Ðể ngày Tết mãi là nét đẹp của truyền thống
30/01/2011 14:07
Gắn liền với chu kỳ không đổi của bốn mùa, gắn liền với các tập quán sản xuất nông nghiệp lúa nước, từ bao đời nay, Tết là thời điểm báo hiệu mùa xuân đã về, là dịp để mọi gia đình, dòng họ, bạn bè, bà con xa gần sum họp, hay thăm viếng lẫn nhau.Cái ấm áp của mùa xuân không chỉ có được từ đất trời, mà còn từ tấm lòng của mọi người, từ niềm hy vọng về một năm mới có thêm nhiều sức khỏe, làm ăn tấn tới. Vì thế, Tết và niềm vui trong ngày Tết đã trở thành nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, và gắn liền với Tết là nhiều hoạt động, việc làm, ứng xử của mỗi người, của cả cộng đồng. Nhìn từ lịch sử, phải nói rằng ở các thời kỳ trước, 'thủ tục' của ngày Tết nhìn chung là khá rườm rà, từ việc mua sắm đến việc giao tiếp, thực hành các lễ thức có tính bắt buộc. Khi cuộc sống phát triển, hàng hóa phong phú, việc mua bán sắm sanh ngày Tết đã thuận lợi hơn. Đồng thời văn minh hiện...
Gắn liền với chu kỳ không đổi của bốn mùa, gắn liền với các tập quán sản xuất nông nghiệp lúa nước, từ bao đời nay, Tết là thời điểm báo hiệu mùa xuân đã về, là dịp để mọi gia đình, dòng họ, bạn bè, bà con xa gần sum họp, hay thăm viếng lẫn nhau.
Cái ấm áp của mùa xuân không chỉ có được từ đất trời, mà còn từ tấm lòng của mọi người, từ niềm hy vọng về một năm mới có thêm nhiều sức khỏe, làm ăn tấn tới. Vì thế, Tết và niềm vui trong ngày Tết đã trở thành nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, và gắn liền với Tết là nhiều hoạt động, việc làm, ứng xử của mỗi người, của cả cộng đồng.
Nhìn từ lịch sử, phải nói rằng ở các thời kỳ trước, 'thủ tục' của ngày Tết nhìn chung là khá rườm rà, từ việc mua sắm đến việc giao tiếp, thực hành các lễ thức có tính bắt buộc. Khi cuộc sống phát triển, hàng hóa phong phú, việc mua bán sắm sanh ngày Tết đã thuận lợi hơn. Đồng thời văn minh hiện đại cung cấp phương tiện để con người duy trì các mối quan hệ, thay đổi một số quan niệm. Kết quả là trong một số trường hợp, sự rườm rà, khắt khe trong lễ thức ngày Tết đã được thay thế bằng sự giản tiện, hợp lý. Như trong những năm gần đây, nhiều bậc cha mẹ đã dễ thông cảm khi con cái vì đường sá xa xôi mà không thể sum họp với gia đình; lời chúc Tết qua điện thoại, tin nhắn đã được chấp nhận, nếu vì lý do nào đó mà mọi người không có điều kiện thăm hỏi trực tiếp. Từ bình diện xã hội, nhiều tập quán mới đã hình thành, như gửi quà Tết tới bộ đội đang đóng quân nơi biên giới và hải đảo, quyên góp giúp đỡ gia đình nghèo có cái tết tươm tất, chung tay tổ chức đón Tết cho người già không nơi nương tựa và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Tuy nhiên gần đây, một số trường hợp, quà Tết lại trở thành phương tiện để 'biếu xén', tiền mừng tuổi không còn mang ý nghĩa tượng trưng mà phải mang tải cả ý nghĩa thiếu lành mạnh. Rồi rượu chè linh đình, phô trương giàu sang một cách thái quá, thậm chí có người lợi dụng danh nghĩa 'vui xuân' để 'cờ bạc đỏ đen'… Trên thực tế, các hiện tượng kể trên đã làm ảnh hưởng tới nét đẹp của ngày Tết, và báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng phê phán, nhưng dường như vẫn chưa có nhiều thay đổi. Phải chăng đó chính là lý do làm một số người 'ngại Tết'?
Nhìn từ giá trị và xu thế, sự phát triển của văn hóa và văn minh luôn được đặt trong mối quan hệ kế thừa – phát triển, trong đó một số giá trị không phù hợp sẽ bị đào thải. Điều đó cho thấy, muốn duy trì, phát triển một nét đẹp của văn hóa dân tộc, trước hết cần tiếp nhận, bổ sung để nét đẹp ấy ngày càng đẹp hơn, càng phù hợp hơn với trình độ, đặc điểm mới của cuộc sống. Với ngày Tết cũng vậy, cha ông trao lại cho chúng ta một tập quán văn hóa giàu tính nhân văn vừa chứa đựng niềm vui, vừa mang theo niềm hy vọng về một năm mới vẹn toàn. Vì lẽ đó, một số hiện tượng không phù hợp với ngày Tết cần phải được chấn chỉnh kịp thời. Và để có nhận thức chung trong toàn xã hội, trước hết cần bắt đầu từ nhận thức của mỗi người. Nếu mỗi người có nhận thức đúng về Tết và sinh hoạt trong ngày Tết lành mạnh thì chắc chắn, các thế hệ mai sau sẽ kế thừa và tiếp tục làm cho Tết mãi mãi là một nét đẹp của truyền thống.
Theo Nhandan