theo Cục Chăn nuôi, trong những ngày vừa qua, mặc dù chính quyền và nhân dân một số địa phương đã tích cực thực hiện phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, nhưng do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến cho đàn vật nuôi ở một số tỉnh tiếp tục bị chết rét. Tính đến hết ngày 24-1, số gia súc bị chết do rét đậm, rét hại đã lên tới gần 26.500 con; trong đó Lạng Sơn là tỉnh có số gia súc chết nhiều nhất, với gần 5.300 con, tiếp đến là Cao Bằng (gần 3.800 con), Lào Cai (hơn 3.200) con… Cục Chăn nuôi đã cử các đoàn công tác đi các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc.

Công ty Thuốc thú y T.Ư (Navetco) vừa tặng đồng bào nghèo tỉnh Lạng Sơn 10 tấn ngô để chống rét cho trâu, bò. Trong những đợt rét đậm, rét hại vừa qua, Lạng Sơn có hàng trăm con trâu, bò bị chết rét/ngày.

Tại tỉnh Lai Châu đã có 2.700 con gia súc chết rét, trong đó huyện biên giới vùng cao Sìn Hồ có số gia súc chết rét nhiều nhất với gần 1.000 con. Không chỉ tại các tỉnh miền núi phía bắc có tình trạng trâu, bò chết rét mà tại tỉnh Nghệ An cũng có tới 65 con trâu bò bị chết. Trong đó huyện Quế Phong có 18 con, Quỳ Châu 23 con, Anh Sơn 10 con, Kỳ Sơn 9 con.

Chi nhánh Xăng dầu Lai Châu (Công ty Xăng dầu Lào Cai) đã bàn giao 300 chiếc chăn chiên, trị giá hơn 20 triệu đồng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu để hỗ trợ bà con vùng cao che ấm, cứu gia súc khỏi ảnh hưởng nặng nề của thời tiết rét đậm, rét hại.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 300 con trâu, bò chết rét, chủ yếu rơi vào các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với trâu, bò, diện tích lúa chiêm xuân và mạ của tỉnh cũng bị ảnh hưởng do rét hại. Ngành nông nghiệp đã trực tiếp xuống chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo riết hơn các biện pháp chống rét cho gia súc, gia cầm và lúa mạ.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, rét đậm và rét hại kéo dài đã làm cho gần 100 con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có gần 300 ha mạ và lúa đông xuân bị chết rét. Ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức bảy đoàn công tác đến các huyện, xã trọng điểm lúa hướng dẫn nông dân chống rét cho lúa và mạ. Chi cục BVTV cung cấp cho nông dân gần 50.000 chai Sutin 35EC để diệt rầy trên mạ. Tỉnh và các huyện hỗ trợ nông dân hơn 50 tấn lúa giống và 5.300 tấn phân bón để gieo lại mạ.

Tại tỉnh Bắc Ninh, trên đàn gia súc của một số thôn thuộc xã Quảng Phú, Phú Hòa (huyện Lương Tài) đã xuất hiện các triệu chứng nghi mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM). Trạm Thú y huyện đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tính đến ngày 24-1, dịch LMLM đã bùng phát tại chín xã, thị trấn thuộc các huyện Đác Glây, Đác Tô, Ngọc Hồi và Sa Thầy (Kon Tum), với tổng số gia súc mắc bệnh đến gần 1.000 con. Ngành Thú y tỉnh đã triển khai việc giám sát dịch bệnh đến từng thôn, làng, kiên quyết xử lý các đơn vị giấu dịch, đồng thời tăng cường các biện pháp chống đói, chống rét cho đàn gia súc.

Nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm tái phát, ngành Thú y tỉnh Cần Thơ tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên toàn địa bàn. Chi cục tiêm vắc-xin phòng dịch cúm H5N1 cho thêm 400 nghìn con gà, vịt, nâng số lượng gia cầm được tiêm phòng lên 1,8 triệu con, đạt hơn 80%; trong đó có hơn 700 nghìn con đã tiêm xong mũi thứ hai, có thể tiêu thụ trước dịp Tết Tân Mão 2011. Tại Long An, dịch LMLM trên đàn gia súc đang tiếp tục lan rộng. Nguyên nhân do thời tiết lạnh, dễ phát sinh dịch bệnh. Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo các huyện khử trùng, tiêu độc ở những nơi bị dịch, tăng cường giám sát dịch bệnh, chủ động kiểm tra, phát hiện sớm dịch bệnh xảy ra, ngăn chặn không cho vận chuyển sang các địa phương khác.

Tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố hết dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn xã Thạch Hội, Thạch Văn thuộc huyện Thạch Hà và xã Trung Lộc thuộc huyện Can Lộc. Theo đó, bãi bỏ vùng uy hiếp dịch thuộc các xã có dịch và các xã lân cận, dỡ bỏ các chốt kiểm dịch và cho giết mổ, buôn bán, vận chuyển thịt lợn các sản phẩm liên quan đến thịt lợn.

Hiện nay, bốn tỉnh khu vực Tây Nguyên là Đác Lắc, Gia Lai, Đác Nông và Lâm Đồng đã hết dịch bệnh lợn tai xanh, LMLM đối với gia súc và dịch cúm H5N1 đối với gia cầm. Hiện nay, các địa phương này đang phục hồi sản xuất và tập trung phát triển chăn nuôi, đồng thời tiếp tục chủ động công tác phòng dịch bệnh mùa khô cho các loại vật nuôi.

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, chiều 25-1, tại Hà Nội, Cục Thú y thông báo: Hiện nay dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn đã cơ bản được khống chế. Dịch LMLM gia súc vẫn tiếp tục xuất hiện tại hai khu vực chính là các tỉnh miền núi phía bắc và khu vực miền trung Tây Nguyên (Kon Tum). Các ổ dịch LMLM xuất hiện liên tiếp tại hai khu vực nêu trên trong thời gian qua cho thấy, dịch vẫn có dấu hiệu lây lan, nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động bán chạy gia súc, vận chuyển gia súc mang mầm bệnh, thời tiết lạnh kéo dài làm giảm sức đề kháng của gia súc, việc vận chuyển, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc dịp cuối năm tăng mạnh…

Theo Nhandan