Thứ ba,  21/03/2023

Tết ở hai đầu đất nước

LSO-Chẳng biết có gọi là may mắn hay không khi tôi có dịp thăm cả hai đầu đất nước trong khoảnh khắc của mùa xuân. Được “bay” giữa đất trời Nam- Bắc qua đó để so sánh chiêm nghiệm và rồi để ở Nam thì nhớ Bắc và giờ ở Bắc rồi nhớ Nam. Nhớ đến nao lòng...Người dân Cà Mau chuẩn bị cây cảnh đón tếtTừ Mẫu Sơn đến xóm MũiKhi Xứ Lạng đang vui những ngày xuân với hội Tam Thanh, Đồng Đăng, Tả Phủ, Kỳ Lừa... thì chúng tôi đã phải tạm xa “bầu rượu nắm nem” với một nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Nói gì thì nói xuân Xứ Lạng là cả một miền ký ức, trong đó thú nhất lên Mẫu Sơn để thưởng cái rét tê tê và gió thổi miên man qua những dông đồi, trên đó có những bông tú cầu tím kiêu hãnh đùa với gió đông và xuân Mẫu Sơn cứ ngỡ mùa đông ở một nước châu Âu xa xôi. Còn phương Nam thì sao nhỉ? Với suy nghĩ ấy, ngay trong tết tôi ngược đường Mẫu Sơn để có sự so sánh cho ngày mai ở phương Nam....

LSO-Chẳng biết có gọi là may mắn hay không khi tôi có dịp thăm cả hai đầu đất nước trong khoảnh khắc của mùa xuân. Được “bay” giữa đất trời Nam- Bắc qua đó để so sánh chiêm nghiệm và rồi để ở Nam thì nhớ Bắc và giờ ở Bắc rồi nhớ Nam. Nhớ đến nao lòng…
Người dân Cà Mau chuẩn bị cây cảnh đón tết
Từ Mẫu Sơn đến xóm Mũi
Khi Xứ Lạng đang vui những ngày xuân với hội Tam Thanh, Đồng Đăng, Tả Phủ, Kỳ Lừa… thì chúng tôi đã phải tạm xa “bầu rượu nắm nem” với một nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Nói gì thì nói xuân Xứ Lạng là cả một miền ký ức, trong đó thú nhất lên Mẫu Sơn để thưởng cái rét tê tê và gió thổi miên man qua những dông đồi, trên đó có những bông tú cầu tím kiêu hãnh đùa với gió đông và xuân Mẫu Sơn cứ ngỡ mùa đông ở một nước châu Âu xa xôi. Còn phương Nam thì sao nhỉ? Với suy nghĩ ấy, ngay trong tết tôi ngược đường Mẫu Sơn để có sự so sánh cho ngày mai ở phương Nam. Có lẽ Mẫu Sơn thân thiết với tôi từ khi mới chập chững vào làng báo, tôi đặc biệt thân thiết với bác Tăng Phúc (người được nhắc đến trong cuốn sách viết về dân tộc Dao Việt Nam), và chị Triệu Thị Vân, bởi cứ mỗi lần gặp là câu chuyện của chúng tôi cứ dùng dằng không dứt. Tôi quý bác Phúc ở cái chất mộc mạc, nhanh nhẹn, ở bác hội tụ đủ chất của người Dao lô gang trên đỉnh Mẫu Sơn. Còn chị Vân thì ngoài nhanh nhẹn, mộc mạc chị còn có nét rất xinh của người Mẫu Sơn. Nếu xét về văn minh thì dân tộc Dao là một trong số ít dân tộc Việt có chữ viết, mà chữ viết khẳng định phần nào văn minh. Biết tôi chuẩn bị có chuyến đi phương Nam bác Phúc rất vui và cố nài cầm chai rượu đi Nam mà uống. Bên chén rượu Mẫu Sơn, cái thứ rượu được cất trên cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, uống vào âm ấm, rạo rực, lâng lâng, nhưng đã say thì cũng ngất ngây. Ở Mẫu Sơn, ngày xuân từng tốp người Dao bản này làng kia đi chúc tết nhau, họ đi dọc những sườn đồi xanh mướt mát lộc xuân, điểm trên đó là những nụ đào Mẫu Sơn như những chấm lửa trên nền trời xanh thẳm, con trẻ thì đứa nào cũng áo mới, nhưng rồi đứa nào cũng chân trần. Khách đến chơi hát mấy câu chúc tết rất vần vò, rồi nhà nào cũng bày thịt treo xông khói, chanh rừng ngâm, rượu và mấy trái ớt, chỉ có vậy thôi mà chủ và khách chẳng dứt nhau ra được, chuyện tết là những câu chuyện vui nhất trong năm kể để mọi người cùng cười, sống ở vùng băng giá bên bếp lửa tiếng cười như hào sảng bay vọng khắp núi rừng giữa tiết xuân lạnh mà ai cũng thấy ấm lòng.
Tết nơi xóm Mũi

Nói về phương Nam thì có quá nhiều điều, nhưng xuân nơi đất Mũi thì không phải lúc nào cũng có cơ hội để nói, vì để ra được đất Mũi người ta phải mất cả ngày, từ đi xe, rồi ca nô, cuối cùng là đi bộ, cuộc sống nơi xóm Mũi vẫn là những điều kỳ thú. Cũng như Mẫu Sơn, nếu không vượt qua băng giá, lên đó giữa mùa lạnh thì làm sao có thể hiểu những người như bác Phúc, chị Vân nghĩ gì. Đặt chân lên đất Mũi, hình ảnh đầu tiên là những đứa trẻ nô đùa, giữa ngày xuân nhưng chúng vẫn nguyên đôi trân trần, mặt mũi đứa nào cũng lem những bùn, da đen cháy nhưng nét hồn nhiên của con trẻ thì có lẽ ở Mẫu Sơn và Đất Mũi cũng là một mà thôi. Tâm điểm của đất mũi là Mũi Ngọc nơi đặt mốc toạ độ quốc gia, từ Hữu Nghị quan Lạng Sơn đến đây là 2.354 km, nhưng hiện nay mỗi năm đất Mũi dài thêm được 1 km bồi ra biển. Tiếng là biển nhưng ở đây không có những doi cát, và hình như biển đất Mũi cũng chưa có cát bao giờ. Đặc sản là những cây đước ngâm chân xuống bùn rồi vươn rộng như những chiếc nơm úp xuống biển. Ở đây xuân yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng cá nhảy dưới rạch nước. Nắng thì như phương Bắc giữa hè, cái phân biệt mùa xuân duy nhất ở đây có lẽ là trước cửa mỗi nhà có mấy nhánh mai vàng rực. Cái nét giống Mẫu Sơn ở xóm Mũi có lẽ là sự mến khách. Anh Huỳnh Văn Hải, một cư dân xóm Mũi chính gốc cứ mời chúng tôi vào nhà bằng được, uống chén rượu xuân và lại đủ thứ chuyện, chuyện của Hải là đi biển đánh vật với sóng và gió, có những năm anh ăn tết ngay trên biển, cứ thế cuộc sống êm đềm trôi đi cùng những mùa xuân. Ở đây xuân sao đơn giản thế, cái chất mộc mạc giản dị cũng hiện hữu trên từng nếp nhà. Hai đầu đất nước, hai xóm na ná như nhau nhưng cùng một mùa xuân chỉ khác một nơi thì lạnh với gió núi sương mù bay rây rây, còn một nơi thì tràn đầy nóng, nắng và gió. Có lẽ cái giống đặc trưng hơn cả là sự mến khách, cởi mở bên chén xuân nồng. Và cái nữa nhìn những đứa trẻ chân trần nơi đất Mũi tôi bâng quơ nghĩ về những đứa trẻ chân trần Mẫu Sơn.

Nguyễn Nhật Anh