Thứ bảy,  03/06/2023

Bánh Tết quê tôi

LSO-Thời kỳ còn bao cấp, Tết cổ truyền dân tộc ở quê tôi thường làm nhiều thứ bánh, mỗi thứ bánh có một cái tên riêng nhưng vì nó được làm vào dịp tết, được gọi chung là bánh tết. Nhưng thứ bánh đầu tên phải kể đến là bánh chưng, bánh khảo, bánh khảu sli, bánh dày, bánh chè lam, bánh phồng phềng (pẻng khoai); về kẹo: thì kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo hải châu, mất bí…Hồi ấy có nhà gói đến năm sáu chục cái bánh chưng, phải luộc vào chảo gang to hay còn gọi là chảo trâu, thường gói vào ngày lẻ là ngày 25 hoặc ngày 27 tháng chạp âm lịch. Có nhà làm hàng thúng bánh phồng phềng, bánh khảu sli, chè lam, kẹo lạc, kẹo vừng, được gói kỹ trong đùm giấy bóng bên trong lót bằng giấy bản để khỏi ẩm chóng hỏng. Bánh thường được làm vào buổi tối ngày 30 hay rạng sáng mùng một tết để đặt cúng lên ban thờ cùng mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Nhà nào cũng vậy mâm cúng ngày tết thiếu bánh gì thì thiếu, dứt khoát không được thiếu bánh chưng, mẹ...

LSO-Thời kỳ còn bao cấp, Tết cổ truyền dân tộc ở quê tôi thường làm nhiều thứ bánh, mỗi thứ bánh có một cái tên riêng nhưng vì nó được làm vào dịp tết, được gọi chung là bánh tết. Nhưng thứ bánh đầu tên phải kể đến là bánh chưng, bánh khảo, bánh khảu sli, bánh dày, bánh chè lam, bánh phồng phềng (pẻng khoai); về kẹo: thì kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo hải châu, mất bí…
Hồi ấy có nhà gói đến năm sáu chục cái bánh chưng, phải luộc vào chảo gang to hay còn gọi là chảo trâu, thường gói vào ngày lẻ là ngày 25 hoặc ngày 27 tháng chạp âm lịch. Có nhà làm hàng thúng bánh phồng phềng, bánh khảu sli, chè lam, kẹo lạc, kẹo vừng, được gói kỹ trong đùm giấy bóng bên trong lót bằng giấy bản để khỏi ẩm chóng hỏng. Bánh thường được làm vào buổi tối ngày 30 hay rạng sáng mùng một tết để đặt cúng lên ban thờ cùng mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Nhà nào cũng vậy mâm cúng ngày tết thiếu bánh gì thì thiếu, dứt khoát không được thiếu bánh chưng, mẹ tôi bảo bánh chưng là bánh chủ của ngày tết, như trụ cột, như ông bà, cha mẹ trong nhà, còn các thứ bánh khác là con cháu. Trên ban thờ ngày tết thường bày bốn cặp bánh chưng là mong cho tứ đại đồng đường, song toàn. Xung quanh bánh chưng bày xếp nhiều loại bánh khác là tượng trưng cho con đàn cháu đống, quay quần đông đúc. Cũng vì cái lẽ nhân sinh ấy mà bánh bày trên ban thờ ít khi lấy xuống đãi khách trong ngày tết, đặc biệt những cặp bánh chưng không ai được đem xuống khi chưa làm lễ hạ cây nêu. Con cháu đến nhà lúc ra về thường được mừng tuổi một vài hào tiền xu, kèm theo cái bánh chưng với gói bánh khảu sli hay gói kẹo lạc. Chỉ đơn giản là thế mà cứ ám ảnh trong tôi cả một đời người mỗi khi tết đến xuân về. Cái hương thơm, cái vị, cái ngon, cái hấp dẫn của mỗi loại bánh Tết đều riêng biệt, không trộn lẫn vào nhau, vị nào ra vị nấy, nó nguyên vẹn trong trí nhớ của tôi đến tận bây giờ. Điều mà tôi tâm đắc và sâu sắc nhất là thời ấy, để có được mâm cỗ Tết với nhiều thứ bánh thơm ngon, nguyên liệu phải lên rừng tìm kiếm mang về nhà tích trữ trước vài tháng mới có để làm. Như bánh phồng phềng và bánh khảu sli phải đi nhặt hạt sở từ tháng 10 âm lịch về phơi thật khô để trưng cất ép lấy dầu trao bánh; còn bánh khảu sli cũng phải chuẩn bị trước một tháng, chọn ngày thời tết nắng khô hanh, lấy gạo nếp cái đồ thành xôi trộn với bột gạo, vo đều phơi nắng thật khô, đến khi làm bánh rang lên với dầu sở hạt mới nở đều; đối với bánh chưng được làm bằng gạo nếp thơm, mười hạt phải như nhau cả mười, khi xay giã, giần sàng, mọi thứ phải được quét dọn sạch sẽ, còn các lại bột bánh khác cũng được xay phơi khô trước một đến hai tháng.

Bà tôi bảo, làm các loại bánh trong ngày tết cũng là dịp các cụ dạy con cháu làm người, dạy cái nghề, cái hay, cái khéo. Bánh chưng là tượng trưng cho cái to, cái lớn, cái chí khí, cái tâm; bánh khảu sli, bánh phồng phềng tượng trưng cho khéo léo, cái chi li tính toán. Chả thế mà chỉ nhìn vào con trai hay con gái gói cái bánh chưng là có thể nhận ra cái tâm, cái chí, cái thế, nó thể hiện cả cái tài hoa hay vụng khéo. Bây giờ tết ngắn hơn, vội vàng hơn, bánh tết cũng đơn giản hơn, không ai kỳ công làm nhiều loại bánh như trước nữa, những cây nguyên liệu làm bánh trong rừng cũng ít đi. Bày trên ban thờ chủ yếu là bánh kẹo mua sẵn, càng nhiều màu sắc rực rỡ của bao bì, nhãn mác càng được coi là đẹp. Sau ba ngày tết mọi người lại hối hả đi làm. Đất nước đổi mới, quy luật của quê tôi cũng không khác được.

Thế Bảo