Rồi mùa xuân sẽ về
27/01/2011 14:37
LSO-Hoàng hôn đổ xuống, ánh nắng vàng vọt, yếu ớt của buổi chiều tà phủ kín mái nhà cũ nát của Phan. Đã mấy ngày hôm nay Phan không về nhà. Hạnh cũng chẳng quan tâm nhiều đến chuyện ấy, cái nhà này đã quen như vậy rồi. Đây đâu phải lần đầu Phan không về nhà lâu như thế. Mà Phan cũng đừng ở nhà cho mẹ con Hạnh đỡ khổ. Đôi bàn tay gầy guộc nổi hằn lên những đường gân, mạch máu xanh xao đang ngắt mớ rau muống để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Nét mặt khắc khổ của Hạnh có lẽ chưa bao giờ xuất hiện một nụ cười nào kể từ ngày Phan đặt chân vào con đường đen kịt ấy, một con đường dẫn tới cái chết và sự khinh bỉ của người đời, chỉ có quay đầu trở lại thì may ra còn sự sống. Con bé lớn đang lục đục nấu cơm trong bếp, dù mới học lớp sáu nhưng con bé đã thành thạo việc nấu nướng lắm rồi. Cũng phải vậy thôi, nó không giúp mẹ thì chắc mẹ nó cũng không còn đủ sức để sống mà...
LSO-Hoàng hôn đổ xuống, ánh nắng vàng vọt, yếu ớt của buổi chiều tà phủ kín mái nhà cũ nát của Phan. Đã mấy ngày hôm nay Phan không về nhà. Hạnh cũng chẳng quan tâm nhiều đến chuyện ấy, cái nhà này đã quen như vậy rồi.
Đây đâu phải lần đầu Phan không về nhà lâu như thế. Mà Phan cũng đừng ở nhà cho mẹ con Hạnh đỡ khổ. Đôi bàn tay gầy guộc nổi hằn lên những đường gân, mạch máu xanh xao đang ngắt mớ rau muống để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Nét mặt khắc khổ của Hạnh có lẽ chưa bao giờ xuất hiện một nụ cười nào kể từ ngày Phan đặt chân vào con đường đen kịt ấy, một con đường dẫn tới cái chết và sự khinh bỉ của người đời, chỉ có quay đầu trở lại thì may ra còn sự sống. Con bé lớn đang lục đục nấu cơm trong bếp, dù mới học lớp sáu nhưng con bé đã thành thạo việc nấu nướng lắm rồi. Cũng phải vậy thôi, nó không giúp mẹ thì chắc mẹ nó cũng không còn đủ sức để sống mà nuôi hai chị em nó nữa. Cơm của ba mẹ con thật giản dị quá, con út đang trệu trạo nhai từng miếng cơm với vài hạt lạc rang, đĩa rau muống luộc là món quen thuộc như cơm bữa với ba mẹ con rồi.
![]() |
Căn nhà ba gian không lấy gì làm rộng rãi nhưng quá trống trải, ngoài chiếc bàn và hai cái ghế nhựa cho hai đứa nhỏ ngồi học thì chẳng còn thứ gì đáng giá cả. Hạnh ngồi trên giường nhìn hai đứa con học mà thương chúng nó quá. Vào năm học mới mà một bộ quần áo mới cũng không có được. Hạnh nhớ lại những tháng ngày được coi là yên bình của cuộc đời mình. Hai người lấy nhau được hơn một năm thì Hạnh sinh con. Phan cũng là người chịu khó làm ăn và biết lo cho vợ con. Phan mở một cửa hiệu sửa chữa xe máy tại nhà còn Hạnh chăn nuôi thêm con lợn, con gà và chăm nom một vườn chuối tiêu. Cuộc sống của hai vợ chồng và đứa con nhỏ cũng gọi là khấm khá, gia đình cũng đầy đủ tiện nghi. Nhiều người còn ghen tị với đôi vợ chồng trẻ này. Do có tay nghề và làm chu đáo nên hiệu sửa xe của Phan ngày càng đông khách, cuộc sống gia đình ngày càng có của ăn của để. Phan mua một chiếc xe máy để vợ đưa con đi học cho đỡ vất vả, Hạnh cũng mừng vì kinh tế gia đình ngày một vững vàng.
Thời gian trôi thật nhanh, con bé Hà mới ngày nào học mẫu giáo mà nay đã vào lớp một, khu phố nhỏ nơi gia đình Hạnh sống nay đã trở thành một thị trấn khá nhộn nhịp. Phan lại càng có nhiều việc hơn, và kinh tế cũng khá hơn. Phan muốn Hạnh sinh thêm một đứa con nữa, dù sao cũng phải có một thằng cu nối dõi tông đường, mà hai vợ chồng cũng mới sinh một đứa nên điều ấy cũng phải đương nhiên. Khi con bé Hà vào lớp hai cũng là lúc Hạnh sinh đứa nhỏ. Hạnh vẫn sinh con gái, Phan lấy làm không bằng lòng lắm. Đôi lúc Phan sinh ra bực bội và cáu gắt vì hai “con vịt giời” mà Hạnh sinh ra. Thật vô lý, đâu phải lỗi tại Hạnh muốn như vậy. Lần sinh thứ hai này không dễ dàng như lần đầu, Hạnh phải mổ. Vì một lý do sơ xuất nào đó mà bác sĩ khuyên hai vợ chồng không nên tiếp tục sinh con thứ ba vì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của người mẹ. Phan càng buồn chán vì chuyện này.
Từ ngày con út ra đời, Phan sinh ra tật uống rượu, uống say mềm. Nhiều lúc Phan bỏ bê cả công việc đi nhậu nhẹt và về nhà trong trạng thái ngất ngây. Hạnh không dám nói gì, cô vốn là một người hiền lành, cam chịu. Bố mẹ nhà nghèo, đặt chân về làm dâu nhà Phan mà Hạnh chăng có chút vốn liếng nào nên cô càng dịu dàng và luôn nghe lời Phan răm rắp. Rượu chè bê tha, bỏ công bỏ việc nhiều lần thất hứa với khách nên cửa hiệu sửa xe uy tín của Phan ngày nào giờ đã thưa khách hẳn. Hạnh nhiều lần lựa lúc Phan vui vẻ để khuyên ngăn, nhưng Phan chỉ ừ à một lúc rồi lại đâu vẫn hoàn đấy. Thị trấn đã về khuya, ba mẹ con Hạnh đang ngủ thì tiếng đập cửa thình thình, Phan đã về. Hôm nay anh say quá, có lẽ anh đã ngã ở đâu đó nên chân tay lấm đầy bùn đất, quần áo cũng nhem nhuốc, xộc xệch. Hạnh vội vã dìu anh vào giường. Phan vẫn luôn miệng quát mắng, lảm nhảm. Hạnh bưng thau nước lên định rửa mặt và lau chân tay cho Phan thì Phan vung mạnh cánh tay làm Hạnh ngã ngửa ra đằng sau. Phan loạng choạng đứng dậy, chưa vừa lòng với những gì vừa xảy ra, anh lấy chân đá tung thau nước. Chiếc thau nhôm kêo loảng xoảng giữa nền nhà, chân Phan bung máu nhưng có lẽ anh không biết đau. Hạnh ngồi đó chỉ biết khóc, đứa con nhỏ giật mình khóc ré lên, Hạnh vội vã ôm con, con bé Hà nép vào sau lưng mẹ, không dám khóc mà chỉ ló mặt ra lấm lét nhìn trộm bố nó với vẻ đề phòng. Nó cũng thấy quen cảnh này và sợ bố nó từ bao giờ không biết. Nếu nó dám cất tiếng khóc thì phải mất mấy ngày sau cái mông của nó mới hết đau.
– Chúng mày còn đứng đấy à? Một lũ ăn hại.
Phan đã trở nên côn đồ và mất hết tính người từ bao giờ không biết. Cái gì đã biến anh trở thành con người như vậy? Trong suy nghĩ của anh luôn cần phải có một thằng con trai để nối dõi tông đường cho bằng thiên hạ. Hạnh chỉ biết câm nín nếm những giọt nước mắt mặn chát và nóng bừng đang lăn dài trên hai bờ má. Phan càng bực tức hơn trước cảnh ấy, anh khua tay với cái ấm chè quăng mạnh ra sân và tiếp tục chửi rủa…
Đứa con út sinh ra và lớn lên trong hơi rượu của bố năm nay cũng vào lớp một. Hạnh càng vất vả thêm với các khoản học phí của hai đứa con. Còn Phan, càng ngày càng bê tha. Hai “con vịt giời” của anh luôn là chủ đề đáng phải bàn và cần quan tâm luôn được các bạn nhậu của anh nhắc tới trong mỗi cuộc vui.
– Này, ông ạ, thằng nhóc nhà tôi thế mà láo quá, hôm qua tôi gặp nó dám bỏ học đi đánh điện tử.
– Thì con trai nó nghịch ngợm, thằng nào chẳng thế. Như thằng con tôi cũng thế, đòn roi suốt ngày như thế mà nó có chừa đâu.
– Ôi dào, các vị than phiền cái nỗi gì, cứ như anh Phan nhà mình lại hay, hai cô con gái ngoan ngoãn, chẳng bao giờ phải quát mắng, chẳng bao giờ phải đau đầu. Anh Phan nhỉ?
Cả bàn nhậu lại được một phen cười rầm rầm vì câu nói hài hước. Riêng Phan chẳng nói gì, anh hơi cúi gằm và lặng lẽ cầm chén rượu ngửa cổ tu một cái rồi lại đặt cái chén xuống. Anh nuốt chén rượu một cách chậm rãi từng chút, từng chút một để cảm nhận cái vị cay nồng, đắng chát của rượu và của câu nói vừa rồi. Chưa buông tha cho sự khó chịu của anh, đám bạn bè nhậu nhẹt vẫn tiếp tục bỡn cợt trên sự thua thiệt của Phan.
– Các ông tự hào cái gì, chắc gì các ông đã bằng anh Phan. Cuối năm nay anh ấy lại cho ra đời một cặp sinh đôi hai thằng liền thi các ông tính sao?
-. Anh Phan mà sinh con trai em sẽ biếu ngay một đôi gà cộng thêm một yến gạo nếp luôn.
– Tôi cũng thế, tôi mời anh thêm một bữa thịt chó không say không về.
– Uống đi!
Cả đám nhậu lại rầm lên một lúc, câu chuyện xoay quanh một chủ đề mà không hề nhàm chán, họ vần đang nói, vẫn đang cười. Những tiếng cười thật đắc chí kia sẽ chuyển vào tai Phan và chuyển hoá thành những câu chửi thề mà Phan đem về dành cho vợ con. Kinh tế gia đình ngày càng sa sút kể từ ngày con út chào đời. Sự góp mặt của nó vào xã hội loài người làm mẹ nó khổ quá. Một mình Hạnh chạy vạy xuôi ngược chăm lo cho hai đứa con ăn học và từng bữa cơm gia đình. Vừa phải chăm sóc cho vườn chuối, vừa bán hàng nước và mấy con lợn khiến cho thân hình thanh xuân ngày nào của Hạnh giờ trở nên gày gò, ốm yếu. Khuôn mặt cô đã co thắt lại những thớ thịt ngày nào khiến mặt cô giờ đây nhìn như có cạnh. Cũng may là hai con bé đều ngoan ngoãn và học giỏi, đấy cũng là niêm an ủi, động viên lớn và duy nhất cho cô trên cuộc đời này.
Dạo này Hạnh thấy Phan có gì đó thay đổi, Phan không hay say xỉn nữa, mà lúc nào cũng tỉnh táo. Nhưng Phan vẫn chẳng ngó ngảnh gì đến việc gia đình. Có đêm đang ngủ Phan dậy đi đâu đó một lúc rồi lại về ngay. Hạnh khó hiểu quá, hỏi thì Phan chỉ ẫm ờ cho qua chuyện. Phan nói phải bỏ rượu để tính chuyện làm ăn, không bê tha như trước kia nữa. Hạnh mừng lắm khi thấy chồng suy nghĩ được như thế. Cô hay quan tâm và hỏi han chồng hơn. Hôm nay, Phan bàn với Hạnh là không thể tiếp tục hiệu sửa xe này nữa, phải bán hết đồ đạc đi để anh lo mối làm ăn mới, Hạnh hỏi thì Phan vẫn nhất quyết không nói anh đang định làm gì. Hạnh vẫn phải chiều ý chồng. Đồ đạc sửa chữa bán đi được một khoản tiền khá lớn, Phan cũng không đưa cho Hạnh đồng nào. Mà bán hết đồ đi , có tiền rồi nhưng Phan vẫn chỉ ở nhà ăn xong và ngủ. Phan nói với vợ rằng anh đang đầu tư. Chẳng biết là đầu tư gì, Hạnh chỉ biết im lặng theo ý chồng mà thôi. Hơn một tháng rồi mà vẫn chưa thấy hiệu quả từ việc đầu tư của chồng, đã vậy mấy hôm gần đây Phan còn lấy trộm tiền của Hạnh nữa. Hạnh sinh nghi ngờ vực Phan đang làm điều gì đó bất chính. Phải nói rằng sự ngờ vực của Hạnh là quá muộn màng. Phan đã nghiện bốn tháng nay rồi. Anh đã trở thành nô lệ cho nàng tiên màu trắng.
Hạnh nức nở, cái thân xác gày gò tội nghiệp kia còn chưa đủ thương hại hay sao mà ông trời còn đày đoạ cô như thế.
– Anh định không cho mẹ con em sống nữa hay sao? Hạnh nấc lên ngẹn ngào, ai oán.
– Em nói gì vậy, em thương anh với, anh cũng khổ tâm lắm. Phan nhẹ nhàng, cũng lâu lắm rồi Hạnh không thấy anh nhẹ nhàng như thế.
– Vậy ngày mai anh phải cùng em tới trung tâm cai nghiện. Anh phải cai ngay đi.
– Vào đó thì anh sống làm sao nổi, em là vợ anh cơ mà.
– Vậy anh định tiếp tục như này mãi ư? Mẹ con em sống như thế nào đây?
– Anh sẽ cai từ từ, anh quyết tâm mà.
Hạnh lại câm nín nuốt những giọt nước mắt mặn đắng, chưa bao giờ Hạnh ép Phan làm được điều gì mà anh không muốn. Hạnh không dám nài nữa, vì nếu còn nói thì thế nào Phan cũng lại nổi nóng và gia đình lại có chuyện. Thôi thì mong Phan sẽ biết suy nghĩ và vì hai đứa con đang ngủ nên Hạnh nhắm mắt mà chẳng cất lời nào nữa.
Những lời ngọt ngào và quyết tâm của Phan vốn đã không tồn tại trong suy nghĩ của anh nên việc Hạnh khuyên anh cai nghiện là một điều không tưởng, hão huyền. Đã đặt chân vào con đường “lên tiên” này thì bước ra đâu phải là chuyện nói là làm được. Phan không còn giấu giếm nữa, mà giờ đây, anh công khai đòi tiền của Hạnh để thoả mãn cơn quằn quại của mình. Hạnh không cho thì Phan đánh đập, chửi bới. Sự chịu đựng, nhẫn nhục của Hạnh đã biến thành nhu nhược. Bây giờ Phan như một vị toàn quyền ngang ngược. Đồ đạc trong nhà lần lượt chắp cánh bay theo từng làn khói, từng mũi kim tiêm. Chẳng bao lâu căn nhà trở nên trống tuếch, đầu tiên là chiếc tủ lạnh, rồi ti vi, rồi xe máy… Hạnh càng vất vả cực nhọc hơn nữa, bán hàng nước, chăm vườn chuối. Hạnh đã không còn đủ sức để nuôi thêm mấy con lợn nữa. Bán được buồng chuối nào thì Phan lại lấy hết tiền, thỉnh thoảng Phan còn ra hàng nước của Hạnh để vòi vĩnh. Lo cho hai đứa con ăn học còn không đủ, bây giờ phải nuôi thêm một “con nghiện” nữa thì như thế nào. Tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, không bao giờ được bằng bạn bằng bè, chiếc cặp đi học cũng không có.
![]() |
Cơn mưa chiều dai dẳng, chẳng mấy chốc sân nhà Hạnh đã trở thành một cái ao. Từng hạt mưa rơi xuống rồi bắn tung lên nhìn như những chiếc vương miện pha lê, nhưng rồi chúng lại tan biến ngay và hoá thành những bong bóng trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Ba mẹ con Hạnh ngồi trong nhà cũng không yên, chỗ nào cũng dột lã chã nước. Chạy đi chạy lại mãi thì họ cũng tìm được một góc hiên đề ngồi. Thường lệ, Phan vẫn không ở nhà, chỉ khi nào không thể “xoay” được thuốc thì anh mới về qua nhà chốc lát nạt vợ lấy vài đồng của vợ rồi lại đi ngay. Hạnh ôm con út trong lòng, con lớn đứng cạnh mẹ nó cứ giơ tay ra hứng lấy từng giọt mưa một cách thích thú. Con bé út thì không thích mưa, nó ngồi yên trong vòng tay mẹ. Hạnh đang mải mê suy nghĩ về tương lai hai đứa nhỏ sẽ đi đến đâu thì bất giác con bé út ngước cổ lên hỏi mẹ:
-Mẹ ơi, khi nào mưa mới tạnh hả mẹ?
Hạnh đưa mắt nhìn ra vùng trời phía trước, con bé út phải chờ một lúc mẹ nó mới trả lời:
-Khi nào những đám mây đen đằng kia tan hết thì mưa mới tạnh con ạ.
Có bóng người lầm lũi bước ra từ bóng tối, đi tới hai mẹ con Hạnh. Đó là Phan. Anh đang đi cùng hai cán bộ đoàn phường. Anh ôm ghì lấy con, nói trong tiếng nấc: “Bố sẽ cai nghiện con ạ. Con hãy mong chờ sự quyết tâm của bố!”. Nói rồi, Phan giới thiệu với Hạnh: “Em ạ, đây là hai cán bộ đã đến tư vấn, thuyết phục anh hoàn lương. Nghe những lời cán bộ đoàn mới thấm thía làm sao. Nhưng những lời gan ruột của con và em đã làm anh bừng tỉnh. Rồi mùa xuân ấm áp sẽ về!”.
Ngoài hiên, bên những nhành lá non, bật nhú những nhánh đào đỏ thắm. Niềm hy vọng, ấm áp, hạnh phúc đang ùa tới mọi gia đình, trong đó có ngôi nhà nhỏ bé của Phan.
TP Lạng Sơn, tháng 12-2010
Nguyễn Bá Thường